Nghệ nhân xứ Huế sáng tạo nón lá "trong suốt" khách du lịch thích thú tìm mua

Ngọc Anh

Nhìn chiếc nón xương lá có vẻ mỏng manh, nhưng nó có thể sử dụng chắc chắn như một chiếc nón bình thường. Người dùng có thể đi mưa thoải mái, không sợ ướt và nón sẽ khô tự nhiên.

"Nhiều người nói tôi là thằng điên, làm cái nón gì mà trong suốt, không che được nắng", ông Hùng nói về thời mày mò làm nón xương lá bàng.

Vài năm trước, một lần xem được đoạn phim về nón lá sen, ông Võ Ngọc Hùng (ngụ phường Kim Long, TP Huế) cả đêm trằn trọc nghĩ cách đổi mới cho chiếc nón lá xứ Huế. Ông Hùng muốn làm ra chiếc nón thật độc đáo và mới lạ, không thích đi theo những gì có sẵn và biết mình cần tìm một chiếc lá thật lớn.

"Bản thân tôi là một người thích trải nghiệm. Tôi từng đi bốc thuốc bắc, chẻ mây, phụ thợ nề, đi rừng, làm lò gạch, xay lúa... Mỗi nghề, tôi lại học được kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm rồi nhận ra đam mê với hàng thủ công mỹ nghệ cần sự khéo léo, tỉ mỉ", ông chia sẻ về quãng đời bươn chải của mình.

Ông Võ Ngọc Hùng mô tả công đoạn chải xương lá. Ảnh: Ngân Dương.

Ông Võ Ngọc Hùng, nghệ nhân làm nón xương lá bàng. Ông từng làm đồng hồ bằng gỗ, mua máy in để in hình lên xương lá bồ đề... nhưng không thành công, và hết sạch tiền. Ảnh: Internet

Năm 2018, trong một chuyến đi chơi với bạn ở Bình Điền (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông tình cờ thấy chiếc lá bàng rừng rất to và dày dặn. Chợt ý tưởng làm nón từ xương lá bàng nảy ra, bởi ông đã có kỹ thuật ngâm xương lá bồ đề từ trước, tuy nhiên khổ quá nhỏ. Ông Hùng bèn đem lá bàng rừng về thử nghiệm.

"Vậy là tôi quyết tâm làm nón lá bàng, chưa chắc sẽ làm được, nhưng thử đã. Lúc đó hết tiền, trước rất mê xe đạp đua, có 2 chiếc cũng đã bán. May có con gái ở xa ra thăm, tôi kể có ý tưởng làm nón lá bàng, con gái liền cho tôi 1 triệu đồng và nói rằng ba sẽ thành công", ông cười.

Tài chính eo hẹp, người đàn ông tuổi ngoại lục tuần còn phải trải qua nhiều lần thất bại khi nuôi đam mê với nón xương lá bàng. Thời gian đầu, ông Hùng một mình cầm cây sào, vác bao, len lỏi trong rừng "săn" lá bàng. Mùa mưa ông Hùng không thể đi hái lá, vì cây bàng có sâu, rừng nhiều rắn rết rất nguy hiểm. Trời dông cũng không được, ông phải đi vào mùa nắng.

"Đường rừng, đâu phải cứ hái là nó rơi xuống ngay chỗ mình đứng. Lá rơi xuống bay liệng qua liệng lại, đi tới nơi nhặt thì lá bị rách hoặc sâu, không dùng được. Sau đó tôi phát hiện ra điện thoại có chức năng zoom, nhìn thấy lá được rõ hơn khi đứng ở dưới. Giống như cái ống nhòm, soi lá nào được thì tôi mới cắt xuống", ông vừa kể, vừa nâng niu từng chiếc lá khi nhấc ra khỏi chậu ngâm. Lá được chọn phải không có sâu, không thủng, dày; lá phải già, bởi lá non sẽ bị phân hủy hoàn toàn khi ngâm.

Có lần, vì mải nhìn lá ở trên cây mà ông bị ngã, suýt gãy chân. Hay ông từng chạy xe máy 200 km, đi hai ngày mà chỉ hái được vỏn vẹn 12 cái lá, bởi không đến đúng vùng cây mọc. Sau này, khi đã có kinh nghiệm, ông biết được vùng có nhiều cây bàng rừng, lá đậm màu, và thuê thêm người dân địa phương đi hái.

Lá bàng rừng tươi mới hái về.

Lá bàng ngâm trong thùng dung dịch 1,5 tháng

2 tháng sau, mọi nỗ lực cho trái ngọt. "Tôi cầm chiếc lá bàng đã phân hủy thành xương mà ứa nước mắt, quá xúc động vì đã thử nghiệm thành công", nghệ nhân ngoại lục tuần nhớ lại.

Để làm ra một chiếc nón xương lá cần rất nhiều công sức. Đầu tiên, ông Hùng cần chọn nguồn lá sao cho đẹp để hái, đem về ngâm vào bột baking soda (muối nở) để lá phân hủy. Khoảng một tháng rưỡi sau, ông đem ra chải hết phần mục để lấy xương lá - phần còn màu xanh nguyên thủy. Tiếp là công đoạn tẩy trắng, ghép xương lá lên vành nón, sao cho đẹp, đều và phần cuống chụm lại đồng tâm thành chóp. Cuối cùng, ông đưa cho thợ chằm nón, qua công đoạn chống ẩm, chống thấm để tránh mốc.

