Người thương binh mỗi ngày vớt hàng trăm kg rác "giải cứu" dòng kênh

Thảo Huyền

Từng vào sinh ra tử trong chiến trường biên giới Tây Nam, người thương binh hạng 4/4 Nguyễn Ngọc Đức giờ đây cần mẫn đi dọc bờ kênh Chiến Lược dọn hàng chục tấn rác mỗi tháng để khơi thông dòng chảy.

Mỗi tháng vớt hơn 10 tấn rác

Người thương binh mỗi ngày vớt hàng trăm kg rác giải cứu dòng kênh - 1

Ông Đức cần mẫn vớt rác, khơi thông dòng chảy.

Nhiều năm nay, người dân sống gần kênh Chiến Lược (quận Bình Tân, TPHCM) quen thuộc với hình ảnh người đàn ông trong bộ đồ giản dị, đi chiếc xe 3 bánh cà tàng cùng cây vợt chạy dọc bờ kênh cần mẫm nhặt và vớt rác. Ông là Nguyễn Ngọc Đức (65 tuổi, thương binh 4/4) hay còn được nhiều người gọi với cái tên “ông Đức vớt rác”.

Từng vào sinh ra tử trong chiến trường biên giới Tây Nam với những vết sẹo ở đầu, má, cánh tay… do đạn bom để lại nhưng chừng đó không ngăn được nghị lực, bản lĩnh của một người lính. Hơn 5 năm qua, ông Đức cần mẫn đi dọc bờ dòng kênh Chiến Lược (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) để vớt từng mảng rác, cành cây góp sức bảo vệ môi trường, khơi thông dòng chảy. 

Ông Đức tâm sự: “Năm 2014, tôi thấy con kênh Chiến Lược ngập rác, cây cỏ mọc um tùm phủ kín, mỗi khi mưa xuống gây ngập, rác theo nước tràn vào nhà dân. Sau đó tôi xin khu phố 8 để dọn cho sạch sẽ. Lúc đầu chỉ dọn dẹp đoạn kênh trên địa bàn khu khố. Sau đó phường thấy đoạn kênh này sạch sẽ đã mời tôi xuống rồi giao hết 2 km tuyến kênh thuộc địa bàn phường cho tôi dọn.

 

Người thương binh mỗi ngày vớt hàng trăm kg rác giải cứu dòng kênh - 2

Người thương binh mỗi ngày vớt hàng trăm kg rác giải cứu dòng kênh - 3

Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Đức luôn đi vớt rác đúng giờ

Lúc đầu, tôi lo mình không đủ sức nhưng tôi nghĩ không có việc gì khó nếu mình quyết tâm sẽ làm được. Cứ vậy làm hoài, sau khoảng 4 - 5 tháng dọn dẹp tuyến kênh được hoàn thành trở nên thông thoáng hơn. Sau đó tôi đi sắm cái vợt, cái cuốc đi vớt rác mỗi ngày”.

Từ đó đến nay, dù nắng hay mưa, ông Đức vẫn đều đặn mỗi ngày hai lần ra bờ kênh dọn rác. Ngày nào mưa, rác nhiều thì ông vớt đến 3 xe rác đầy, ngày ít cũng 2 xe, tính ra mỗi ngày ông Đức vớt lượng rác gần 400 kg. Bình quân hàng tháng ông Đức vớt được trên 10 tấn rác. 

Rác chủ yếu là bịch ni lông, chai lọ… từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Sau những chuyến xe đầy rác, ông chuyển về tập kết tại trạm trung chuyển đường Tân Hóa (quận 11) cách kênh Chiến Lược khoảng 2 km rồi quay lại tiếp tục công việc.

 

Người thương binh mỗi ngày vớt hàng trăm kg rác giải cứu dòng kênh - 4

Người thương binh mỗi ngày vớt hàng trăm kg rác giải cứu dòng kênh - 5

Mỗi tháng ông Đức dọn trên 10 tấn rác.

