Những người lính trên tuyến đầu

Huy Hoàng

Suốt nhiều tuần qua, hình ảnh những người lính Bộ đội Cụ Hồ quân hàm xanh xuất hiện trên các tuyến biên giới trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn nhiều mặt để chung tay phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến chúng ta xúc động.

Những người lính trên tuyến đầu

Các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát những đường mòn, lối mở tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An).

Kiểm soát chặt đường mòn, lối mở

Để phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An tổ chức kiểm soát chặt Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cùng các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới. Thượng tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An cho biết: Để chủ động ngăn ngừa sự xâm nhiễm của dịch khi đón nhận công dân Việt Nam từ nước bạn Lào trở về nước qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn ở huyện Kỳ Sơn cũng như phòng, chống người dân vượt biên trái phép, BĐBP Nghệ An đã thành lập Sở Chỉ huy phía trước tại huyện Kỳ Sơn để trực tiếp chỉ đạo; đồng thời, tăng cường lực lượng cho tuyến núi từ các đơn vị tuyến biển, cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, tiểu đoàn Huấn luyện - cơ động; thành lập các trạm chốt, tổ tuần tra lưu động.

Sau khi tại Lào xuất hiện những ca dương tính với Covid-19 đầu tiên, số lượng công dân Việt Nam ở Lào về nước qua các cửa khẩu các tỉnh Bắc Trung Bộ tăng đột biến, trong đó có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An). Tại cửa khẩu, trước khi làm thủ tục nhập cảnh, các công dân đều được lực lượng chức năng tận tình hướng dẫn làm thủ tục khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt. Sau khi hoàn thành thủ tục, nếu không có gì bất thường, mọi người được đưa lên xe của BĐBP chở về các điểm cách ly tập trung của tỉnh. Chỉ tính từ ngày 23-3 đến nay, BĐBP Nghệ An cùng các lực lượng khác tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra y tế, phối hợp đưa đi cách ly tập trung theo quy định hơn 1.500 người và 97 phương tiện.

Trên tuyến biên giới dài hơn 468 km với nước bạn Lào, các đồn biên phòng phối hợp lực lượng địa phương thành lập 55 chốt cố định tại những điểm có đường mòn, lối mở mà người dân hay qua lại và 11 tổ tuần tra cơ động. Trong đó, tại khu vực hai cánh gà Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, năm chốt cố định được thành lập. Với quân số tham gia hơn 520 người, các chốt cố định cũng như tổ tuần tra hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày, bảo đảm kiểm soát chặt biên giới. Thời gian qua, các chốt biên phòng kịp thời phát hiện 31 trường hợp nhập cảnh trái phép, lập biên bản vi phạm và đưa đến các trung tâm cách ly tập trung trong 14 ngày để phòng, chống dịch.

Ngăn dịch bệnh từ xa

Gia Lai có gần 100 km đường biên giới giáp với Cam-pu-chia. Trong những năm qua, được sự cho phép của Chính phủ hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia, nhiều doanh nghiệp liên kết, liên doanh tổ chức nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bên nước bạn. Thời gian gần đây, lượng khách qua lại tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) tăng đột biến. Quản lý chặt chẽ, nghiêm túc thực hiện các quy định là một trong những biện pháp đầu tiên mà các lực lượng được giao nhiệm vụ triển khai nhằm ngăn ngừa dịch, bệnh xâm nhập...

Trên tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai hiện được bố trí hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng BĐBP, Công an, dân quân đang thực hiện nhiệm vụ tại gần 30 chốt, trạm kiểm soát chống dịch. Hầu hết các chốt, trạm kiểm soát đều được lập trên tuyến đường mòn, lối tắt, do đó luôn ở trong tình trạng nhiều không: không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại, không giường, chiếu... Chốt, trạm đóng quân xa địa bàn dân cư, xa các đồn biên phòng cho nên cán bộ, chiến sĩ vừa phải thực hiện nhiệm vụ, vừa phải tự bảo đảm mọi sinh hoạt, ăn uống. Có đến biên giới vào những ngày này mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ nơi tuyến đầu đang gánh chịu. Đầu mùa khô, không khí ngột ngạt, mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn. Để có nước dùng, các cán bộ, chiến sĩ phải thay phiên nhau đi chở, thậm chí phải lội bộ xuyên rừng vác từng thùng loại 20 lít từ dưới suối hoặc khu dân cư lên khu vực trạm, chốt. Khi ngủ, các cán bộ, chiến sĩ phải mắc tạm tăng, võng để ngả lưng, chợp mắt, bởi, lều bạt dã chiến, giường ngủ dành để sẵn sàng tiếp nhận người dân về cách ly từ bên kia biên giới.

