Bạn đọc có tin rằng, mùi – cái thứ không định dạng, không sờ nắm được ấy – cũng có lúc tác động được vào khứu giác chúng ta như một quả đấm của võ sĩ quyền Anh hạng nặng hay không?
Tôi đã nếm một cú đia-rếch như thế ngay vào mũi, khi bước chân xuống thôn Đông Hạ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Thứ mùi thối khẳn, đặc quánh của những chất hữu cơ đang phân huỷ. Mùi rác.
Không thể chạy trốn cái mùi ấy. Dù gió có thổi lồng lộng từ những cánh đồng trống huơ hoác, thì vẫn là gió mang mùi rác, lùa vào những con ngõ nhỏ quanh co, len vào từng ngôi nhà.
Thôn Đông Hạ đìu hiu như bỏ hoang. Ở ngoài đồng, lúa chín đổ rạp không ai gặt. Một vườn bưởi chín vàng như cũng để hoang, quả rụng đầy gốc. Không có nông dân làm đồng. Nhưng cũng không thấy người ở nhà. Chúng tôi đi qua dãy nhà đầu thôn phía gần đường cái, đánh tiếng mãi không thấy ai thưa. Những ngôi nhà cũng phải nói là khang trang, cửa đóng then cài kín mít.
Ở đây là nông thôn, nhưng không có mùi rơm rạ. Không có mùi hoa chanh hoa bưởi. Không có mùi khói bếp. Không có mùi bồ kết gội đầu. Không có cả mùi phân trâu phần bò nồng nồng.
Chỉ có mùi rác.
Đến ngôi nhà ở giữa làng, thấy mấy mẹ con đang ngồi trong bếp ăn cơm. Cô con gái thấy tôi định chụp ảnh thì sửng cồ lên. Bà mẹ dáng khắc khổ, xua xua tay mời khách vào uống nước. Để tránh cái mùi rác lẫn những cơn mưa mang theo mùi rác, cả mảng sân rộng được lợp mái tôn như thể người ta dựng rạp đám cưới.
- Nhà có hai ông bà cụ nhà tôi, đều đã suýt soát 90, gần như không bao giờ dám ra đường. Còn tôi bị xoang kinh niên, không thuốc nào chữa khỏi.
Người phụ nữ thở dài, rồi từ chối khi chúng tôi hỏi tên. Hầu hết những người dân ở thôn Đông Hạ đều từ chối công khai danh tính khi biết chúng tôi là nhà báo.
- Khu tái định cư à? Còn thối hơn ở đây. Bởi vì đó là nơi lõm gió. Tái định cư mà vẫn phải ngửi cái mùi này thì làm sao mà ở được? – ông Ngô Văn Phú, một người dân xóm 18, thôn Đông Hạ thở dài.
Bà vứt ra sân một xấp giấy, trên có in chữ “Tấm keo dính ruồi”. Tưởng bà bắt đầu mở ra để bẫy đàn ruồi đang bò lổm ngổm trên sân. Ai ngờ, đó đều là những miếng keo dính đã sử dụng. Miếng nào miếng ấy đen kịt những ruồi.
- Đây có 50 miếng dùng sáng nay. Để lát tôi mang lên y tế xã đưa cho họ xem.
- Thế cô bẫy nhiều ruồi thế này rồi có bớt đi không?
- Bớt thế nào được, ngày nào cũng mấy chục một trăm miếng dính như thế. Rồi đem đốt. Hôm sau vẫn thế. Đặt ở đấy để ruồi dính vào, mình đi qua đi lại nó đỡ bay vù vù lên hàng đàn, chui cả vào mắt vào mũi.
Ruồi là “đặc sản” của những bãi rác, và dĩ nhiên với bãi tập trung rác lộ thiên lớn nhất Thủ đô như Nam Sơn thì ruồi trở thành đội quân hung hãn không thể nào kiểm soát. Ngày mưa và mùa lạnh còn đỡ, mùa hè trời nóng trứng ruồi nở nhiều, chúng bay thành từng đàng nghìn vạn con như những đám mây đen đặc. Sống cách núi rác chỉ vài trăm mét, người dân các xã Nam Sơn và Hồng Kỳ là nạn nhân trực tiếp của ruồi nhặng.
Lực lượng y tế xã thi thoảng cũng phun thuốc diệt ruồi, nhưng chỉ hôm trước hôm sau là lũ ruồi lại kéo từ bãi rác sang. Mà ruồi từ bãi rác thì làm sao diệt hết cho nổi. Chưa kể, thuốc diệt ruồi cũng độc hại. Cái áo dính thuốc, mặc ra đồng ngứa ngáy không chịu nổi. Cái chậu dính thuốc, đổ mớ cua đồng vào từ sáng đến trưa lăn ra chết sạch không còn con nào.
