Chiều 5/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ban, ngành và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố để triển khai ứng phó với siêu bão Yagi (bão số 3).
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người.
Trong đó, có 1.543 tàu/10.045 người đang hoạt động trên khu vực Vịnh Bắc Bộ (Thái Bình 19 tàu/139 người, Nam Định 55 tàu/175 người, Thanh Hóa 876 tàu/5.290 người, Nghệ An 371 tàu/2.800 người, Quảng Bình 87 tàu/617 người, Huế 16 tàu/182 người, Quảng Ngãi 107 tàu/758 người, Bình Định 12 tàu/84 người). Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.
Ông Luận cũng cho biết, các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9, Ninh Bình cấm biển từ 13h hôm nay. Còn 2.231 du khách du lịch trên các đảo (Quảng Ninh 154 người, Hải Phòng 2.077 người) đã nhận được thông tin về bão và chủ động phương án ứng phó.
Về nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển, trên biển ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào Vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13 - cấp 14, giật cấp 17. Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thủy sản.
Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai thông tin, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Nghệ An có 37 trọng điểm đê xung yếu cần đặc biệt lưu ý; 3 công trình đang thi công; một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên đê biển Hải Hậu, Nam Định).
Khuyến cáo người dân nên ở nhà từ sáng thứ 7
Về công tác phòng chống bão số 3, ông Phạm Đức Luận cho hay, các tuyến biển, đảo, cần tập trung kiên quyết kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân). Tổ chức sắp xếp tàu thuyền, có biện pháp tránh va đập, hư hỏng, đứt dây neo, chìm tại nơi neo đậu, nhất là trên các đảo.
Người dân cần chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Ngọc Vũ/Dân Việt
"Hiện nay, một số người dân vẫn chủ quan, cố tình ở lại bảo vệ tài sản. Trong cơn bão trước, tôi đi thực tế phát hiện đúng lúc cơn bão đổ bộ thì vẫn có người dưới thuyền. Lúc đó, chúng tôi đã yêu cầu cưỡng chế đưa lên bờ. Với cơn bão này, nếu cố tình ở dưới thuyền thì sẽ bị lật, chìm ở ngay nơi neo đậu", ông Luận nói.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển, ông Luận yêu cầu di dời, sơ tán người dân ở nhà bán kiên cố, có thể bị sập đổ khi bão đổ bộ, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển; tuỳ theo tình hình thực tế có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ mạnh hơn thiết kế...
Về thời điểm bão đổ bộ từ ngày 7/9, ông Luận khuyến cáo, từ sáng thứ 7 người dân nên ở nhà vì theo dự báo bán kính hoàn lưu của bão rất rộng. Ngoài ảnh hưởng của bão còn có thể có giông lốc xảy ra trong khi hiện nay người dân sử dụng mái tôn, biển quảng cáo rất nhiều, cây xanh cũng có nguy cơ đổ gãy cao.
Đối với miền núi phía Bắc, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên lưu ý, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; tổ chức khơi thông dòng chảy, các vị trí nguy cơ bị tắc nghẽn. Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.