Nhật ký cách ly của nữ điều dưỡng bệnh viện Đà Nẵng trong "tâm dịch"

Thảo Huyền

“Khoác trên mình bộ áo “phi hành gia” màu xanh, có nhiều người hỏi chúng tôi rằng không sợ dịch sao cười miết? Là bởi “một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”, chúng tôi cười để con virus biết chúng tôi không sợ nó và tinh thần thép lúc nào cũng phải lạc quan, động viên, trấn an người bệnh, người nhà và đồng nghiệp”...

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một số bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng được phong toả, cách ly nhằm hạn chế tối đa các ca bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.

Lúc này đây, thông tin về tình hình dịch bệnh trở nên nóng hơn bao giờ hết, cả nước hướng về Đà Nẵng. Đồng thời, các tỉnh thành phố luôn trong tâm thế chủ động, khẩn trương đưa ra các biện pháp đối phó với dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Trong rất nhiều những lời tâm sự được đăng tải, mới đây dòng tâm sự chất chứa nỗi niềm của nữ điều dưỡng Thu Hà (bệnh viện Đà Nẵng) đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của mọi người.

Dù đang rất bận rộn với công việc, nhưng chia sẻ nhanh với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, chị Hà cho biết những lời tâm sự đăng tải trên mạng xã hội là chị viết theo cảm xúc.

Bản thân nữ điều dưỡng này bày tỏ sẽ cùng các đồng nghiệp cố gắng hết sức mình, đồng thời mong muốn dịch chóng qua để mọi người được trở về với cuộc sống thường nhật.

Được sự đồng ý của nhân vật, PV xin trích những dòng tâm sự của nữ điều dưỡng này:

Ngày 26/7: Nhận được tin phải lên bệnh viện mặc dầu là ngày cuối tuần, chúng tôi đi theo mệnh lệnh và phải cách ly theo yêu cầu 14 ngày của bệnh viện.

Mọi thứ thật bất ngờ và bối rối khi bữa cơm trưa ăn vội, bữa cơm chiều chưa lo thì vội chạy đến bệnh viện, tôi cũng chưa kịp chuẩn bị quần áo tư trang như được thông báo.

Cứ thế ở lại bệnh viện chờ xét nghiệm từng người một, đêm đầu tiên nôn nao lo lắng vì thông tin về dịch Covid-19 đã quay trở lại và chúng tôi có nguy cơ tiếp xúc nên phải cách ly toàn viện.

Sau khi lấy máu xét nghiệm xong, chúng tôi chia thành 3 nhóm và 1/3 nhóm sẽ di chuyển đến khách sạn để cách ly, còn 2/3 ở lại phục vụ công tác chống dịch và cách ly tại bệnh viện.

Cho dù ở đâu thì đêm nay có lẽ là đêm đáng nhớ nhất trong hành trình hành nghề y của mỗi người chúng tôi. Và chúng tôi không ai ngủ được, cứ mỗi người 1 góc nhắn tin qua lại hỏi thăm tình hình của nhau. Gọi điện thoại về trấn an gia đình rằng “không sao mọi thứ ổn” vì việc cách ly quá bất ngờ nên không ai chuẩn bị tâm lý xa gia đình.

Ngày 27/7, ngày thứ 2: Chờ đợi kết quả xét nghiệm, chờ thông báo từ cấp trên, điện thoại liên tục đổ chuông và dòng tin nhắn liên tục được hỏi thăm vì lệnh cách ly toàn viện.

Thay vì thứ Hai đầu tuần chúng tôi sẽ đi làm tất bật vì thường đầu tuần bệnh nhân đông thì bây giờ bệnh viện không còn bóng dáng của người qua lại nữa bởi vì được thông báo “ngưng nhận khám chữa bệnh trừ trường hợp cấp cứu”.

Tối nay 0h lại có lệnh phong tỏa các tuyến đường đến bệnh viện nên người thân tức tưởi lo đi mua thêm đồ cá nhân gửi vào cho chúng tôi nào là mỳ tôm, cháo, sữa, đồ hộp, bánh, trái cây.... Đêm nay có lẽ do quá mệt chúng tôi tạm ngủ trên lo lắng và mệt mỏi.

