Trước đó, báo ĐS&PL đã đăng tải loạt bài "Hải Dương: Dậy sóng chuyện dân làng kéo nhau ra ngủ lề đường “chống” ô nhiễm" phản ánh những ý kiến của người dân huyện Cẩm Giàng về dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, phát điện trên địa bàn xã Lương Điền. Bên cạnh đó, PV báo ĐS&PL đã có buổi làm việc các chuyên gia pháp lý, chuyên gia khoa học công nghệ và môi trường để có những cái nhìn khách quan nhất, đánh giá tính khả thi của dự án.
Có đặt nhầm niềm tin vào doanh nghiệp
Ngày 12/07/2018, UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định số 2334/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện của nhà đầu tư United Expert Investments và Công ty CP Tài nguyên & Môi trường Âu Việt.
Được biết, đây là dự án rất lớn, được xây dựng trên diện tích 10ha, với số vốn hơn 1023 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn vào năng lực của Công ty CP Tài nguyên & Môi trường Âu Việt, khiến giới chuyên gia cũng như những doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực liên quan đến môi trường cũng phải băn khoăn khi mà công ty này chỉ mới thành lập ngày 13/04/2017 với số vốn điều lệ là 8 tỷ đồng. Rõ ràng doanh nghiệp này chưa thể có nhiều kinh nghiệm chuyên môn để có thể đảm nhiệm một dự án đồ sộ như trên.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP Tài nguyên & Môi trường Âu Việt
Nghiêm trọng hơn, cũng theo điều tra của PV báo ĐS&PL, ngày 25/01/2018, Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội ra thông báo yêu cầu Công ty CP Tài nguyên & Môi trường Âu Việt báo cáo về việc tuân thủ các quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Theo đó, Phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về các nội dung sau: theo thông báo tại Văn bản số 71521/CT-KK&KTT của Cục thuế Hà Nội, doanh nghiệp đã ngừng hoạt động dưới 01 (một) năm nhưng không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế theo quy định Điều 200 Luật Doanh nghiệp và Điều 14 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ.
Đề nghị doanh nghiệp báo cáo về việc không thông báo bằng văn bản tới Cơ quan Đăng ký kinh doanh theo quy định Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo về các nội dung nêu trên trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo này.
Thông báo yêu cầu Công ty CP Tài nguyên & Môi trường Âu Việt báo cáo về việc tuân thủ các quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo, Phòng đăng ký kinh doanh không nhận được báo cáo thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điểm d Khoảng 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp.
Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Mặc dù đã bị cơ quan quản lý Nhà nước “tuýt còi”, nhưng Công ty cổ phần tài nguyên và Môi trường Âu Việt vẫn không nhận ra vấn đề.
Chính vì vậy, ngày 15/12/2018, Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã ra Quyết định 42601 về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần tài nguyên và Môi trường Âu Việt.
Tại Điều 2 của quyết định này ghi rõ: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp này, doanh nghiệp phải triệu tập họp để quyết định giải thể”.
Với những thông tin kể trên, dư luận đặt câu hỏi: Liệu UBND tỉnh Hải Dương có còn tin tưởng để cho Công ty cổ phần tài nguyên và Môi trường Âu Việt tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, phát điện ở địa bàn huyện Cầm Giàng nữa hay không?
Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt
Trong một diễn biến mới, ngày 25/03/2019 Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch & Đầu tư Hà Nội ra văn bản số 606/CCTT-ĐKKD về việc cung cấp thông tin Công ty Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt gửi báo ĐS&PL.
Theo đó, Phòng đăng ký kinh doanh khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Tài nguyên và Môi trường Âu Việt - PV) chưa đăng ký thủ tục giải thể, tạm ngừng hoạt động, chuyển đổi loại hình hay sáp nhập, chia tách doanh nghiệp”.
Xử lý rác thải sinh hoạt đang là vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Do vậy, khi lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải, điều đầu tiên mọi người quan tâm chính là năng lực của chủ đầu tư và hệ sinh thái môi trường sau khi nhà máy hoạt động có đảm bảo trong lành không.
Đã đến lúc chính quyền tỉnh Hải Dương cần phải có cái nhìn thấu đáo khi triển khai dự án này, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nhóm PV