Liên quan đến vụ việc của ông Nguyễn Gia Hiền (trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) và ngân hàng VIB cách đây 1 tháng mà báo Khỏe 365 - báo điện tử Người đưa tin đã đưa tin, phóng viên đã tiếp tục làm việc với ông để lấy thêm thông tin và xin ý kiến của một số chuyên gia pháp lý, công chứng viên về vụ việc.
Trong bài viết "Ngân hàng VIB nhập nhằng giữa thế chấp và bảo lãnh: Hậu quả ai chịu trách nhiệm?" đăng trên Khỏe 365 - Báo điện tử Người đưa tin phán ánh sự việc: Con gái và con rể của ông Hiền có vay số tiền 3 tỷ đồng tại Ngân hàng VIB vào ngày 8/5/2010. 2 người muốn mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số S 297782 đứng tên ông (diện tích là 580 m2 tại thửa số 114, Tờ bản đồ số 5 tại địa chỉ: xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) để bảo lãnh cho cho khoản vay, sau khi Ngân hàng giải ngân thì sẽ rút GCN về trả cho ông, cán bộ của Ngân hàng cũng nói vậy nên ông đã đồng ý ký vào 1 bản hợp đồng có nội dung cho mượn GCNQSDĐ. Cán bộ Ngân hàng không giải thích quyền và nghĩa vụ của ông khi ký. Sau đó, ngân hàng VIB tiếp tục cho con gái và con rể ông vay 1,5 tỷ đồng nữa theo 1 HĐ tín dụng khác và vẫn dùng GCNQSDĐ mang tên ông làm đảm bảo nhưng không thông báo cho ông, sự việc chỉ được phát hiện khi 2 người ly hôn vào năm 2013.
Khi Ngân hàng dùng chiêu "nhập nhằng' giữa Thế chấp và Bảo lãnh tài sản
Ông Hiền chỉ biết rõ số tiền thực tế Ngân hàng VIB cho con gái và con rể ông vay là 4.500.000.000 VNĐ khi con gái và con rể ông ly hôn vào tháng 8 năm 2013. Nhận thấy những dấu hiệu bất thường từ việc Ngân hàng VIB tự động giải ngân cho bên thứ ba dựa trên tài sản bảo lãnh của ông, ông Hiền đã đọc lại các hợp đồng trên và thấy những điểm bất cập và tiềm ẩn nhiều rủi ro về phía ông.
Gian dối khi ký hợp đồng ?
Khi nhận định về việc giao kết HĐ ở trên, các chuyên gia pháp lý cho biết ông Hiền khi ký Hợp đồng thì ông hoàn toàn minh mẫn, đủ năng lực hành vi dân sự và biết về giao dịch của Ngân hàng và các con nên vẫn phải xác định ông đồng ý cho “thế chấp” Quyền sử dụng đất của ông tại thửa đất số 114 tại Tân Triều. Tuy nhiên có điểm mập mờ ở đây ông chưa rõ , đó là ngữ nghĩa trong HĐ và nghĩa vụ của ông khi giao kết HĐ mà cán bộ không giải thích cho ông . Như các chuyên gia đã làm việc với Phóng viên Quang Thanh trong bài báo trước, 2 khái niệm “thế chấp” và “bảo lãnh” đã được giải thích và dẫn chiếu cụ thể từ Luật dân sự 2015. Phải khẳng định rằng trường hợp này của ông Hiền là “bảo lãnh” để vay vốn Ngân hàng cho 2 người con sử dụng. Ông Hiền vì quá tin tưởng con cái, nên dù không được giải thích và nói rõ nghĩa vụ, ông vẫn ký HĐ bảo lãnh. Ngược lại, các con ông và cán bộ Ngân hàng phải hiểu được khái niệm này và phải nói rõ với ông Hiền vì nó liên quan tới quyền lợi trực tiếp của ông, đến khi ông biết tài sản của mình sẽ được dùng để trả nợ cho khoản vay của các con thì ông mới ngẩn người vì “bút sa gà chết”.
