Nghề “lạ mà quen” ở Hà Tĩnh: Cả làng đi thụt lùi đãi “lộc trời” trên sông La

Thảo Huyền

Nghề đi thụt lùi, nghề cào hến truyền thống là “cần câu cơm” của biết bao gia đình ở thôn Bến Hến xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) hơn 300 năm nay.

Cả làng đi thụt lùi

Ở nơi đây, hến không chỉ là món ăn đặc sản, có thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước, mà người dân nhờ đó có nguồn thu nhập khá ổn định. Hàng ngày, nhờ con hến, cả một khúc sông La ở thôn Bến Hến nhộn nhịp như một khu chợ thu nhỏ. Có mặt tại thôn Bến Hến, chứng kiến cảnh bán mua tấp nập, cạnh đó trong làng, những bếp lò luộc hến khói nghi ngút và mùi thơm từ hến luộc lan tỏa cả một vùng.

Những bếp lò luộc hến khói nghi ngút ở Bến Hến

Đang luộc hến trong túp lều, chị Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Bến Hến, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), cho biết: “Không biết nghề này được hình thành từ lúc nào, chỉ biết rằng các thế hệ người dân ở thôn Bến Hến khi sinh ra, lớn lên đều nối tiếp nhau gắn bó với nghề cào hến, luộc hến. Mọi trang trải trong cuộc sống, xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng, lo cho con cháu ăn học, đều phụ thuộc vào thu nhập từ nghề làm hến….”.

Theo chị Hoa, trước đây, nghề làm hến khó khăn, vất vả lắm, suốt ngày vợ chồng, anh em đều bám mặt xuống sông cũng chỉ lo kiếm đủ ăn, không có dư dả, vì thời điểm đó giá hến quá rẻ. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi hến trở thành một loại thực phẩm sạch, một đặc sản được mọi người ưa chuộng, giá bán cao nên nghề làm hến ở Bến Hến đang ngày càng phát triển mạnh và mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân.

Bến Hến đang ngày càng phát triển mạnh và mang lại nguồn thu nhập khá ổn định

Sở dĩ gọi là nghề “đi thụt lùi” bởi ngày trước làm hến không hiện đại như bây giờ, để bắt được hến người dân phải dùng một chiếc cào có máng hình chữ nhật, cán dài 1-1,5m để cào. Người cào vừa đi thụt lùi vừa lắc đều để đãi hến. Còn bây giờ, chỉ cần ngồi trên thuyền máy, cắm cào xuống cát rồi nổ máy chạy dọc trên sông vài vòng là có vài chục kg hến.

Do giá trị của con hến cao và hến ở Bến Hến đã khẳng định được thương hiệu, nên nhiều thương lái đã tìm đến tận nơi thu mua với số lượng lớn rồi vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ. Nhờ đó, người làm nghề hến không phải lo lắng đầu ra, cào được bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Mùa khai thác hến kéo dài gần như quanh năm, nhưng vụ cao điểm và hến nhiều nhất là từ tháng giêng đến tháng 6 âm lịch.

Làng Bến Hến hiện có 150 hộ dân sống bằng nghề cào hến – cái nghề “đi thụt lùi”

Làng Bến Hến hiện có 150 hộ dân sống bằng nghề cào hến – cái nghề “đi thụt lùi”, lưng phơi nắng, mặt dúi xuống nước cả ngày, tối về quần quật với việc nhặt, rửa hến. Mặc dù đỡ vất vả hơn ngày trước, nhưng nghề làm hến đòi hỏi phải có sức khỏe, sự kiên trì, chịu khó. Hến sau khi cào về đều được tận dụng hết, vỏ hến gom lại nung thành vôi phục vụ xây dựng, sản xuất nông nghiệp hoặc xay nhỏ làm thức ăn cho gà, vịt; ruột hến dùng chế biến các món ăn; nước hến dùng để nấu canh.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, người dân ở Bến Hến kể với phóng viên về quy trình làm hến. Ông nói: “Đàn ông chúng tôi khỏe mạnh thì đi thuyền máy cào hến trên sông, bình quân 2-3 người/thuyền. Còn phụ nữ thì ở nhà ngâm rửa hến, luộc hến, đãi hến sạch… Mỗi ngày, công việc thường bắt đầu từ 2-3 giờ sáng cho đến chiều muộn”.

Hến làm giàu cho cả làng

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Sen gắn bó với nghề này đã lâu nói: “Hến là “lộc trời” ban cho dân làng này, cả nhà tui 4 đời làm nghề cào hến trên sông La rồi. Tôi cũng ăn hến mà lớn lên nên dù vất vả vẫn phải giữ cái nghề truyền thống của làng”, chị Sen chia sẻ.

Hiện nay hến ở đây được xem là đặc sản sạch

Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở bến Hến tâm sự: “Trước đây mỗi ngày hai vợ chồng tôi chỉ cần đi dọc sông La là cào được mấy tạ hến nhưng bây giờ sản lượng hến ngày càng cạn kiệt nên bà con phải vượt hàng cây số theo sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố hoặc ngược cầu Bến Thủy (TP Vinh) mới có hến mang về.

Theo ông Tuấn, vào vụ cao điểm có thuyền cào được hơn 1 tấn hến/ngày, còn lại bình quân từ 300 – 600kg/thuyền. Thu nhập trung bình từ nghề làm hến khoảng 500.000 – 1 triệu đồng/nhà/ngày. So với các nghề khác, đây là nghề đang mang lại nguồn thu nhập cao nhất, ổn định nhất, giải quyết nhiều việc làm cho người dân… Đặc biệt, hiện nay hến ở đây được xem là đặc sản sạch, giá trị kinh tế cao nên người dân rất yên tâm bám nghề.