Tết Đoan Ngọ của người Việt Nam được tiến hành vào giờ Ngọ (11h - 13h) của ngày mùng 5/5 Âm lịch. Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó chính là "tết giết sâu bọ". Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng.
Rượu nếp, nếp cẩm là món không thể thiếu vào ngày tết Đoan Ngọ. Theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ bớt đi thì chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây hại. Các món ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng thường được dùng để giết giun, sán, ký sinh trùng trong cơ thể. Và rượu nếp, nếp cẩm... là một trong những món ăn được lựa chọn.
Để phục vụ cúng Tết Đoan Ngọ, người bán thường chia rượu nếp thành các hộp nhỏ và bán giá trung bình từ 20.000 - 50.000 đồng, tuỳ trọng lượng.
Bánh gio là món ăn được lựa chọn dịp Tết Đoan Ngọ. Bánh làm bằng gạo ngâm nước tro, gói trong lá chuối. Bánh dễ ăn, dễ tiêu và làm mát ruột, thường ăn với mật mía.
Với nhiều gia đình miền Bắc, việc đầu tiên phải làm vào sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ là ăn một vài quả mận, quả vải... để "giết sâu bọ". Do đang vào mùa nên quả mận, quả vải...được bày bán tràn ngập ở các chợ.