Người dân nghĩ gì khi Đà Nẵng lên phương án giảm giãn cách xã hội?

Thảo Huyền

Chính quyền TP.Đà Nẵng đã nghĩ đến phương án phát triển kinh tế kết hợp phòng chống dịch, thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc này lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều của người dân.

Xem xét nới lỏng trong thời gian sớm nhất

Ngày 28/9, Ban thường vụ Thành uỷ TP.Đà Nẵng đã có cuộc họp bàn về các biện pháp Phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, trưởng ban Phòng chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng nhận định, các ca nhiễm Covid-19 gần đây được phát hiện kịp thời nhờ xét nghiệm diện rộng, khu cách ly nên nguy cơ lây nhiễm đã được hạn chế. Tốc độ lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm ngày của ngành y tế ngày càng tăng. Số điểm nóng trên địa bàn có xu hướng giảm. Tuy nhiên, các ca bệnh trong cộng đồng diễn biến khó lường.

Ông Huỳnh Đức Thơ trong buổi họp

Trong khi đó, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng nhận định, khi dịch mới bùng phát, người dân và chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi các ca bệnh đã được kiểm soát, một số thành phần người dân có dấu hiệu lơ là. Bên cạnh việc điều trị, cứu chữa bệnh nhân, công tác truyền thông, xử lý vi phạm được đẩy mạnh, UBND các quận, huyện phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan xử phạt 1.700 trường hợp với số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Cũng theo ông Chinh, tình hình dịch còn rất phức tạp, nhưng phải có biện pháp hiệu quả hơn chứ không thể kéo dài thời gian cách ly. Ngày 27/8, UBND TP.Đà Nẵng đã có ý kiến kiến nghị với Trung ương xem xét nới lỏng trong thời gian sớm nhất.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc sở Y tế TP.Đà Nẵng cho hay, ngành y tế đã xét nghiệm các đối tượng nguy cơ cao như đối tượng F1, tiểu thương, cán bộ y tế, khu công nghiệp có công nhân mắc Covid-19, người nước ngoài, thí sinh, dự thi tốt nghiệp… Nhưng, công nhân ở 4 khu công nghiệp chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

Do đó, ngành y tế đề nghị dành thêm 1 tuần tập trung xét nghiệm các đối tượng này rồi thành phố bước sang giai đoạn 2. “Chúng ta không thể quay về như thời gian trước. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng chiến lược sống chung với Covid-19 trên tất cả các lĩnh vực, hoạt động”.

Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Chủ trì buổi họp, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư TP.Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương phải tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian quyết định 1 tuần tới.

Ngành y tế là đơn vị chủ lực tham mưu, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó đẩy mạnh việc xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng. Ngoài ra, ngành y tế cần sàng lọc, phân loại xét nghiệm tại các bệnh viện khi tiếp đón người bệnh, có phương án cụ thể đảm bảo an toàn tại một số khu vực có nguy cơ cao như chợ, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp.

Đặc biệt, cần quan tâm, nâng cao năng lực điều trị Covid-19, hạn chế thấp nhất các ca tử vong, chú trọng tổ chức cách ly, bảo đảm an toàn, không lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly tập trung.

Ông Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi họp

Ông Nghĩa yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40/CT-TU ngày 19-5 của Ban Thường vụ Thành ủy về phòng, chống khắc phục tác động của Covid-19, đẩy mạnh khôi phục phát triển kinh tế, trọng tâm là các công trình trọng điểm, giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời chủ động đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách riêng cho TP.Đà Nẵng trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trước mắt thực hiện tốt việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch bệnh, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, không để tình trạng đứt gãy nền kinh tế.

Không nên quá nôn nóng

Liên quan đến vấn đề UBND TP.Đà Nẵng xem xét nới lỏng trong thời gian sớm nhất, theo ghi nhận của PV, người dân vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Anh Phan Lê Huy, quận Hải Châu, cho rằng, dịch bệnh trong 1, 2 tháng thì người dân có thể cầm cự được.

Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài thì không chỉ người nghèo mà ngay cả người giàu cũng rơi vào khó khăn. Đặc biệt là những người vay ngân hàng, dịch phải ở nhà, nhưng tiền trả hàng tháng thì không thể tránh được. Do đó, chính quyền thành phố vừa tìm cách chống dịch, vừa phát triển kinh tế là phù hợp.

Còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nới lỏng giãn cách xã hội.

Anh Trần Trung Hạnh, quận Liên Chiểu, chia sẻ, từ ngày dịch bệnh bùng phát, chính quyền yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp. Suốt thời gian qua, vợ chồng anh tiết kiệm chi tiêu tối đa. Số tiền họ tích cóp nay cũng đã cạn kiệt.

“Tôi hy vọng, chính quyền có phương án để những người dân lao động tự do có thể đi làm, mưu sinh trở lại. Nếu tình trạng giãn cách thế này tiếp tục thì chúng tôi không biết phải tiếp tục sống như thế nào”, anh Hạnh tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Như Nguyệt, quận Cẩm Lệ là lao động tự do, cũng thất nghiệp từ khi TP.Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội. Theo chị, hàng ngày vẫn phải chi tiêu về ăn uống, đặc biệt tiền điện nước, phòng trọ vẫn phải trả. Do đó, chị mong chính quyền TP sẽ nới giãn cách để người dân có thể kinh doanh, mua bán kiếm tiền mưu sinh.

Chị Nguyệt chia sẻ: “Mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng, trước khi giảm giãn cách thì chính quyền phải xem xét thật kĩ việc kiểm soát dịch. Chỉ khi kiểm soát được dịch thì mới giảm giãn cách”.

Anh Ngô Văn Tiến, quận Hải Châu, lại cho rằng, việc nới lỏng xã hội không nên quá nôn nóng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại TP.Đà Nẵng vẫn còn rất phức tạp, các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng vẫn còn. Do đó, cần thêm một khoảng thời gian nữa để ngành y tế có thể kiểm soát được dịch thì mới tính đến chuyện giảm giãn cách, phát triển kinh tế. “Đừng vì nôn nóng phát triển kinh tế mà để dịch bùng phát mạnh trở lại, khi đó, thiệt hại gấp nhiều lần so với cái lợi trước mắt”, anh Tiến nói.