Nghi Sơn, Thanh Hóa: Ngao chết hàng loạt, người nuôi trắng tay

Ngọc Anh

Trong vòng chưa đầy một tuần, toàn bộ hơn 80 ha ngao chết trắng, trong đó có đến gần nửa diện tích đã đến kỳ thu hoạch. Vốn liếng đầu tư, công chăm sóc của người dân Phường Hải Châu lại một lần nữa trôi ra cửa lạch, nhiều hộ nuôi ngao trắng tay.

Ngao chết trắng bãi

Theo phản ánh của người nuôi ngao phường Hải Châu (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), vào đầu tháng 3/2023, hơn 80 ha ngao nuôi đã đồng loạt chết trắng trong vòng một tuần mà không rõ nguyên nhân, trong đó có gần nửa diện tích ngao đã nuôi từ 15 tháng đến 2 năm, đã đến kỳ thu hoạch.

Có mặt tại cánh đồng ngao phường Hải Châu, PV ghi nhận được hình ảnh những ruộng ngao chết trắng, phơi vỏ trên mặt bùn, người nuôi chỉ còn biết gom vỏ lại để xử lý, một số người thì cố gắng nhặt nhạnh, vớt vát những con còn sót lại, nhưng cũng không đáng kể. Cả cánh đồng  ngao hơn 80 hécta mất trắng. Thiệt hại càng lớn hơn khi có đến hơn 30 héc ta ngao đã đạt ngao thương phẩm.

sz

Ngao chết trắng bãi

Theo người nuôi ngao, mỗi hecta ngao thương phẩm sẽ cho thu hoạch hơn 1, 2 đến 1,4 tỷ đồng. Theo đó, thiệt hại trên toàn diện tích lên đến cả trăm tỷ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Sỹ- Chủ nhiệm HTX nuôi ngao phường Hải Châu cho biết: "Hiện có hơn 60 hộ nuôi ngao vơi tổng diện tích nuôi là hơn 80 hecta, có khoảng hơn 70ha bị chết, thiệt hại là rất lớn. Khi phát hiện có ngao chết chúng tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương, sau đó lấy mẫu đem đi kiểm tra  để tìm nguyên nhân, nhưng vừa rồi họ trả kết quả xét nghiệm thì tất cả các mẫu đều “âm tính” nên cho đến thời điểm hiện tại cũng chưa có kết luận rõ ràng cụ thể nguyên nhân dẫn đến ngao bị chết. Tuy nhiên từ kinh nghiệm của người nuôi ngao lâu năm tại địa phương, chúng tôi nghi ngờ ngao chết là do ô nhiễm môi trường nước, vì ngao chết đồng loạt rất nhanh trong hai ba ngày, nếu là ngao chết do bệnh sẽ không nhanh như vậy"

Sau khi xả ra hiện tượng ngao chết hàng loạt, Chi cục Thủy sản và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa đã lấy mẫu xét nghiệm ký sinh trùng perkinsus sp và lấy mãu làm quan trắc môi trường nước để tìm nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết.

Ngày 31/03/2023, UBND thị xã Nghi Sơn ra văn bản thông báo gửi UBND phường Hải Châu về kết quả giám định bệnh ký sinh trùng perkinsus sp trên ngao nuôi. Theo đó, thông báo kết quả cụ thể 12/12 mẫu, trong đó có 4 mẫu ở Hải Châu lấy từ 1 hộ nuôi cho kết quả âm tính với ký sinh trùng được xét nghiệm.

Ngày 04/0/2023, UBND phường Hải Châu ra thông báo số 200/TB-UBND thông báo về kết quả quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản tại phường Hải Châu đợt 1 năm 2023 do Chi cục Thủy sản Thanh Hóa thực hiện. Theo đó thông báo kết quả phân tích chất lượng nước nuôi ngao, trong đó có mẫu nước lấy tại Hải Châu cho thấy có 03 thông số, bao gồm NH4+, TSS và Coliform vượt ngưỡng cho phép. Đáng chú ý, theo kết quả quan trắc nước nuôi ngao thì chỉ số TSS- chỉ số thể hiện chất gây ô nhiễm nước cũng vượt ngưỡng cho phép.

sz1

Báo cáo kết quả quan trắc môi trường nước nuôi ngao thể hiện các chỉ số vượt ngưỡng cho phép

Trao đổi với ông Nguyễn Thành Nhân- Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghi Sơn về vấn đề này, ông Nhân cho biết: Nguyên nhân ngao chết chủ yếu là do mật độ nuôi quá dày, gấp 8 đến 12 lần so với mật độ khuyến cáo dẫn tới ngao thiếu thức ăn, cộng với sự thay đổi thời tiết, độ mặn tăng cao dẫn đến tình trạng ngao chết hàng loạt.