Công đoạn chải lá

Với ông, vất vả nhất là khâu chải xương lá. "Dùng bàn chải đánh răng chải từng chút một trên chiếc lá mỏng tang, phải chải theo chiều thuận, sơ sẩy bị rách công sức tiêu tan. 100 cái lá hái về, phải bỏ đi khoảng 40%, còn nếu tính số lá lành, nguyên vẹn, hoàn hảo chỉ khoảng 7 - 8 lá. Rất khó khăn, song khi làm nón dùng lá này chồng lên lá kia, có thể tận dụng", ông nói.

Công đoạn thiết kế, ghép lá tạo hình nón.

Hay khi ông đi thuê thợ chằm nón, họ cũng từ chối vì chưa bao giờ dùng loại xương lá này. Ông Hùng vẫn kiên trì thuyết phục, và để người ta thử, cái nào hỏng thì bỏ. Lúc đầu, ông cũng chưa biết nón xương lá bàng cũng bị mốc.

"Tôi nghĩ, không thể bỏ cuộc được. Cũng có nhiều người nói tôi là thằng điên, làm cái nón gì mà trong suốt, không che được nắng. Nhưng tôi cứ làm theo đam mê của mình thôi", ông chia sẻ.

Sau vài lần khách hàng phản hồi, ông dần dần cải tiến và biết cách thức chống ẩm, chống mốc. Ông cứ tự mày mò, thử nghiệm, sai lại sửa, quá trình hoàn thiện mất đến khoảng 7 - 8 tháng.

Sản phẩm dần được nhiều người biết đến nhờ sự lan tỏa thông tin trên mạng xã hội. Chiếc nón trong suốt, có thể nhìn rõ được từng vân lá. Nón lá của ông được đón nhận rất nhiệt tình, nhất là du khách ở Hà Nội và TP HCM. "Có người ở Hà Nội gọi vào yêu cầu đặt gấp 1.000 cái, dù rất vui nhưng tôi phải từ chối ngay vì lúc đó một tháng tôi chỉ có thể làm được 30 cái", ông kể.

Nhìn chiếc nón xương lá có vẻ mỏng manh, nhưng nó có thể sử dụng chắc chắn như một chiếc nón bình thường. Người dùng có thể đi mưa thoải mái, không sợ ướt và nón sẽ khô tự nhiên.

Ảnh: Hue, truly Vietnam.

Mỗi chiếc nón dùng khoảng 15 đến 30 lá bàng, tùy thuộc vào kích thước của lá to hay nhỏ.

Theo ông, một cái nón lá bàng bán giá 450.000 đồng không để làm giàu, nhưng nó chứa đựng nhiều tâm huyết. "Nếu lấy lá này làm sản phẩm khác, không mang dấu ấn Huế như chiếc nón lá chưa chắc tôi đã thành công. Tôi luôn có mong muốn góp phần đưa du lịch Huế phát triển. Nón lá là điểm nhấn của du lịch Huế, mang tính truyền thống, thân thiện với môi trường và có thiết kế về thủ công mỹ nghệ khá cao", ông bày tỏ.

Nón trong suốt, có thể dễ dàng nhìn thấy vân lá rất đẹp.

"Thời gian vừa rồi nón lá bàng khá 'hot' ở Huế. Mình vốn quen với nón lá truyền thống, nên khi nhìn thấy chiếc nón là từ lá bàng thật sự thú vị. Nón nhẹ hơn hẳn so với nón lá thông thường, trước đó, mình nghĩ nón lá bàng sẽ có màu xanh, nhưng khi nhìn chiếc nón trong suốt này thật sự bất ngờ. Đây là ý tưởng độc đáo, tạo nên sự khác biệt cho hình ảnh chiếc nón lá truyền thống", chị Phương, một người dân Huế, chia sẻ.

Hiện nay một tháng ông Hùng làm được 60 nón. Nón bán ra chủ yếu do khách hàng tự tìm đến qua mạng xã hội, nhiều người cũng mua với số lượng lớn để gửi ra nước ngoài. Trước khi Covid-19 bùng phát, ông cũng đón nhiều khách nước ngoài. Ngoài nón xương lá bàng trơn, ông Hùng còn bán nón lá vẽ danh thắng Huế, hoa... hoặc hình theo yêu cầu. Những chiếc nón này do bà xã của ông vẽ.

Nghệ nhân này vẫn luôn nghĩ ngày hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua. Lúc có thời gian, ông nghiên cứu thêm để có thể cải tiến và nâng cấp sản phẩm của mình. "Nếu tôi nghĩ tôi giỏi rồi sẽ chẳng bao giờ giỏi, phải luôn học hỏi. Đôi lúc có những câu vô tình của người nào đó, có thể chê, có thể khen nhưng nếu biết học hỏi thì tất cả đều tốt. Khen chê không quan trọng bằng hướng đi, tôi quyết tâm vào mục đích của mình, ai nói mặc ai", ông tự hào.

Ngọc Anh (T/H)