Anh Tẩn Giao Chuyên, một thợ xây đến từ xã Nà Hì, tỉnh Điện Biên để xây dựng một hạng mục thuộc Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Được cai thầu thuê cho một căn nhà đầu thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, ở trọ cùng 20 người khác, anh Chuyên kinh sợ nhất là mùi thối của rác và lũ ruồi.
Để ăn được cơm, những công nhân nấu đến đâu phải đậy kín lồng bàn đến đó. Khi ăn, tập trung toàn bộ mấy chục người cho ruồi đỡ bu, rồi ăn thật nhanh. Hôm nào vắng người ăn, thì chỉ có cách chui vào màn mới ăn nổi.
Vườn nhà ông Ngô Văn Phú cũng có cây ăn trái. Nào na, nào ổi, nào khế. Nhưng vợ ông phải mua đu đủ ở chợ để thắp hương. Khi mang ra mời khách, bà luôn miệng giục ăn nhanh, kẻo ruồi.
- Lũ ruồi nó hại lắm các anh ạ - ông Phú chỉ tai về phía cây khế - Cây này quả rất ngọt, hồi trước là quả sai lắm đấy. Nhưng bây giờ hoa thì lụi gần hết, mà ra quả nào thì ruồi châm quả ấy, thối rụng sạch.
Góc vườn, những quả khế chín vàng thối dở được gom đổ đi. Những cây trái khác cũng vậy. Đó là một trong những lý do vì sao chúng tôi không ngửi thấy mùi hoa trái như thường thấy ở các vùng nông thôn khác.
Nhà ông Đại có hai cây ổi, giống Đài Loan, quả to cùi dày giòn ngọt. Cây ra trái, ông phải bọc từng quả trong một lớp xốp, rồi lại bọc thêm một lớp nylon ra ngoài để tránh ruồi châm. Thành ra nhìn cây ổi như vừa được gỡ ra từ một thùng vận chuyển hoa quả ngoài chợ đầu mối ở trung tâm Hà Nội.
Mà đất ruộng vườn thì nhiều hộ cũng đã bàn giao xong, nhận tiền đền bù rồi. 250 triệu/ sào, theo giá nhà nước quy định. Đất giao rồi bỏ không, xác xơ, còn những cựu chủ đất thì ngồi bó gối trong nhà, hoặc đi nơi khác kiếm việc làm.
Mai đây, giả sử đền bù giải toả xong xuôi, về nơi tái định cư, thì mỗi hộ được một nền nhà 250m. Chằn chặn như vậy. Xây khéo thì còn để ra được mảnh vườn con con trồng rau. Chứ còn cái nghiệp nhà nông, thì đến đây là dứt.
Ông Phú cứ tiếc mãi cây khế, như trong chuyện cổ tích xưa, không tham đổi lấy vàng.
Bà cụ Ngâm lưng còng rạp, bước thoăn thoắt từ trong nhà ra hè đón khách. Nhà không nuôi con gì, cũng chẳng có đồ ăn, nhưng ruồi vẫn vo ve từng đàn. Bà Ngâm năm nay đã 85 tuổi. Bà sống một mình trong ngôi nhà với cái bàn thờ bày ba bức ảnh.
Ảnh giữa là chồng bà, chết vì ung thư gan.
Ảnh bên trái là con trai bà, chết vì ung thư dạ dày.
Ảnh bên phải là con dâu bà, chết vì ung thư phổi.
Họ nối nhau ra đi chỉ trong vòng hai năm. Để lại cho bà ba đứa cháu.
Những cái chết ấy có liên quan gì đến sự ô nhiễm khủng khiếp của núi rác Nam Sơn ngay cạnh họ không? Bà Ngâm chặc lưỡi bảo không biết, cũng có người về hỏi han, xong rồi thì thôi.
“Có khi do số trời!”.
Bà mẹ già biết làm gì? Bà cố nuôi đứa lớn, năm đó học lớp 10. Còn hai đứa bé, bà gửi vào trại S.O.S nhờ Nhà nước nuôi. Đấy là chuyện năm năm trước. Bây giờ đứa lớn bà nuôi đã vào đại học, tự lo thân ở Hà Nội. Hai đứa nhỏ vẫn ở trại S.O.S.
- Mẹ chúng nó lại mới mất (ý là bà mẹ nuôi ở trại trẻ), bây giờ có một bà dì nào ấy. Tôi nhớ cháu lắm.
