Mượn thông tin cá nhân thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, ngân hàng... để trục lợi

Biên tập viên

Tò mò, muốn biết các tài khoản cho thuê hoạt động ra sao nên Trình tới ngân hàng sao kê. Kết quả thật bất ngờ khi chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, các tài khoản của Trình đã phát sinh các giao dịch lên tới hàng trăm tỷ đồng...

Ngày 5-9, TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên phạt Võ Tiến Trình (SN 1989, trú ở phường Mân Thái, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) 4 năm tù và Võ Quốc Toàn (SN 1992, ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) 30 tháng tù cùng về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Hai bị cáo này còn tuyên phạt hình phạt bổ sung với tổng số tiền 50 triệu đồng.

Theo cáo trạng, thực hiện chức năng giám sát thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận thấy một số giao dịch bất thường. Trong đó, có 1 tài khoản nước ngoài đứng tên Công ty AP Capital Investment Limited (mở tại Công ty chứng khoán VNDirect) và 15 tài khoản đứng tên 15 công ty tại Việt Nam.

Hai bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Hai bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận thấy, trong các giao dịch này, từng cặp tài khoản mở và đóng vị thế thông qua việc giao dịch với nhau trong ngày hoặc trong 5 ngày với cùng khối lượng giao dịch, chủ yếu là giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận. 

Mức chênh lệch giá đều để lãi cho tài khoản nước ngoài. Các tài khoản trong nước mua giá cao, bán giá thấp và chịu lỗ; tài khoản nước ngoài mua giá thấp, bán giá cao và hưởng lãi. Tiền lãi được chuyển vào tài khoản của Công ty AP Capital Investment Limited mở tại Ngân hàng BIDV. 

Đáng chú ý, các tài khoản trên cùng sử dụng chung một địa chỉ IP tại Hồng Kông (Trung Quốc) để đặt lệnh giao dịch chứng khoán phái sinh. Do vậy, UBCKNN đề nghị cơ quan công an làm rõ.

Kết quả điều tra xác định, năm 2021, bị cáo Võ Tiến Trình được người quen là Wang Yong Quan Wilfred (gọi tắt là Wilfred; quốc tịch Singapore) cho biết đang làm việc cho Công ty Mamoru Việt Nam, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư tiền kỹ thuật số (tiền điện tử) và chứng khoán. 

Công ty này do Chiu Cheuk Man (còn gọi Patrick, người Hồng Kông) làm Tổng Giám đốc. Patrick còn là Tổng Giám đốc Công ty AP Capital Investment Limited.

Patrick muốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số ở Việt Nam nên cần có tài khoản để thực hiện giao dịch. Là nhân viên của Patrick, Wilfred đặt vấn đề nhờ Trình mở tài khoản rồi chuyển lại cho Công ty Mamoru. Công ty Mamoru sẽ trả phí khoảng 800 USDT/ tháng (USDT là một loại tiền kỹ thuật số, giá trị tương đương đô la Mỹ).

Trình đồng ý, đi mua sim và điện thoại mới rồi tới Ngân hàng ACB làm thủ tục mở tài khoản cá nhân, internet banking bằng số điện thoại mới, đồng thời lập tài khoản trên sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Huobi và Binance. Tất cả tài khoản, mật khẩu được chuyển cho Wilfred để Công ty Mamoru sử dụng. Sim và điện thoại cũng được chuyển phát sang Trung Quốc cho nhóm Wilfred.

Đến tháng 7-2021, Wilfred tiếp tục nhờ Trình đứng tên thành lập công ty, mở tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán để chuyển cho Công ty Mamoru dùng "đầu tư chứng khoán" với tiền công tăng thêm khoảng 400 USDT/tháng.

Wilfred hướng dẫn Trình liên hệ với Công ty Luật TNHH ANT tại Đà Nẵng để được hướng dẫn làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Trình liên hệ, ký giấy ủy quyền cho Công ty ANT Đà Nẵng thành lập doanh nghiệp, rồi mở các tài khoản chứng khoán, chuyển cho Wilfred sử dụng.

Võ Tiến Trình khai, sau khi chuyển thông tin cho Công ty Mamoru thì Trình không quản lý, sử dụng các tài khoản này. Cuối năm 2021, Trình tò mò, muốn biết các tài khoản mình cho thuê hoạt động ra sao nên tới Ngân hàng ACB để sao kê. Kết quả bất ngờ khi chỉ trong vài tháng, tài khoản của Trình giao dịch 240 tỷ đồng.

Bị cáo này lo sợ nên nói chuyện lại với Wilfred. Phía Wilfred lại hỏi Công ty Luật ANT thì được tư vấn, mỗi tài khoản chỉ nên giao dịch dưới 10 triệu USDT. Do hạn mức giao dịch của mỗi tài khoản, Công ty Mamoru cần mở thêm nhiều tài khoản để giao dịch. 

Đầu năm 2022, Công ty Mamoru ký hợp đồng lao động với Võ Tiến Trình với mức lương hơn 45 triệu đồng/ tháng. Công việc chính của bị cáo là đi mượn thông tin cá nhân của người quen, bạn bè để thành lập công ty, mở các tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng, tài khoản tiền kỹ thuật số.

Tổng cộng, Trình đã mở 64 tài khoản chứng khoán kèm 64 tài khoản ngân hàng và được trả 3,3 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng cho rằng, trừ các chi phí, Võ Tiến Trình hưởng lợi bất chính hơn 2,9 tỷ đồng.

Sau khi Trình nghỉ việc tại Công ty Mamoru, bị cáo Võ Quốc Toàn được thuê vào thế chỗ. Toàn đã lập 16 tài khoản chứng khoán cùng 16 tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp này và được hưởng lợi 377 triệu đồng.

Toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính của Trình và Toàn bị tòa án tuyên tịch thu, sung công. Với các đối tượng liên quan khác gồm nhiều người nước ngoài, cơ quan điều tra đã tách hồ sơ để xử lý sau...