PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, tình hình dịch bệnh kéo dài, trường quyết định giảm 8% học phí môn học lý thuyết online đăng ký trong học kỳ II năm học 2019-2020 cho sinh viên.
Còn lại các môn thực hành, đồ án, khoá luận, học phí vẫn giữ nguyên như công bố trước đó. Tiền học phí sẽ thu theo hình thức chuyển khoản từ ngày 7/4 đến 26/6.
PGS Đỗ Văn Dũng cho biết, hiện mức học phí của trường thuộc top thấp nhất hệ thống các trường đại học công lập tự chủ tài chính (không hưởng ngân sách nhà nước), do đó mức giảm 8%/học kỳ là vừa phải. Sinh viên cần tỉnh táo khi so sánh mức này với các trường đại học tư thục khác giảm 20-25%, vì vốn dĩ học phí ban đầu của các trường đã khá cao.
"Tuy học phí giảm ít nhưng trường sẽ có thêm các hình thức hỗ trợ, tài trợ học bổng cho sinh viên, giúp các em yên tâm học tập. Sau khi hết dịch, trường sẽ tổ chức đối thoại để nắm bắt tình hình, sinh viên nào khó khăn, gia đình bị ảnh hưởng nặng nề sẽ có chính sách giẩm 50-100% học phí", PGS Dũng cho biết thêm.
Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thông báo giảm 25% học phí học phí học trực tuyến cho sinh viên. Trường thống nhất triển khai kế hoạch học và dạy chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 theo hình thức trực tuyến dự kiến là vào giữa tháng 4/2020.
Nhà trường sẽ sắp xếp các giảng viên dạy môn lý thuyết, mỗi khoa sẽ áp dụng tối thiểu 2 học phần trong học kỳ này. Tổng số học phần dự kiến trong học kỳ này được giảng viên đăng ký lên tới 70 môn với 120 số lớp.
Đại học FPT quyết định trích từ Quỹ đầu tư phát triển hơn 80 tỉ đồng để hỗ trợ 20% học phí các tháng kỳ hè (từ tháng 5 đến hết tháng 8/2020) cho sinh viên cao đẳng và đại học. Tỉ lệ hỗ trợ học phí cho các chương trình liên kết là 10%, phần hỗ trợ bổ sung nếu có sẽ được thông báo sau khi thống nhất được với các đối tác liên kết nước ngoài.
Đại học Nguyễn Tất Thành giảm 15% học phí đối với chương trình đào tạo online. Mức giảm được khấu trừ trực tiếp vào học phí học kỳ III năm học 2019-2020.
Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM hỗ trợ 10% học phí đối với sinh viên đã đóng học phí đúng hạn (đóng trước ngày 18/3) và sinh viên chưa đóng học phí nhưng có đơn gia hạn được nhà trường phê duyệt. Đối với sinh viên không có đơn gia hạn học phí từ ngày 18/3, trường sẽ hỗ trợ giảm 5%.
Đại học Văn Lang hỗ trợ giảm 20% học phí cho sinh viên học online, 10% cho sinh viên không học online (bao gồm sinh viên năm cuối và sinh viên không đăng ký học online).
Đại học Văn Hiến giảm 20% học phí cho các môn học online và 10% cho môn học offline đối với tất cả sinh viên, từ ngày 16/3. Ngoài ra trường sẽ hỗ trợ gói cước phí tốc độ cao và cung cấp khoảng 100 máy tính bảng, điện thoại thông minh và laptop cho sinh viên có nhu cầu mượn.
Đại học Quốc gia TP.HCM đề nghị các trường thành viên: Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Kinh tế luật, Đại học An Giang, Đại học Quốc tế, Viện Môi trường và Tài nguyên, Khoa Y và phân hiệu Đại học Quốc gia tại Bến Tre chủ động tính toán chi phí với các học phần đang được đào tạo trực tuyến để có mức giảm học phí phù hợp. Mức giảm không quá 10%.
Đại học Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) giảm 7% học phí cho tất cả sinh viên hệ chính quy trên các học phần đào tạo online. Trường cũng ban hành quỹ học bổng "UIT ANTI-COVID-19" với nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Từ đầu tháng tháng 3 nhiều trường như Đại học Hoa Sen, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu và Đại học Gia Định đã quyết định giảm tối đa 20% học phí kỳ II năm học 2019-2020 cho tất cả sinh viên. Mức giảm này áp dụng cho các sinh viên đóng học phí trước ngày 25/3. Với sinh viên năm cuối đã đóng học phí có thể lên trường làm đơn và nhận lại 20% số tiền.
Ngoài việc giảm học phí, một số trường đại học cũng có các mức hỗ trợ tiền cho sinh viên, cụ thể:
Học viện Tòa án sau khi chính thức cho sinh viên chuyển sang học online cũng quyết định hỗ trợ mỗi sinh viên đang ở trong ký túc xá được nhận 1 triệu đồng trích từ Quỹ tình nghĩa của Hệ thống tòa án nhân dân.
Đại học Bách Khoa Hà Nội đang rà soát và tổng hợp danh sách những sinh viên khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, từ đó sẽ xem xét đưa ra mức hỗ trợ gói học bổng giúp sinh viên an tâm đến trường sau khi hết dịch bệnh.
Tương tự, Đại học Nha Trang cũng vừa thông báo hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên học trực tuyến. Theo đó, nhằm chia sẻ và động viên sinh viên trong học tập theo hình thức này, trường hỗ trợ cước phí Internet ban đầu là 100.000 đồng/sinh viên (trừ vào học phí).
Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) hỗ trợ gần 8.000 sinh viên chính quy, mỗi sinh viên 50.000 đồng cho việc tăng cường dung lượng tốc độ cao trên Internet giúp cải thiện chất lượng học online. Đồng thời, trường đang khảo sát những sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, gặp khó khăn về tài chính khi di chuyển trong những lần thông báo nghỉ học vừa qua như dời hoặc hủy vé tàu, xe để hỗ trợ tiền mặt.