Những lầm tưởng nguy hiểm về việc dùng siro ho ở trẻ

Ngọc Anh

Siro ho được rất nhiều bậc phụ huynh lựa chọn dùng để giảm ho cho trẻ. Tuy nhiên, việc dùng siro không an toàn tuyệt đối như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ.

1. Siro ho không phải là thần dược trị ho

Siro ho được nhiều bậc cha mẹ lựa chọn dùng cho con vì quan niệm siro ho an toàn. Tuy nhiên, theo BS. Đặng Xuân Thắng, BVĐK tỉnh Hà Nam, không phải trường hợp ho nào cũng sử dụng được siro ho. Có nhiều nguyên nhân gây ho như do thời tiết, do các bệnh lý đường hô hấp (hen, viêm họng, viêm phổi...), dị ứng... Mỗi nguyên nhân lại có phác đồ điều trị khác nhau.

Ho là một phản xạ của cơ thể nhằm tống xuất các dị vật ra khỏi đường hô hấp, giúp thông thoáng đường thở. Việc uống siro ho có thể giúp giảm cơn ho nhưng nếu ho có đờm, việc ức chế cơn ho lại không có lợi. Dịch đờm trong đường hô hấp không thoát được ra ngoài, gây bít tắc làm cho trẻ khó thở và  ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Do đó, siro ho không phải là loại thuốc phù hợp cho tất cả mọi trường hợp ho.

Cảnh báo mối nguy khi lạm dụng siro ho - Ảnh 2.

Ho là một phản xạ của cơ thể nhằm tống xuất các dị vật ra khỏi đường hô hấp.

2. Những mối nguy khi lạm dụng siro ho

Siro ho được cho là giảm ho khá hiệu quả, giúp trẻ dễ chịu và ngủ ngon hơn. Không những thế, siro là loại thuốc dễ sử dụng, trẻ dễ uống, không gây kích ứng dạ dày, không buồn nôn…

 'Đó là một nhận định sai lầm. Siro ho không chỉ là thuốc có nguồn gốc từ thảo dược mà có thể kết hợp nhiều thành phần, như kháng histamin (diphenhydramine), thuốc ức chế cơn ho (dextromethorphan), codein, chất thông mũi, giảm đau, hạ sốt, một số loại có thể chứa cồn… Do đó, việc lạm dụng siro ho có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ', BS. Đặng Xuân Thắng cho biết.

Cảnh báo mối nguy khi lạm dụng siro ho - Ảnh 3.

Siro ho không phải là loại thuốc phù hợp cho tất cả mọi trường hợp ho.

Siro ho có thành phần kháng histamin: Kháng histamin là chất ức chế thần kinh giúp ngăn ngừa cơn ho.  Việc dùng quá liều, lâu dài có thể ảnhhưởng đến thần kinh của trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ có thể bị kích động, co giật vì siro ho.

Siro ho có chứa codein: Hiện nay, có nhiều loại siro ho chứa thành phần codein. Codein giúp giảm đau, giảm ho. Tuy nhiên, codein làm tăng độ đặc của dịch tiết trong đường hô hấp nên các thuốc này không được dùng các trường hợp ho có đờm... Việc lạm dụng siro ho có chứa codein có thể gây ra tình trạng lú lẫn, ho nặng hơn ở trẻ.

Siro ho không phải là loại thuốc phù hợp cho tất cả mọi trường hợp ho. Không những thế, việc lạm dụng siro ho có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

3. Sử dụng thuốc ho cho trẻ đúng cách?

Để dùng siro ho an toàn, BS. Đặng Xuân Thắng khuyến cáo:

Chỉ dùng siro khi có chỉ định của bác sĩ.

- Mua thuốc tại các nhà thuốc uy tín, chất lượng.

- Đọc kỹ hướng dẫn dùng thuốc trên bao bì.

- Không dùng lại lọ thuốc đã dùng dở vì thuốc đã mở nắp rất dễ bị nhiễm khuẩn.

- Không dùng thuốc quá hạn.

- Sử dụng thìa, ống nhỏ giọt/cốc định liều kèm theo lọ thuốc.

- Vì chứa nhiều đường, nên không cho trẻ uống trước bữa ăn (để tránh tình trạng trẻ lười ăn), trước khi ngủ (để tránh tình trạng siro bám vào răng gây sâu răng).

- Không cho trẻ uống siro ho cùng lúc với sữa để tránh tình trạng giảm hấp thu sắt.

- Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, giữ thuốc xa tầm tay trẻ.

- Đưa trẻ đi khám khi uống siro ho mà không thuyên giảm, hoặc triệu chứng có vẻ nghiêm trọng hơn.