Tuy nhiên, hơn ai hết, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hiểu rằng, lúc này đây, vì sự bình yên của nhân dân, mỗi người đều phải vượt qua khó khăn thường nhật để làm tốt nhiệm vụ. Chiến sĩ Rơ Châm Su (Đồn Biên phòng Ia Nan) đang làm nhiệm vụ tại tổ kiểm soát khu vực đường Siu Nhân cho biết: “Ở đây mọi thứ đều thiếu. Nhưng dù có khó khăn hơn thế, chúng tôi cũng luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Kỳ (xã Ia Púch, huyện Chư Prông) bày tỏ: “Ngay khi có lệnh điều động của xã, chúng tôi đã có mặt tại chốt để cùng các lực lượng tuần tra, kiểm soát, chốt chặn nhằm ngăn chặn dịch bệnh”. Thiếu tá Nguyễn Danh Vỹ, Chốt trưởng kiểm soát 383 (Đồn Biên phòng Ia Púch) chia sẻ: “Bảo vệ biên giới là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính. Do đó, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên chốt đều nêu cao quyết tâm, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để các đối tượng vượt biên mang theo nguy cơ lây nhiễm dịch”.

Đại tá Vũ Trung Kiên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai khẳng định: Dẫu việc ăn, nghỉ dọc tuyến biên giới còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ trong từng đơn vị đều nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ. Đó là bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và phòng, chống dịch Covid-19.

Đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ

Không chỉ ở khu vực biên giới, Trung tâm Huấn luyện - Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh thuộc Trung đoàn Bộ binh 991 (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) nơi được tỉnh Gia Lai chọn làm cơ sở tiếp nhận, cách ly tập trung những người có biểu hiện ban đầu nghi nhiễm bệnh, từng cán bộ, chiến sĩ tại đây cũng nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, làm hết sức mình để cùng với chính quyền và người dân ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh.

Tại đây hiện tiếp nhận, cách ly y tế đối với 294 trường hợp có biểu hiện nghi vấn, trong số này số đông là công dân trở về từ Cam-pu-chia qua khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Trong số những người thuộc diện cách ly, bà Ngọc Anh ở huyện biên giới Đức Cơ khi về đến khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh mới biết việc nếu nhập cảnh phải cách ly y tế 14 ngày. Nhận quyết định vào khu cách ly tập trung, ban đầu bà Ngọc Anh còn băn khoăn bởi tuổi cao và căn bệnh tiểu đường của bản thân khi ở khu cách ly sẽ bất tiện. Sau gần một tuần sống ở đây, bà Ngọc Anh bày tỏ: “Mỗi ngày, chúng tôi được các y, bác sĩ kiểm tra sức khỏe hai lần lúc 8 giờ và 19 giờ. Ăn, uống đều có các chú bộ đội lo, nên rất thoải mái; nơi ở, các vật dùng đều được khử khuẩn, sát trùng nên yên tâm lắm!”…

Cảm kích trước sự hy sinh gian khổ của BĐBP trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chốt giữ nơi tuyến đầu, những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân tại nhiều địa phương đã dành nhiều tình cảm, chia sẻ… Bà Trần Thị Ái Vân, Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam - Chi nhánh Gia Lai cho biết: “Đến tận nơi, chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi mới hiểu phần nào những vất vả, hy sinh mà các anh đang vượt qua. Trước mắt, chúng tôi gửi tặng các anh những phần quà gồm mì tôm, nước uống. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi thêm các nguồn hỗ trợ, động viên và chung sức cùng các anh chống dịch”.

Ông Ngô Công Đoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất - kinh doanh giỏi tỉnh Gia Lai cho biết: Câu lạc bộ phối hợp Hội doanh nhân TP Hồ Chí Minh trao 6.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, trong đó có 2.000 chiếc tặng một số đơn vị của nước bạn, 3.000 chiếc hỗ trợ cho khu vực cách ly của tỉnh và 1.000 chiếc tặng các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời giúp các chiến sĩ nơi tuyến đầu thấy ấm lòng và như được tiếp thêm sức mạnh.

Theo số liệu thống kê, suốt hơn hai tháng qua, toàn lực lượng BĐBP tổ chức hàng nghìn tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tuần tra, quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, không để dịch bệnh lây truyền qua biên giới. Các đơn vị chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân kiến thức phòng, chống dịch. Triển khai tốt các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức tuần tra bảo vệ địa bàn trên bộ, trên biển; chủ động đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là cảnh giác, đấu tranh với các hành vi lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật. Hàng trăm cán bộ, học viên, chiến sĩ các nhà trường và các đơn vị tuyến biển chấp hành nghiêm mệnh lệnh điều động của Bộ Tư lệnh tăng cường phối thuộc cho các đơn vị trọng điểm trên tuyến biên giới tham gia phòng, chống dịch bệnh…

Cục Chính trị, BĐBP cho biết, thời gian qua, có nhiều câu chuyện cảm động về những người lính nơi tuyến đầu: Gần 30 chiến sĩ phải dời ngày cưới, 20 cán bộ, chiến sĩ không thể về nhà khi vợ sinh con, người thân đi viện, nhiều cán bộ hoãn tổ chức lễ cưới cho con, thậm chí có đồng chí vì nhiệm vụ phải nén nỗi đau riêng, không thể có mặt chịu tang khi cha, mẹ mất… Những câu chuyện đó góp phần lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân của người lính quân hàm xanh luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước tin yêu, ghi nhận, đánh giá cao.