Nắng nóng kéo dài làm tăng nguy cơ kiệt sức và đột quỵ ở người cao tuổi

Thảo Huyền

Khu vực Hà Nội ngày 29/6 có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ. Cảnh báo, đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ còn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 7.

Ngày hôm nay (28/6), nắng nóng và nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ.

Dự báo: Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên ngày 29/6, ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ; riêng khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, có nơi trên 40 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ.

Khu vực Hà Nội: Ngày 29/6 có nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ. Cảnh báo: Đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ còn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 7.

Tác động của nắng nóng: Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.

Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Ngày 29/6, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 8-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Đột quỵ do nắng nóng

Nhờ khả năng điều hòa nhiệt độ nên thân nhiệt của chúng ta luôn ổn định ở 37oC, dù nhiệt độ ngoài môi trường có giảm xuống hay tăng lên. Trong những ngày nắng nóng, cơ thể phải thải nhiệt bằng cách ra mồ hôi, thở nhanh, đi tiểu, giãn mạch ngoài da, tăng hoạt động của tim để đẩy máu ra bề mặt cơ thể nhằm thoát nhiệt... Nếu cơ thể không tự làm mát được thì nhiệt độ cơ thể tăng cao và sẽ dẫn đến đột quỵ.

Những ngày nắng nóng có thể gây đột qụy bằng cơ chế phối hợp bởi 3 yếu tố: một là nắng nóng, cơ thể phải đổ nhiều mồ hôi, gây mất nước, dẫn tới giảm khối lượng máu, làm thiếu hụt lượng máu nuôi não, dẫn đến đột quỵ não. Hai là, nắng nóng làm tăng thân nhiệt, gây rối loạn chức năng điều phối hoạt động sống của hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn hô hấp và tuần hoàn, hậu quả cũng suy giảm lượng máu nuôi não dẫn đến đột quỵ. Ba là, nắng nóng gây rối loạn hoạt động của hệ tim mạch, làm tim hoạt động kém, suy giảm hiệu suất tống máu, kèm theo sự giãn mạch, làm cho thiếu máu nuôi não và nhiều cơ quan khác cũng dẫn đến đột quỵ.

Trời càng nắng nóng, càng dễ gây ra đột quỵ, nhiệt độ càng cao thì mức độ đột quỵ càng nặng. Nếu nhiệt độ ngoài trời từ 35 - 36oC ít khi gây ra đột quỵ mà chỉ gây ra say nắng và say nóng. Nhưng khi nhiệt độ ngoài trời từ 39 - 40oC trở lên thì rất dễ gây đột quỵ não ở người cao tuổi. Vì vậy, chúng ta phải coi những ngày nắng 39 - 40oC là ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm để có biện pháp bảo vệ cha mẹ già, phòng tránh đột quỵ.

Hình ảnh Mùa nắng nóng, người cao tuổi dễ bị kiệt sức và đột quỵ

Cách phát hiện người bị đột quỵ do nắng nóng

Người đi lại hay hoạt động ngoài trời nắng, nếu bị đột quỵ sẽ có những biểu hiện như sau: người bệnh đột ngột mất ý thức, ngất; da nóng ran, cặp nhiệt độ cơ thể có thể lên tới 40 - 41oC hoặc cao hơn. Bệnh nhân đổ nhiều mồ hôi, da ẩm ướt, bại yếu nửa người, không cử động được, không đi lại được, không nói được hoặc khó nói, nói ngọng, không xác định được không gian và thời gian.

Một trường hợp đột quỵ kiểu khác là bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng như sau: bệnh nhân có các triệu chứng kiệt sức do nắng nóng như ra mồ hôi quá nhiều, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh, nông, có khi đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, đau đầu, choáng váng hoặc ngất, mệt mỏi, bị chuột rút. Thân nhiệt tăng và kèm các triệu chứng: lú lẫn, mất thăng bằng, thở dốc, hơi thở yếu, choáng, ngất, chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, chuột rút (vọp bể), đái ít, sốt cao có khi tới 44oC, trụy mạch. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện tổn thương thần kinh như: li bì, giãy giụa, mê sảng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Một chế độ ăn phù hợp sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Một chế độ ăn phù hợp sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng

Bệnh nhân đột quỵ do nắng nóng cần cấp cứu khẩn cấp, vì nếu không được cải thiện kịp thời, người bệnh nhanh chóng bị hôn mê chỉ trong vòng vài phút, thậm chí tử vong do thân nhiệt quá cao có thể dẫn tới suy tim, suy thận và tổn thương não.

Biện pháp cấp cứu: cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát, cởi bỏ bớt hoặc nới rộng quần áo, lau mát và quạt thông hơi. Do bệnh nhân bị ngất hoặc hôn mê nên người cấp cứu không nên cố gắng cho bệnh nhân uống nước vì sẽ bị sặc nước vào phổi càng nguy hiểm. Dùng mọi phương tiện sẵn có để nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cải thiện.

Trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim (bắt mạch hoặc sờ không thấy tim đập) phải làm hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.

Cách hà hơi thổi ngạt: khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc sạch đờm dãi; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.

Cách ép tim ngoài lồng ngực: dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Nếu một người cấp cứu thì thổi ngạt 2 - 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10 - 15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Lời khuyên của chuyên gia

Mùa nắng nóng bạn cần theo dõi dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh đột quỵ cho ông bà, cha mẹ đã cao niên.

Mọi người nói chung và người cao tuổi không nên đi lại hay làm việc vào những ngày nắng nóng và những giờ cao điểm nắng nóng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Cần đội nón mũ rộng vành khi đi ngoài nắng.

Nếu gia đình bạn có điều kiện dùng máy điều hòa nhiệt độ thì nên để nhiệt độ ở khoảng 26 - 28oC. Các gia đình không dùng máy điều hòa nhiệt độ thì làm mát nhà ở bằng cách che nắng, mở cửa cho thông thoáng với bên ngoài, bật quạt mát.

Bạn cần uống nước thường xuyên để tránh mất nước. Các loại nước uống tốt vừa giải nhiệt vừa bù muối là nước trái cây, nước canh, nước rau, dung dịch oresol.

Những người cao tuổi, sức yếu, có bệnh tim mạch, đã từng bị đột qụy thì không ra ngoài nắng sau 10 giờ sáng, không làm việc hoặc hoạt động gắng sức khi cơ thể mệt mỏi, đói và khát ở ngoài trời nắng. 

Hạ Chí