Ngày 28/7, đã là ngày thứ 3 rồi chúng tôi đếm từng ngày không phải vì mệt mỏi nhưng vì chỉ mong sau 14 ngày mọi thứ bình yên, mọi người được bình an về với gia đình, về với những đứa con bé bỏng của mình.

Đêm đầu tiên cách ly có những mẹ đã khóc vì nhớ con, vì sữa cương cứng khi không được cho con bú, con thì nhớ mẹ gọi điện thoại liên tục hỏi khi nào mẹ về với con, có những người chồng lẫn vợ công tác cùng bệnh viện phải cách ly, con cái gửi cho nội ngoại, có những bà bầu cũng phải tuân thủ cách ly khi giai đoạn thai nghén hoặc bụng to ngủ không dc, đi không nổi... mọi thứ thật khó khăn nhưng chúng tôi đồng lòng vì đại dịch.

Hằng ngày, chúng tôi được ăn ngày 3 bữa, có điều vì số lượng quá đông nên giờ ăn giãn cách hơn ngày thường (không sao chúng tôi ổn), đồ ăn tuy không hợp khẩu vị từng người nhưng cứ nghĩ hàng trăm người đang gồng mình lo cho hàng ngàn người từng hộp cơm, hộp mỳ, gói cháo... thì cho dù không ngon chúng tôi cũng ăn được, vì có sức mới chống được dịch.

Chúng tôi vẫn phải làm việc, vẫn điều trị vẫn chăm sóc cho những bệnh còn lại. Hàng cứu trợ từ người thân và những mạnh thường quân làm chúng tôi càng thêm ý chí mạnh mẽ hơn nữa.

Dịch không làm chúng tôi gục ngã, nhưng lại khiến chúng tôi kiên cường hơn vì phải đồng lòng cùng nhau chiến đấu nên tình anh em, chị em đồng nghiệp lúc này quý nhau hơn bao giờ hết.

Ở nhà mọi người được ngủ trên chăn ấm nệm êm, còn ở đây chúng tôi có gì dùng nấy, người thì trải chiếu nằm đất, người thì lót giấy các-tông để nằm, người thì kê ghế chông chênh lại để ngủ, người thì nằm trên chiếc giường nhỏ chỉ đủ vừa tấm lưng chỉ cần nghiêng qua là rớt đất, tiếng muỗi vo ve bay trong đêm như tiếng nhạc vỗ về giấc ngủ...

Mọi người biết không, bộ đồ bảo hộ rất nóng và phải đeo kính, tấm chắn... làm hạn chế tầm nhìn và di chuyển khi phải vừa chăm sóc người bệnh vừa lo hoàn thành thủ tục hồ sơ, khi mặc đồ bảo hộ chúng tôi phải viết tên sau lưng áo để phân biệt gọi tên nhân viên.

Thương lắm đồng nghiệp của tôi khi nói: “Em khóc xíu được không mọi người, vì thực sự em rất mệt, em không biết sẽ gồng được bao lâu”...

Có những mẹ bầu chỉ còn 2 tuần nữa sinh mà giờ không biết sẽ sinh ở đâu, chỉ còn biết cầu nguyện cho mọi thứ được bình an…

Ngày 29/7, ngày thứ 4: Chờ đợi xét nghiệm lần 2, nghĩ về ngày về còn xa lắm bởi vì mỗi ngày dịch Covid-19 lại lan rộng... Bình thường đồng nghiệp gặp nhau sẽ tụm 3 tụm 7 nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời, thì bây giờ thấy nhau phải lầm lũi bước đi như những cái bóng vô định.

