Lễ hội Tịch Điền (Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) diễn ra hàng năm vào mùng 7 tháng Giêng. Rất tiếc, năm nay do đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở Việt Nam nên hoạt động lễ hội, các di tích, hoạt động tôn giáo, điểm vui bị dừng hoạt động và ngừng đón khách. Theo đó, lễ hội được cho là đẹp và ý nghĩa nhất trong năm con trâu - Tân Sửu cũng phải hủy bỏ.
Ở các năm trước đó, vào ngày mùng 6 tháng Giêng, Hội thi vẽ trang trí trâu quy tụ hàng chục họa sĩ từ các địa phương như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình... sẽ khoác lên mình các chú trâu trong làng Đọi Sơn những bức tranh dân gian truyền thống với gam màu tươi sáng về chủ đề mùa xuân và nông nghiệp.
Sáng ngày mùng 7, Lễ hội xuống đồng đi cày đầu xuân mới chính thức diễn ra tại cánh đồng làng. Đòn cày được người dân mang ra lễ hội, sẵn sàng cho hoạt động tế lễ và xuống đồng.
Người dân làng và du khách thập phương nô nức đổ về cánh đồng làng để đón xem lễ hội, chiêm ngưỡng những chú trâu sắc màu sẽ cày xới những thửa ruộng đầu tiên để bắt đầu cho mùa vụ mới.
Trong cuốn "Việt lược sử" biên soạn vào thời Trần, năm Đinh Hợi (987) vua Lê Đại Hành - vị vua khai sáng triều Tiền Lê đã chọn mảnh ruộng dưới chân núi Đọi và đích thân xuống ruộng cầm cày nhằm thúc đẩy chủ trương khuyến nông.
Năm Kỷ Sửu 2009, sau gần 100 năm ngừng tổ chức, Lễ Tịch điền được chính thức khôi phục tại Đọi Sơn.
Ông Đinh Trọng Tế ở Đọi Sơn (Nhất Hà, xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) năm nay đã hơn 90 tuổi (sinh năm 1929), là người từng 9 lần được lựa chọn đóng giả vua đi cày trong lễ hội Tịch Điền.
Mặc dù xuất thân từ gia đình nhà nông nhưng ông Tế được cha mẹ cho học chữ nho từ nhỏ, 6 tuổi đã cùng cha mẹ dắt trâu ra đồng đi cày. Cùng với dung tướng đẹp lão, gương mặt ông hồng hào, râu tóc bạc phơ, gia đình đuề huề con cháu, năm 2009, ông là người được bô lão trong làng lựa chọn làm người đầu tiên đóng giả vua đi cày sau khi lễ hội được phục dựng.
Ông Đinh Trọng Tế được các bô lão làng Đọi Sơn hóa trang, mặc áo hoàng bào, đeo mặt nạ giả vua trên đài tế lễ hội Tịch Điền xuân năm 2019.
Chú trâu to khỏe nhất, đẹp nhất sau khi thắng giải cuộc thi vẽ trang trí trâu ngày hôm trước sẽ vinh dự được kéo cày cho vua trong lễ hội.
Theo truyền thống, vua đi đầu tiên với 3 luống cày. Theo sau là các quan văn, quan võ. Các thiếu nữ đi sau phía sau các quan gieo hạt giống xuống những luống cày vừa xới để bắt đầu một mùa vụ mới.
Từ khi lễ được khôi phục, các vị Chủ tịch nước cũng đã về dự, tự tay thực hiện nghi thức Lễ Tịch điền - xắn tay xắn quần xuống đồng đi cày.
Sau đó, người dân làng nô nức đưa trâu ra cày tại các thửa ruộng xung quanh.
Cả cánh đồng làng Đọi Sơn nhộn nhịp cảnh lao động hăng say, những thửa ruộng được cày xới tơi xốp đã sẵn sàng được tháo nước để cấy lúa vụ xuân.
Phải chờ đợi 12 năm nữa, lễ hội Tịch Điền mới lại có thể rộn ràng đón mừng năm mới với hình tượng linh vật con trâu, tức năm Quý Sửu 2033.