Việc con gái, con rể , cán bộ Ngân hàng mập mờ trong việc này , hứa hẹn cứ ký đi, Ngân hàng giải ngân rồi sẽ trả lại có thể hiểu là “thủ đoạn lừa dối” nhằm lấy lòng tin của ông Hiền, làm ông Hiền hiểu sai lệch về bản chất của Hợp đồng, dẫn tới việc gây ra thiệt hại cho ông Hiền. Đối với các giao dịch như vậy, có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu theo Điều 127 Bộ luật dân sự 2015 , các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên khi Hợp đồng đã ký, mọi lời lẽ dùng để thuyết phục ông đều không có gì ghi nhận, ông Hiền sẽ gặp nhiều khó khăn khi chứng minh việc gian dối trên
Trách nhiệm của Công chứng viên ?
Cùng nhận định với các chuyên gia, công chứng viên Nguyễn Ngọc Anh – Văn phòng công chứng Quốc Thái ở Thanh Trì , Hà Nội cũng cho biết các giao dịch về đất như cho tặng, thế chấp, bảo lãnh..phải được công chứng theo qui định của Luật đất đai 2013 .
Luật công chứng và Quy tắc hành nghề công chứng qui định rõ nghĩa vụ của công chứng viên là phải giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng; giải đáp một cách rõ ràng những thắc mắc của người yêu cầu công chứng nhằm đảm bảo cho hợp đồng, giao dịch đúng với ý chí của các bên giao kết hợp đồng, giao dịch; đảm bảo các bên có nhận thức đúng về pháp luật có liên quan và giá trị pháp lý của văn bản công chứng trước khi công chứng viên công chứng. Do đó, dù con gái, con rể và cán bộ Ngân hàng mập mờ không nói rõ, không yêu cầu, công chứng viên vẫn phải giải thích cụ thể về ý nghĩa, điều khoản, hậu quả khi ký HĐ cho ông Hiền. Ví dụ:Khi cho ký HĐ chuyển nhượng hay tặng cho đất, Công chứng viên vẫn nói rõ người chuyển nhượng sẽ không còn quyền lợi gì trên đất sau khi ký vào Hợp đồng và Hợp đồng được công chứng ,dù không ai hỏi để tránh trường hợp người chuyển nhượng bị lừa dối…
Công tác trong việc công chứng phải rất cẩn thận vì nếu từ ngữ vắn tắt hay mang tính chất chuyên sâu dễ dẫn đến không hiểu, hoặc hiểu sai...phải kiên nhẫn giải thích từng từ cho tới khi người yêu cầu công chứng nắm rõ bản chất của giao dịch thì công chứng viên mới công chứng hợp đồng. Đây không phải là cá nhân đề ra , mà là nghĩa vụ mọi công chứng viên đều được học và nắm bắt qua lớp đào tạo hành nghề của Sở Tư Pháp. Việc vi phạm luật và đạo đức hành nghề như trên có thể bị xử phạt theo Nghị định 67/2015/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp.
Với vi phạm "Không giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng” ngoài phạt tiền, công chứng viên còn có thể bị hình phạt bổ sung là tước thẻ công chứng viên với mức phạt tùy theo hành vi của người vi phạm.
Ông Hiền chia sẻ thêm với phóng viên rằng nguồn gốc ngôi nhà có từ thời chống Pháp dùng làm từ đường, từ thời ông nội của ông để lại, tất cả các người con của ông nội đều thống nhất giao cho bố ông là con trưởng có trách nhiệm gìn giữ, quản lý và bây giờ đến lượt ông cũng như vậy. Chuyện của các con dối gạt mình khiến ông rất đau lòng, vì đây không chỉ là nơi ở của nhiều người trong gia đinh còn là nơi thờ cúng tổ tiên trong họ nên ông quyết đòi quyền lợi chính đáng của mình.
Được biết bản Hợp đồng "nhập nhằng" giữa Thế chấp và Bảo lãnh nhiều bất cập nêu trên do Công chứng viên Nguyễn Mạnh Dũng thuộc Văn phòng Công chứng Vạn Xuân có Trụ sở chính: Số 48 Giang Văn Minh, Ba Ðình, Hà Nội thực hiện. Số công chứng 04328.01 Quyển số 10 TP/CC - SCC/HĐGD. |
Huy Đức - Quyết Tuấn