Bà Ngâm úp mặt vào hai bàn tay, nước mắt giàn giụa. Nước mắt người già, xót cắt vào tim.
Không phải bà không còn người thân. Vẫn còn con cái và họ hàng. Nhưng bà ở đấy giữ nếp nhà, để lũ cháu mồ côi của bà nó còn chỗ đi về. Bà ở đấy, để hương khói cho ông, cho hai con xấu số.
Mỗi tháng bà Ngâm được 20kg gạo diện hộ nghèo, thêm hơn 300 ngàn tiền cao tuổi. Bà trồng mấy luống rau, ăn không hết. Tuổi già chỉ thế.
Còn thì ngoài kia ai mang rác đến đổ, ai chặn xe đòi giải quyết đền bù, ai di dời tái định cư, ai thoát ly lên thành phố... bà không biết, mà cũng không muốn biết thêm nữa. Như cái tên nó vận vào, đời bà Ngâm không nổi lên được, không trôi đi được.
Đấy là một mẩu đời đằng sau câu chuyện bãi rác Nam Sơn, chả mấy ai biết cả.
Năm 2016, chủ tịch Hà Nội ông Nguyễn Đức Chung về tận đây, mời dân hai xã Nam Sơn với Hồng Kỳ đến họp. Ông ấy hứa chắc chắn, đến năm 2018 là hoàn thành mọi công tác đền bù giải toả lẫn tái định cư. Bây giờ là 2020 rồi, và chúng tôi vẫn kẹt ở đây.
Ông Ngô Văn Phú thở dài. Vợ ông là Đảng viên, bà đã đi họp về việc khiếu nại đền bù giải toả nhà đất ở Nam Sơn bao nhiêu lần, là bấy nhiêu lần bà về thuyết phục bà con lối xóm kiên nhẫn chờ đợi, kiên nhẫn làm theo chỉ đạo.
Nhưng chờ mãi. Ngay cái tiền đền bù ruộng vườn canh tác, từ lúc UBND xã phổ biến chủ trương và kêu gọi người dân ngừng trồng cấy, cho đến lúc tiền đền bù về đến tay dân, là ba năm trời. Ba năm ấy, dân coi như cày chui, cấy vụng. Không thì biết lấy gì mà sống?
Bây giờ đền bù xong ruộng vườn rồi, thì lại mắc ở cái nhà. Nói một cách công bằng, nếu không có sự hiện diện của bãi rác Nam Sơn, thì đất các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ bán được giá. Gần đường tỉnh lộ, lại bằng phẳng, xe ô tô chạy suốt đường làng. Nhưng bây giờ ngoài đợi bàn giao đất theo khung giá đền bù của Nhà nước, thì còn biết bán cho ai?
Ông Phạm Văn Sơn, hơn 60 tuổi kể:
Tôi có đứa cháu đích tôn kia, thằng bé 3,4 tuổi, nghĩ thương nó lắm, mở mắt ra đã không có bầu không khí sạch mà hít thở. Nhiều hôm ôm hai ông cháu ôm nhau ngủ, nó thức giấc rồi hỏi “Ông ơi, Thối lại về à? Sao Thối hay về thế?” Tôi nghe mà ứa nước mắt vì xót cháu. Cũng chẳng biết giải thích với nó thế nào. Thôi đời mình coi như xong, chẳng đáng kể nữa. Nhưng đời con cháu mình thì phải tính. Nhưng tính thế nào khi việc di dời cứ chùng chình mãi chưa xong. Tôi bây giờ còn không dám đi khám tổng thể vì khám xong nhỡ ra nhiều bệnh thì suy sụp mất. Tôi không dám chắc mình có khoẻ mạnh hay không khi núi rác nó bốc mùi vào đây bao nhiêu năm rồi. Giờ cứ có gió thổi mạnh, đem thối về là tôi choáng váng, xây xẩm. Ngôi nhà tôi đây, có từ đời ông bà, xây trên đất hương hoả tổ tiên mà họ nói đất này cũng chỉ là đất liền kề, đền bù thì được hơn 500.000 đồng/m2, cái nhà thì đền hơn 170 triệu, đấy anh xem với chừng ấy tiền chúng tôi đi nơi khác thế nào?
Chúng tôi đứng ở sân, nhìn về phía núi rác. Ngọn núi đúng nghĩa, đã cao 50m thay vì 30m như quy hoạch ban đầu. Và cảm thấy sự bất lực quẩn quanh trong tiếng vo ve của những đám mây ruồi.