Thường ngày chúng tôi bắt đầu ngày làm việc bằng ly cà phê buổi sáng, kể về ca trực ngày hôm qua người bệnh trở nặng cấp cứu, người bệnh suy hô hấp, người bệnh không chịu hợp tác, người bệnh đến khám bệnh khó tính, người nhà đó thế này thế kia... thì bây giờ chúng tôi lại bàn về “Hôm nay có ca người bệnh đó dương tính, xem thử ca đó mình có tiếp xúc không? Ca đó nằm giường số mấy, có bao nhiêu người nhà chăm...”.

Chủ đề của chúng tôi đã thay đổi về người bệnh và thay ly cà phê buổi sáng vui vẻ bằng những giọt mồ hôi và nước mắt lo lắng vì chỉ mong ngày mới không còn người bệnh nào dương tính nữa…

Thèm lắm bữa canh nóng, cá kho, thịt luộc... được ngồi với người thân trong gia đình nói về chuyện công việc, bạn bè, cuộc sống. Thèm bữa trưa mấy chị em, đồng nghiệp tụm lại dọn cơm ăn chung, rồi cùng nhau đi ngủ trưa... thèm lắm cảm giác về nhà vào phòng tắm rộng thênh thang mở vòi sen tắm phát mát lạnh, thèm lắm chiếc giường rộng có đủ gối và chăn cho giấc ngủ được ngon giấc, thèm lắm cái ôm của người chồng, người con sau giờ tan ca, chỉ cần thủ thỉ con nhớ mẹ nhớ ba thì mọi buồn phiền tan biến…

Nhưng bây giờ phải gọi online để thấy mặt nhau, nỗi nhớ chỉ thể hiện qua ánh mắt chứ không được ôm nhau và nước mắt cứ thế lại rơi...

Sáng dậy thấy mắt đồng nghiệp đỏ và sưng mắt, tôi hỏi cô ấy nói: “Đêm qua ngủ dưới đất con gì cắn sưng mắt”, nhưng tôi biết đêm qua cô ấy nhớ con khóc liên tục vì tôi đã từng trải qua nên tôi hiểu.

Mấy ngày nay mọi người hỏi liên tục rằng ở bệnh viện chúng tôi cần gì. Dạ: Chúng tôi cần sự động viên của mọi người rất nhiều…

Ngày 30/7, ngày thứ 5 đợi kết quả xét nghiệm lần 2... Nơi đây, chúng tôi không còn khoảng cách về địa vị, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình nữa. Chỉ còn tình yêu thương của anh chị em đồng nghiệp cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.

Thực sự dịch đã làm thay đổi toàn bộ hệ thống của tất cả nhân viên y tế. Bình thường bác sĩ là người khám bệnh và điều trị, điều dưỡng làm nhiệm vụ thực hiện y lệnh và chăm sóc người bệnh, hộ lý làm công việc thay drap giường, phân bố giường bệnh thì khi dịch đến chúng tôi không còn ở vị trí của chính mình nữa.

Tất cả đều vì nhiệm vụ chung, dù là bác sĩ hay điều dưỡng hay hộ lý đều làm chung nhiệm vụ được giao có thể là nhận hàng, vận chuyển, giao hàng... cởi chiếc áo blouse trắng ra và khoác trên mình bộ áo “phi hành gia” màu xanh trùm kín từ đầu tới chân.

Có nhiều người hỏi chúng tôi rằng không sợ dịch sao cười miết, bởi vì “một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”, chúng tôi cười để con virus biết chúng tôi không sợ nó và tinh thần thép lúc nào cũng phải lạc quan, động viên, trấn an người bệnh, người nhà và đồng nghiệp.

Ngày 31/7, ngày thứ 6, con số không dừng lại như tôi đã từng đạp nhầm chân ga khi lái chiếc ô tô lần đầu cứ thế phóng vút lên phía trước. Nhưng không sao, tôi tin vào người tài xế là sếp của chúng tôi bây giờ, họ sẽ là người đạp trúng chân phanh để tất cả mọi thứ dừng lại và đổ bộ đúng chỗ quy định. Hẳn người lái xe đó cũng căng não lắm vì phải là người dẫn đường sáng suốt cho toàn bộ hơn 6.000 người trên chuyến xe này.

Hành trình đã là ngày thứ 6 rồi, 1/2 quãng thời gian nếu đúng hành trình 14 ngày cách ly thì chúng tôi sẽ trở lại cuộc sống ban đầu. Nhưng, chúng tôi tin dù là 14 ngày hay 24 ngày thì chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình vì không phải riêng bản thân mà còn những người bệnh đang ở bệnh viện cùng chúng tôi chiến đấu, họ cũng lo lắng, cũng trăn trở như chúng tôi về một ngày mai sẽ như thế nào.

Có người nhà của người bệnh hiện đang nằm trong bệnh viện Đà Nẵng gọi liên tục cho tôi hỏi thăm tình hình của ba: “Ba em nằm ở hồi sức chị ơi, em người nhà mà bị cách ly rồi hiện không biết ba em thế nào, em lo quá c ơi. C nói mọi người chăm ba giúp em với”. Tôi trả lời: “Em yên tâm chúng tôi bây giờ không những cách ly chống dịch mà nhiệm vụ quan trọng là phải chăm sóc những người bệnh”.

Từ khi người nhà đi cách ly hết thì nhân viên y tế chúng tôi làm luôn cả phần người nhà từ tất cả các khâu ăn uống, vệ sinh... Dù khoác trên người bộ đồ bảo hộ nắng nóng và khó di chuyển như thế, nhưng chúng tôi không nản vẫn làm những công việc như thường ngày chăm sóc người bệnh…

Viết cho người chị của tôi, người chị 50 tuổi (tuổi mẹ tôi). Từ khi quen chị đã 10 năm nay, chưa bao giờ tôi thấy chị cắt đi mái tóc của mình. Hình ảnh người chị tóc dài đen, nhiều và mượt ít người có được, luôn cố định trong tôi một suy nghĩ là chị chỉ hợp với tóc dài và đen thôi.

Thế mà vì dịch Covid đến, chị hy sinh luôn mái tóc đen huyền thoại gắn với tên tuổi của chị, vì tóc dài không búi lên cao được, cùng với bộ đồ màu trắng nóng nực khiến mồ hôi liên tục đổ ra, và vì dịch cái gì càng gọn càng tốt nên chị đã cắt nó đi.

Khi nhận được hình ảnh mái tóc ngắn của chị, tôi nghẹn nơi cổ họng, họ hy sinh sức lực, hy sinh luôn cả niềm vui và ước mơ đơn giản nhất của mình. Mọi người ơi, tất cả vì công việc chống dịch chứ không vì mục đích gì khác, không phải cắt cho mát cho đẹp vì nếu đã vậy tôi đã thấy hình ảnh đó trước đây rồi.

Dù lớn tuổi ở khoa Chăm sóc đặc biệt, nhưng chị cũng không nề hà công việc mà hăng hái tham gia chống dịch bằng cách chăm sóc người bệnh, mang đồ bảo hộ cách ly theo đúng quy định...

Tôi thấy ở chị không phải tuổi 50 nữa mà là tuổi 20 tràn đầy nhựa sống, lạc quan yêu đời vẫn như 10 năm về trước tôi cùng làm việc với chị. Cầu chúc chị sức khỏe và nhiều niềm vui, yêu đời lạc quan hơn nữa để chiến thắng đại dịch.

Và cũng không riêng gì chị, còn nhiều khoa khác, các chị em tự tay cầm kéo cắt tóc cho nhau để tác phong gọn gàng mà chống dịch covid-19.

Mỗi ngày là mỗi lo lắng, trăn trở và lo âu nhưng chúng tôi đồng lòng thì các bạn bên ngoài hãy hiệp sức giúp chúng tôi vững niềm tin về ngày mai chiến thắng nhé. Chúng tôi đã ở yên vì bạn thì xin bạn hãy vì chúng tôi mà ở yên. Chúng tôi còn rất nhiều cuộc hẹn cùng gia đình và bạn bè như cafe, đi ăn vặt, ngồi lại tám chuyện… hãy giúp chúng tôi thực hiện ước mơ đơn giản đó”.