Mỗi lần về quê ngoại, tôi thích ngồi lặng lẽ đun bếp cùng bà. Lắng tai nghe tiếng củi nổ lép bép. Được một chốc, khói đã hun cay cả mắt. Tắt nắng, tôi lại cầm chổi ra quét một lượt khắp trong sân, ngoài ngõ. Cái màu vàng óng ả của rơm mới, kết đôi cùng sắc đỏ thâm trầm của gạch bát lâu năm, sao mà hài hòa và ý nhị đến thế.
Trong từng nhát chổi, dường như tôi vẫn còn ngửi thấy mùi thơm thơm của lúa nếp tháng năm vương vấn lại. Từng cọng rơm vàng óng lên trong cái ráng chiều nhợt nhạt. Lâu lắm rồi, từ ngày bà còn khỏe và tôi vẫn chỉ là đứa bé con, mùa hè nào hai bà cháu cũng tất bật bện chổi cho kịp phiên chợ. Nói cho vui chút thôi, bà làm là chính, còn tôi chỉ lăng xăng phụ mấy việc vặt.
Tới phiên chợ, chổi của bà bện bán đắt như tôm tươi. Mười cái đều tăm tắp mà chắc chắn, chỉ có cùn chứ không bao giờ lỏng lẻo, xộc xệch. Nhờ có dăm cái chổi, tưởng chẳng đáng là bao, mà bà nuôi được cả đàn con, đứa làm kỹ sư, đứa làm thầy giáo, chẳng ai phải thất học.
Bao thứ thân thiết với làng quê đã được làm nên từ rơm rạ. Ảnh: BáoTiền phong.
Lần nào chuẩn bị mang chổi đi chợ, bà cũng giữ lại đôi cái để còn quét tước trong nhà. Chúng tôi hay than chổi ngắn quá, phải cúi lom khom cả buổi, mỏi hết lưng. Nghe thấy thế, bà chỉ cười, giơ tay cốc nhẹ lên trán mắng yêu: “Nhà cô chăm quá nhỉ!”.
Thế nhưng, đến sáng hôm sau, tôi đã thấy một cây chổi rơm cán dài dựng ngay đầu hè. Đoạn hóp buộc thêm vào cán chổi vẫn còn tươi lắm.Khi nào chổi cùn, không quét được nữa, thì nhờ cái cán dài, nó lại được dùng để khua mạng nhện trên xà nhà. Tiện lợi biết mấy
Ngoài bện chổi rơm, bà tôi bó chổi xương dừa cũng rất đẹp. Từng lá, từng lá xanh rậm rì được bà lấy dao nhọn, tuốt kỹ, chỉ lấy phần gân lá cứng. Mấy tàu lá dừa mới đủ làm một cái chổi. Xương dừa sau khi phơi khô ngả màu nâu nhạt. Bà khéo léo tước cật mây thật mảnh để làm dây buộc. Cật mây trắng muốt, như cái nơ xinh gắn lên chổi mới.
Năm nào, cứ đến mùa hè bà cũng làm dăm bảy cái chổi xuơng dừa. Nếu chưa dùng tới thì gác lên gác bếp, nhuộm bồ hóng, vài tháng sau chổi ngả màu nâu cánh gián, trông như một món đồ cổ, đã già đi bao tháng năm cùng cả căn nhà loang lổ dấu ấn của thời gian. Bà bảo bồ hóng và khói bếp sẽ làm cho chổi bền, những ngày mưa tha hồ lấy ra quét sân, dọn ngõ.
Tôi vẫn nhớ âm thanh đều đều, quen thuộc của chiếc chổi xương dừa. Ảnh:Zicxa.
Ngày bé, đi chùa làng cùng bà, tôi vẫn hay lôi cái chổi kè ở góc sân chùa ra quét. Cái chổi to đùng, cán cao quá đầu. Nhìn tôi loay hoay với nó, mấy bà vãi chỉ cười: Chẳng khác nào con nhái cắp con cóc. Cái chổi “khổng lồ” ấy, trở thành một món đồ chơi lạ mắt với đứa trẻ hiếu kỳ.
Hồi đại học, tôi theo đứa bạn về Hòa Bình chơi. Cuối tháng mười một, sương muối giăng đầy. Sáng sớm, tôi còn cuộn mình trong chăn, nó đã lồm cồm dậy đi hái đót trên đồi với mẹ. Từ bé đến lớn, chỉ biết cầm chổi đót quét nhà, chứ chưa biết cây đót dọc ngang ra sao, nên tôi hào hứng lắm. Đi ra tới cổng, đứa bạn tôi chép miệng, rồi vội chạy vào nhà, lấy một đôi găng tay bằng vải bố dày, đưa cho tôi. Nó quả quyết bắt tôi xỏ găng vào bằng được.
Lên đồi, bắt đầu hái đót, tôi mới biết vì sao phải mang găng tay. Lá đót mỏng, nhưng sắc chẳng kém gì dao, nếu không cẩn thận, đứt tay như chơi. Nhìn cả nhà hăng hái bện chổi đót, tôi lại nhớ ngày thơ bé, lớn lên cùng những chiếc chổi rơm của bà. Bạn tôi bảo, nhờ có cây đót mà chị em nó mới có tiền đi học. Nhìn bàn tay mẹ cứ đến mùa đót là chi chít những vết cứa dọc ngang, thương không để đâu cho hết.
Từng bông đót, người mẹ nghèo dệt ước mơ cho con. Ảnh: Báo Đà Nẵng.
Ngày tôi về quê, cô chú còn dúi vào tay tôi 2 chiếc chổi mới, bảo mang về làm quà. Năm sau nếu thích, đến mùa đót cứ lên bện chổi với cả nhà. Xe lăn bánh. Xa xa, tôi vẫn thấy cái màu xanh của rừng đót. Mùa này qua mùa khác, bao người mẹ đã tần tảo với từng cây đót lá sắc như dao, để con cái được học hành cho trọn vẹn. Mai này nhìn ngắm bàn tay con, mẹ không phải xót xa vì những dọc ngang vất vả.
Trong những cái chổi vô tri, đâu chỉ có câu chuyện của cọng rơm cuối mùa gặt, hay bó đót trên triền đồi sương muối. Ở đó, chất chứa bao tần tảo của những người mẹ nghèo, cả đời chắt chiu, ki cóp để nuôi con. Từ cọng rơm, bó đót mỏng manh, những người phụ nữ chịu thương chịu khó ấy đã nuôi dưỡng những hy vọng bền bỉ.