Nói dối khi ứng tuyển việc làm, hậu quả thế nào?

Thảo Huyền

Vì muốn tìm được việc làm mơ ước, muốn nổi bật giữa các ứng viên khác hoặc lo rằng năng lực của bản thân không đủ đáp ứng tiêu chuẩn cho công việc, nhiều người đã không ngại nói dối khi ứng tuyển việc làm.

Những lời nói dối trong CV hoặc khi phỏng vấn trực tiếp đôi khi giúp bạn thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng ở thời điểm ban đầu, nhưng sau đó, hậu quả của chúng có thể nặng nề đến mức ảnh hưởng tới tương lai, sự nghiệp của bạn. Tại sao như vậy? Bởi vì nếu bạn nói dối khi tìm kiếm việc làm nhanh tại Hà Nội, TPHCM hay bất cứ nơi nào khác, những khả năng sau đây sẽ xảy ra:

Bị phát hiện

Một số người tìm việc nói dối về trình độ học vấn, kỹ năng, chức danh công việc trước đây của họ và không sớm thì muộn, hầu hết nhà tuyển dụng đều phát hiện ra. Hãy nhớ rằng, các nhà tuyển dụng khá dễ dàng kiểm tra tính chính xác và trung thực của bạn trong CV cũng như trong buổi phỏng vấn. Họ sẽ có nhiều cách để xác minh thông tin bạn cung cấp, như tìm hiểu từ người quen ở công ty cũ của bạn, liên hệ với người tham khảo, hỏi bạn một số câu hỏi thăm dò và thậm chí là đọc ngôn ngữ cơ thể của bạn khi phỏng vấn…

094055282-cac-ky-thuat-sang-loc-ung-vien-2-1666060665.png

Ví dụ bạn nói dối rằng mình thông thạo tiếng Pháp, nhà tuyển dụng có thể đặt ra một câu hỏi tương đối phức tạp bằng ngôn ngữ này, và bạn có thể bị “bóc phốt” ngay tại chỗ.

Và một khi họ phát hiện ra bạn nói dối, bạn có thể bị loại ngay lập tức.

Mất uy tín trầm trọng

Nói dối khiến bạn không chỉ mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng vào thời điểm ứng tuyển việc làm mà còn có nguy cơ ảnh hưởng uy tín về lâu dài. Hiện nay, với sự phát triển rầm rộ của mạng xã hội, thông tin ngày càng lan truyền nhanh chóng và rộng rãi, các nhà tuyển dụng trong cùng ngành nghề thường có sự kết nối với nhau. Vì vậy, nói dối khiến bạn có thể gặp khó khăn khi muốn nộp đơn vào những công việc khác.

Dù bạn may mắn vượt qua được vòng phỏng vấn mà không bị nhà tuyển dụng phát hiện việc nói dối, điều đó cũng không có nghĩa là bạn đã “thoát nạn”. Trong quá trình làm việc tại công ty, những điều mà bạn phóng đại hay bịa đặt khi phỏng vấn sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện. Nếu không bị mất việc, bạn cũng sẽ đánh mất thiện cảm của cấp trên, đồng nghiệp và chắc chắn cơ hội thăng tiến trong tương lai của bạn cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.

Luôn lo lắng

Ngay cả khi những lời phóng đại quá mức đưa bạn đến với công việc, bạn cũng sẽ thiếu tự tin và không thoải mái khi đi làm. Bạn sẽ phải đối mặt với những tình huống khó xử và sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ một ngày nào đó mình sẽ bị phát hiện là “kẻ nói dối”. Khả năng cao là bạn sẽ phải tiếp tục nói dối thêm nhiều lần nữa, để bao biện, che giấu những lời nói dối khi ứng tuyển. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến sự tự tin, lòng tự trọng và mức độ hài lòng của bạn trong công việc.

Hãy nhớ rằng, khi bạn có năng lực thực sự và được công nhận, bạn sẽ thấy hãnh diện và hạnh phúc. Nhưng nếu bạn được chấp nhận chỉ vì vỏ bọc dối trá mà bạn tạo ra cho mình, bạn sẽ phải trả giá bằng cảm giác bất an và căm ghét bản thân.

cah-ung-tuyen-hieu-qua-1666060664.jpg

Mệt mỏi vì phải làm công việc vượt quá năng lực

Cũng trong trường hợp bạn nói dối trót lọt và được nhận vào công ty, bên cạnh việc lo lắng bị phát hiện, bạn sẽ phải làm những công việc vượt quá năng lực hoặc không đúng sở trường. Vì bạn đã nói dối là thành thạo kỹ năng A để đáp ứng yêu cầu vị trí công việc ứng tuyển, nhưng thực tế bạn chỉ mới biết sơ qua về kỹ năng này. Hậu quả, bạn sẽ phải cố gắng gấp nhiều lần để học hỏi, nghiên cứu, thậm chí nhờ sự trợ giúp để hoàn thành nhiệm vụ. Và chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, stress vì điều này.

Nếu tình trạng đó diễn ra lâu dài, kết quả công việc và mức thu nhập của bạn có thể bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng, bạn không đáp ứng được yêu cầu công việc và bị thuyên chuyển xuống những vị trí thấp hơn, hoặc thậm chí bị sa thải.

Trong một số trường hợp khi ứng tuyển việc làm, bạn có thể “nói quá” về bản thân đôi chút để gây sự chú ý của nhà tuyển dụng, nhưng đừng đi quá xa, nhất là nếu khả năng của bạn không thể đáp ứng yêu cầu công việc đó. Đặc biệt, đừng bao giờ làm giả bằng cấp, chứng chỉ, vì đây là hành vi phạm pháp và nếu bị phát hiện, bạn có thể bị xử lý hình sự.

Tóm lại, hãy thể hiện giá trị của bạn mà không cần nói dối khi ứng tuyển việc làm. Tập trung vào điểm mạnh thực sự của bạn, thể hiện tâm huyết của bạn đối với công việc, thay vì bịa đặt ra những kỹ năng mà bạn không sở hữu. Bằng cách đó, bạn sẽ tự tin hơn để thuyết phục nhà tuyển dụng khi tham gia phỏng vấn. Và bạn cũng sẽ tự tin hơn nếu may mắn được nhận vào làm việc ở công ty.