Nắng nóng kéo dài suốt thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng phát triển của hơn 8.600ha lúa tái sinh ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Gốc rạ khô vì nắng nóng
Kết thúc vụ ĐX, phần lớn diện tích của các địa phương vùng giữa (vùng trũng) của huyện Lệ Thủy như Phong Thủy, Liên Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, An Thủy… làm lúa tái sinh (còn gọi là lúa chét).
Lối canh tác này được hiểu nôm na là lúa sau khi gặt xong (bà con phải gặt thủ công bằng liềm để tránh làm dập, gãy, đổ thân rạ) và giữ nước, bón thêm lân đạm là xong. Sau khoảng hơn tuần, gốc rạ đẻ nhánh và thành cây lúa phát triển nhanh. Khoảng thời gian 45 ngày là cho thu hoạch vụ này.
Lúa tái sinh cho năng suất bình quân 28-30 tạ/ha. Vì chi phí thấp nên người nông dân có lãi. Mặt khác, gạo cây lúa tái sinh ăn ngon, dẻo và được xem là lúa sạch vì bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Năm nay, HTX Đại Phong (xã Phong Thủy) có khoảng 400 ha lúa tái sinh. Khi vụ ĐX kết thúc, mặc dù nước dưới ruộng không cạn nhưng do nắng nóng kéo dài làm chân rạ bị khô héo làm ảnh hưởng lớn đến việc đẻ nhánh.
Ông Hồ Văn Châu, cán bộ Ban quản lý HTX cho hay, mặc dù đã cung ứng nước kịp thời, nhưng do nắng nóng kéo dài đã làm cho gần 100 ha lúa tái sinh không thể phát triển được. Phần còn lại có tỷ lệ đẻ nhánh thấp, sinh trưởng và phát triển chậm.
Về xã An Thủy, nơi có diện tích lúa tái sinh lớn của huyện. Trước đây, bà con hồ hởi với vụ lúa tái sinh bao nhiêu thì nay lại thấp thỏm bấy nhiêu.
Trên cánh đồng lúa chín đã cúi bông rực lên dưới cái nắng khét lẹt, ông Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lộc Thượng đội nắng đi kiểm tra vạt ruộng để bố trí lịch thu hoạch. Nhìn cả cánh đồng lớn rực vàng trong nắng, ông Thắng bảo: “Nhìn ra thì đẹp vậy, nhưng đến gần mới biết lúa mất mùa vì giai đoạn phát triển bị nắng háp ghê lắm”.
Cũng theo ông Thắng, ngoài việc khi gặt xong, do nắng lớn kéo dài nên gốc rạ bị khô đẻ nhánh ít thì những mầm chồi lúa lên đang non yếu bị nắng gắt háp làm khô quắt lá non nên cũng chậm phát triển. “Nước dưới ruộng nóng như trong chảo, cộng với nắng nóng kéo dài nên cây lúa cũng khó phát triển. Năng suất giảm sâu là điều chắc chắn”- ông Thắng nói thêm.
Lúa tái sinh mất mùa
Theo ông Châu, năng suất lúa hiện tại chỉ đạt khoảng 18-20 tạ/ha. “Tính ra, cả HTX mất khoảng 400 tấn lúa. Với giá như hiện nay thì thiệt hại khoảng hơn 3 tỷ đồng”- ông Châu cho hay.
Ở xã Mai Thủy, lúa tái sinh cũng mất mùa nặng. Những vạt ruộng lúa như cằn đi dưới cái nắng bốc hơi nóng hầm hập.
Ông Lê Xuân Tương, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp ngồi xổm giữa ruộng lúa, tay quơ vòng rộng mới túm được các bông lúa ngắn tủn. Ông bảo: “Chúng tôi có gần 80 ha lúa tái sinh đều bị mất mùa nặng so với trước. Nhiều thửa gần như bị mất không vì năng suất quá thấp và bà con cũng không thu hoạch vì sợ lỗ công”.
Trên con đường liên thôn, ông Lê Vũ cùng người nhà tranh thủ đưa mấy bao lúa tái sinh vừa mới gặt xong ra phơi nắng. Vừa rê lúa để loại bỏ rơm rạ vụn bằng cái rổ tre to tướng, ông Vũ bảo, chưa có năm nào nắng “ba trưa” độc và gắt như vậy. Thường thì nắng cứ kéo khét ba ngày thì có ngày dịu hoặc có mưa. Nhưng bữa nay thì cứ hết “ba trưa” này đến “ba trưa” khác cứ nắng như đổ lửa lên đầu chứ không chịu có ngày dịu mát. “Vì vậy, lúa không phát triển, năng suất chỉ còn lại chưa tới nửa phần trước đây. Thôi thì bòn mót được chút mô hay chút đó”.
Hiện trên địa bàn huyện lệ Thủy, các hồ đập dâng có mức nước khoảng 60-80% dung tích. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho lúa hè - thu, Phòng NN-PTNT huyện chỉ đạo các địa phương sử dụng các máy bơm dã chiến, tận dụng nguồn nước tại các ao hồ, sông suối... để bơm tưới và điều tiết nước theo từng đợt.
Theo tính toán ban đầu, vụ lúa tái sinh ở Lệ Thủy mất mùa làm nông dân thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Nhiều địa phương trong huyện có diện tích lúa tái sinh lớn cũng đang xem xét để chuyển sang thực hiện vụ hè thu tránh được nắng nóng kéo dài như năm nay.
Hiện, Quảng Bình đang bị nắng nóng đe dọa đến thiếu hụt nước tưới của vụ hè thu. Nghành NN-PTNT đang ráo riết chỉ đạo các địa phương và Cty TNHH Một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi có phương án tiết kiệm nước, tận dụng các nguồn nước nhỏ lẻ để bơm tưới cây trồng.
Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình thì nắng nóng khiến một số cây trồng ảnh hưởng, đặc biệt là cây lúa ảnh hưởng ở một mức độ nhất định. Mặc dù chưa đến mức lúa cháy nhưng ví dụ thời tiết quá nóng thì khả năng tưới luân phiên cũng không kịp.
“Phương án chống hạn giờ phải tích nước để sử dụng và có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng những cây dùng ít nước như rau màu, đậu đỗ thay cây lúa vì lúa là một trong những cây tiêu tốn nước nhiều nhất"- ông Minh nói thêm.
Tỉnh Quảng Bình hiện có 152 hồ đập lớn nhỏ. Hiện dung tích nước các hồ đạt trên 60%, có thể đảm bảo cho nhu cầu sản xuất vụ hè thu. Hiện nay, một số hồ chứa tại các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch mực nước xuống thấp, có nguy cơ thiếu hụt nước tưới nghiêm trọng nếu nắng nóng kéo dài.