Tia UV ở những đô thị lớn ở mức nguy hại cho sức khoẻ con người. Ảnh: TL.
Nắng nóng xảy ra diện rộng ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nhiệt độ lúc 13h trưa phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ. Chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 7-9 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Tia UV (hay còn được gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại) là bức xạ điện từ có trong ánh sáng mặt trời, có bước sóng từ từ 400 nm đến 100 nm. Tia UV được chia thành ba loại như sau:
Tia UVA: vùng tia này gần với vùng ánh sáng nhìn thấy (Bước sóng 315 nm÷380 nm).
Tia UVB: vùng bức xạ này có bước sóng dài hơn tia UVA (bước sóng 280 nm÷315 nm, gây say nắng, tổn thương làm đen da).
Tia UVC: đây là vùng tia UV có năng lượng cao nhất. (tia UVC có bước sóng 100 nm÷280nm, gây ung thư da nhưng đã có tầng Ozon chặn lại. Chúng ta thường phải tiếp xúc với UVA (90%) và UVB (10%)).
Tia UV có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Gây ung thư da
Cả bức xạ UVA và UVB đều có thể làm tổn thương làn da của bạn bằng cách xuyên qua lớp biểu bì của da và phá hủy DNA của tế bào. Bức xạ UVA có xu hướng thâm nhập vào các lớp sâu bên trong da, được gọi là lớp hạ bì, làm lão hóa các tế bào da và gây ra nếp nhăn. Bức xạ UVB là nguyên nhân chính gây đỏ da hoặc cháy nắng.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số tia cực tím (UV) an toàn khi nằm trong ngưỡng 0-2 (mức gây hại thấp), tới mức 3 đã bắt đầu gây tổn thương cho da. Việc tiếp xúc với tia cực tím quá mức có thể gây đột biến gen có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư da.
Lão hóa da sớm
Tiếp xúc lâu ngày với ánh nắng mặt trời cũng gây lão hóa da sớm. Theo thời gian, da có thể bị nhăn nheo, hình thành các vết nám, tàn nhang và đốm nâu. Lão hóa da sớm sẽ biểu hiện sau một thời gian phơi nhiễm âm thầm với tia UVA (loại tia cực tím có bước sóng dài, xuyên qua lớp vải, cửa kính và tác động lên da).
Gây tổn thương mắt, đặc biệt là gây đục thủy tinh thể
Nhìn hoặc tiếp xúc lâu dài với tia UV cường độ cao có thể hại cho các mô của mắt và gây ra một “đốt” trên bề mặt mắt, được gọi là “tuyết mù” (photokeratitis). Các hiệu ứng thường biến mất trong vài ngày nhưng cũng có thể dẫn đến biến chứng về sau. Một báo cáo đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ năm 1998 ghi nhận chỉ cần một lượng nhỏ ánh sáng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ phát triển tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, mộng thịt (pterygium), thoái hóa kết mạc, ung thư da quanh mí mắt, thoái hóa điểm vàng.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Hoa Kỳ khuyến nghị những điều sau đây để bảo vệ chống lại bức xạ UV:
- Hạn chế ra đường, đặc biệt là vào khoảng giữa trưa, lúc này chỉ số UV tăng lên rất cao
- Mặc quần áo chống nắng che kín toàn thân
- Đeo kính râm để bảo vệ chống lại cả bức xạ UVA và UVB
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng tối thiểu (SPF) là 15 để chống lại bức xạ UVA và UVB, và bôi lại sau mỗi 2 giờ.
Ngoài ra, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ lưu ý rằng, trẻ nhỏ vào thời tiết này cần tránh ra ngoài để đảm bảo được sức khỏe. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng nên tránh ánh nắng trực tiếp và phải mặc quần áo chống nắng khi ra ngoài.