Chị Quyên (người dân địa phương) kể: “Chuyện về ông Đức vớt rác trên dòng kênh này không ai là không biết, chú ấy làm việc rất chăm chỉ, ngày nắng cũng như mưa, có những hôm chú Đức bệnh thì có chị Mãi (con gái ông Đức) đi cùng hỗ trợ việc thu gom rác thải. 

Trước đây dòng kênh này ngập rác, không có ai dọn dẹp thường xuyên nên rất ô nhiễm. Từ khi có chú Đức, dòng kênh đã thay đổi hẳn, không còn thấy cảnh rác thải nổi lềnh bềnh trên tuyến kênh nữa. Thấy được việc làm của chú, người dân đã ý thức hơn không xả rác bừa bãi nữa.”.

Từng vào sinh ra tử

Người thương binh mỗi ngày vớt hàng trăm kg rác giải cứu dòng kênh - 6

Là một thương binh hạng 4/4 nhưng ông Đức vẫn lao động hết mình vì một môi trường sạch đẹp.

Ông Đức là thương binh hạng 4/4, đang là Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân). Vừa trò chuyện, ông vừa chỉ cho chúng tôi những vết sẹo trên đầu, gò má, cánh tay… do mảnh đạn để lại trong chiến tranh. 

Tháng 12/1977, ông Đức viết đơn tình nguyện đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, được biên chế về Đại đội 11, tiểu đoàn 3, Sư đoàn 309 mặt trận 479 đóng quân tại tỉnh Battambang (Campuchia). Trong thời gian làm nghĩa vụ, ông Đức từng tham gia nhiều trận đánh lớn và đã bị thương, đáng chú ý là trận đánh tại cao điểm 505 và 890 huyện Pa Lin (tỉnh Battambang).

Tháng 9/1982, ông Đức được đơn vị trao quyết định phục viên, trở về quê hương Quảng Ngãi (thương binh 4/4). Về quê, ông Đức tham gia vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Đức Chánh được xã viên tín nhiệm bầu làm Đội trưởng sản xuất. 

Năm 1992 do điều kiện hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nên ông đành phải xa quê hương vào Sài Gòn buôn bán trái cây. Năm 2007, ông Đức tình nguyện viết đơn xin gia nhập vào Hội cựu chiến binh Việt Nam.

 

Người thương binh mỗi ngày vớt hàng trăm kg rác giải cứu dòng kênh - 7

Người thương binh mỗi ngày vớt hàng trăm kg rác giải cứu dòng kênh - 8

Hình ảnh ông Đức và chiếc xe chở rác cà tàng đã trở nên quen thuộc với người dân.

Theo ông Huỳnh Văn Sinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân), qua quá trình tham gia hoạt động và xây dựng Hội, năm 2008, ông Đức được Hội cơ sở giao giữ xe tại chợ Bình Trị Đông để làm kinh tế cho Hội. Quá trình công tác ông Đức luôn hoàn thành tốt công việc được giao. 

Ông Sinh nhận định, việc làm của ông Đức đầy tính nhân văn và trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, mang lại kết quả thiết thực. Nhân dân ở dọc theo kênh thấy được sự nỗ lực mà ông Đức đang thực hiện nên ý thức hơn trong việc sử dụng rác thải và bỏ đúng nơi quy định.

Nhiều năm vớt rác trên kênh, được sự hỗ trợ và động viên từ các cấp, ông Đức luôn vững vàng niềm tin về công việc vớt rác của mình, góp phần phấn đấu xây dựng địa phương văn minh, sạch đẹp.

Người thương binh mỗi ngày vớt hàng trăm kg rác giải cứu dòng kênh - 9

Dòng kênh được dọn sạch rác giúp dòng chảy được khơi thông.

Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Ngọc Đức đã được Đảng ủy và Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng III; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang; Huy chương Vì nghĩa vụ Quốc tế; 3 năm liền chiến Chiến sĩ thi đua cấp Sư đoàn; 2 Bằng khen cấp Trung đoàn cùng 2 Bằng khen UBND TP.HCM vì có những đóng góp tích trong việc thực hiện chương trình xã hội – từ thiện. 

Ngoài ra, ông Đức còn liên tục nhiều năm được bình chọn, tuyên dương là tấm gương thầm lặng, cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố.