Theo ông David Malpass, Chủ tịch WB: “Chất lượng nước xấu đi đang kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ, giảm sản xuất lương thực và góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở nhiều quốc gia”.
Kết quả phân tích của WB đã cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại các nước ở khu vực hạ lưu những con sông bị ô nhiễm nặng giảm 0,82%. Ở các nước có mức thu nhập trung bình, tác động thậm chí còn lớn hơn với mức tăng trưởng giảm một nửa. Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập cao, GDP giảm 0,34%.
Một con sông bị ô nhiễm nặng nề. Ảnh: AFP |
Vi khuẩn, nước thải, hóa chất và chất thải nhựa có thể làm giảm oxy trong nước và tăng độc tính. Theo WB, nguyên nhân chính làm ô nhiễm nguồn nước là nitơ. Đây là hóa chất đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, thường được sử dụng làm phân bón. Sau khi đi vào sông, hồ và đại dương nó biến đổi thành nitrat. Trẻ em tiếp xúc sớm với nitrat sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển trí não. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động của người trưởng thành.
Ví dụ, nếu một hecta đất nông nghiệp tăng thêm 1kg phân bón có chứa nitơ, sản lượng nông nghiệp sẽ tăng tới 5%. Tuy nhiên, tình trạng chậm lớn ở trẻ cũng tăng lên 19% và thu nhập trong tương lai khi chúng trưởng thành sẽ giảm tới 2% so với những trẻ không bị nhiễm khí này.
Độ mặn trong nước cao do hạn hán, bão lũ và hoạt đông khai thác vô tội vạ làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nông nghiệp. Theo báo cáo của WB, chất lượng nước đi xuống đã khiến sụt giảm sản lượng nông nghiệp bằng lượng thực phẩm có thể nuôi sống 170 triệu người, tương đương với dân số của Bangladesh.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận mối quan tâm ngày càng tăng về các hạt vi nhựa và dược phẩm trong nguồn nước. Theo thống kê, hơn 90% trong số 8,3 tỷ tấn nhựa ước tính được tạo ra từ những năm 1950 chưa được tái chế. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra các hạt vi nhựa có trong khoảng 80% nguồn nước tự nhiên, 81% nước máy thành phố và 93% nước đóng chai.
Dược phẩm cũng đang xâm nhập vào nguồn cung cấp nước ở mức báo động. Theo báo cáo, một nhà máy xử lý nước thải của Ấn Độ phục vụ khu vực sản xuất thuốc lớn đã phát hiện nồng độ kháng sinh cao gấp 1.000 lần mức cho phép. Dược phẩm thường xâm nhập vào nguồn nước thông qua chất thải của người và động vật. Khoảng 30% - 90% hầu hết các loại thuốc kháng sinh có thể được bài tiết dưới dạng hoạt chất.
Do đó, WB kêu gọi các nước phối hợp hành động để giải quyết những tác động tiêu cực đến con người và môi trường do nguồn nước ô nhiễm gây ra. Ngoài ra, WB cũng đề xuất thực hiện các chiến dịch tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm nguồn nước, nỗ lực ngăn chặn và làm giảm tình trạng này, đồng thời đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý ô nhiễm nguồn nước...
Ngoài ô nhiễm nguồn nước, gần 1,8 tỷ người ở 17 quốc gia (tương đương 1/4 dân số thế giới) đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu nước trầm trọng. Trong đó, 12 quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi; khu vực Châu Á có hai quốc gia là Ấn Độ và Pakistan. Các điểm nóng còn lại là San Marino ở Châu Âu, Botswana ở Châu Phi và Turkmenistan ở Trung Á.
Theo TTTĐ