Làng Nam Ô nằm bên vịnh Đà Nẵng, cách đèo Hải Vân chừng 3km, nổi tiếng với nghề làm nước mắm từ cách đây hơn 300 năm. Người dân Nam Ô từ xưa tới nay vẫn luôn tự hào “mắm của làng từng là sản vật tiến Vua”. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, đến nay, nghề làm nước mắm Nam Ô vẫn tồn tại và phát triển. Sản phẩm của làng nghề không chỉ là thứ gia vị trong bữa ăn hằng ngày của người dân Đà Nẵng mà còn là biểu tượng văn hóa, có tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương.
Đặc trưng của mắm Nam Ô chính là cách làm thủ công. Nước mắm làm ra được ủ ròng trong một năm để tinh chế ra loại mắm ngon nhất. Nguyên liệu chính để chế biến nước mắm là cá cơm than. Cứ đến khoảng đầu tháng ba âm lịch, ngư dân bắt đầu đánh bắt những mẻ cá cơm giàu đạm để làm nước mắm. Đến nay, các thế hệ người dân Nam Ô vẫn luôn gắn bó, duy trì và phát triển nghề làm nước mắm của cha ông để lại.
Làng nghề hiện có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 hộ tham gia vào Hội làng nghề truyền thống, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp. Nước mắm Nam Ô cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp logo, nhãn hiệu tập thể. Nghề làm nước mắm đã tạo việc làm bền vững cho khoảng vài trăm lao động địa phương với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng.
Tại lễ công nhận nghề nước mắm Nam Ô là Di sản phi vật thể quốc gia, anh Bùi Thanh Phú, chủ cở sở nước mắm Nam Ô Hương Làng không ngớt vui mừng và hãnh diện. Anh Phú nói: “Chúng tôi sẽ quyết tâm hơn nữa để phát triển làng nghề. Chúng tôi cũng cam kết sẽ đầu tư, phát triển mạnh thương hiệu nước mắm mạnh hơn nữa, mong muốn nó trở thành thương hiệu phổ biến trên toàn quốc và có thể ra nước ngoài để cạnh tranh".
Trong khi nhiều loại nước mắm công nghiệp ra đời thì làng Nam Ô vẫn quyết giữ cách làm mắm truyền thống từ bao đời nay. Nước mắm Nam Ô đã tạo được thương hiệu riêng có tiếng trên thị trường, có mặt tại nhiều tại các triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất hiện ngày càng nhiều trên kệ của các siêu thị, các chợ lớn để phục vụ người tiêu dùng. Nước mắm Nam Ô đã có thể cạnh tranh với các thương hiệu khác như mắm Nha Trang, mắm Ông Kỳ Phú Quốc,…
Ông Lê Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu cho hay: làng nghề nước mắm Nam ô được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự tự hào, là niềm vui của bà con địa phương cũng như toàn thành phố. Người dân rất vui mừng vì thấy giá trị họ trân trọng bao đời nay đã được công nhận. Đây cũng là động lực mới để chúng ta tiếp tục phát huy giá trị làng nghề. Ngoài ra, đề án khôi phục lại làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ góp phần chỉnh trang lại làng nghề, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong tương lai.
Làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với các di sản văn hóa có lịch sử như: đền thờ bà Liễu Hạnh, dấu tích Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam ô, lăng thờ cá Ông và các di chỉ dấu tích Chăm. Đây là điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch.
Trao thưởng cho 3 tập thể, 19 cá nhân trong việc phát huy, giữ gìn nghề làm nước mắm làng Nam Ô
Theo lãnh đạo quận Liên Chiểu, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đề án “Bảo tồn nghề làng nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” với kinh phí gần 5 tỷ đồng với mục tiêu cụ thể như: đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người làm nước mắm; Xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch của thành phố; Khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa dân gian của địa phương.
Ông Lê Văn Nghĩa cho hay, để đạt được mục tiêu này, cần sự chung tay của cộng đồng. Người dân phải được đào tạo các kỹ năng về phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã của nước mắm Nam Ô. Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, khai thác tiềm năng của di tích, phong cảnh địa phương; tạo bước đệm cho kinh tế địa phương phát triển, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà cũng là trách nhiệm to lớn trong việc bảo vệ, phát huy giá trị làng nghề nước mắm Nam Ô. Ông Trần Văn Miên - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị chính quyền địa phương và bà con làng nghề Nam Ô phải đặc biệt chú ý nhiệm vụ phát triển và bảo tồn làng nghề gắn với mục tiêu phát triển du lịch, để sản phẩm độc đáo này được quảng bá rộng rãi, mang lại lợi ích phát triển kinh tế địa phương.
Đặc trưng của mắm Nam Ô là làm thủ công
Tại lễ vinh danh, đề án Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô với tổng kinh phí đầu tư hơn 46 tỷ đồng cũng được công bố và kế hoạch triển khai thực hiện. Đề án nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, các tập quán, sản phẩm làng chài, và nghề mắm cổ truyền Nam Ô, tạo điều kiện cho người dân làm du lịch.