Người dân trắng tay

Năm 2020, Hải châu cũng xảy ra tình trạng ngao chết bất thường, thiệt hại cũng lên tới gần 70 ha. Tại thời điểm đó, những hộ nuôi ngao ở  Hải Châu cũng rơi vào cảnh khốn đốn bởi toàn bộ vốn liếng, vay mượn đều đổ hết vào bãi ngao.

Sau chưa đầy 3 năm, người nuôi ngao chạy vạy,  vay mượn, những bãi ngao được gây dựng lại, đến ngày thu hoạch bỗng dưng ngao lại chết đồng loạt. Nhìn xác ngao nổi trắng bãi ông Sỹ bất lực: “Gia đình tôi có hơn 1 ha, cũng đã đến kỳ thu hoạch, đợt này cũng chết hết, thiệt hại cũng lên đến hơn 1 tỷ đồng. vốn liếng dồn hết vào đây, rồi tới đây nợ ngân hàng, tiền thuê bãi, ngao chết hết rồi, không biết lấy đâu mà trang trải…Không phải mình nhà tôi rơi vào thế bí mà tất cả những hộ nuôi ngao bị chết trong đợt này cũng không thể khá hơn. Trong hơn 60 hộ nuôi chỉ có dăm bảy hộ là khá giả, họ có vốn nên vay ngân hàng ít hơn, còn đa số 100% vốn đổ vào bãi ngao đều là tiền vay cả, giờ ngao chết trắng như vậy còn có thể bấu víu vào đâu…”

sz2

Người nuôi ngao trắng tay

Gia đình ông Phạm Viết Thành- một trong những hộ có diện tích nuôi lớn nhất với hơn 4ha, trong đó có hơn 3 ha là ngao thương phẩm, còn lại hơn 1ha mới thả giống, đợt này toàn bộ diện tích ngao của nhà ông thành cũng chết hết, không sót con nào.

Nhìn bãi ngao phơi xác trắng, vợ ông Thành chua xót: “toàn bộ vốn liếng tích góp, vay mượn được gia đình đã dồn hết vào mấy héc ngao, giờ đây chết hết cả lượt, năm sáu tỷ đồng của gia đình mất trắng theo ngao, giờ vốn cũng không còn gì, khóc cũng không được, chẳng còn biết làm thế nào, chỉ mong các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân ngao chết để có thể khắc phục và hỗ trợ bà con chúng tôi phần nào đó cho bớt xót xa…”.

Không chỉ hộ ông Sỹ, ông Thành, mà hộ hơn 60 hộ nuôi ngao tại phường Hải Châu thời gian này rơi vào cảnh lao đao, bất lực, chỉ còn trông chờ vào sự hỗ trợ từ địa phương để mong có thể vượt qua mất mát, gây dựng lại kinh tế gia đình.

Nói về nguyện vọng này, ông Phan Văn Toàn- người có 1,4ha ngao buồn rầu nói: “năm nào cũng chết, chết do thời tiết, do con nước…nhưng chưa năm nào chết như thế này. Chúng tôi nghi ngờ nguồn nước bị ô nhiễm nên ngao mới chết nhanh như vậy. Bởi vậy, chúng tôi kiến nghị các đơn vị chức năng cần nghiêm túc xác định rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng ngao chết để có biện pháp hỗ trợ bà con tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống.

Nguyện vọng của ông Toàn cũng là nguyện vọng của những hộ bị thiệt hại trong lần này, họ đang rất cần sự hỗ trợ thiết thực có thể vượt qua những khó khăn trước mắt.