Ông "đỡ" mùa dịch

Thảo Huyền

Ông "đỡ" Thắng không nhớ mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu ca, chỉ biết rằng còn số lên đến hàng nghìn. Mỗi ca có một kỷ niệm khác nhau. Đặc biệt là trong mùa dịch.

Một buổi trưa tháng 9, TS.BS. Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương trở về phòng sau khi vừa hoàn thành ca đỡ đẻ. Thay xong bộ quần áo bảo hộ, chưa kịp ngồi xuống ghế, tiếng chuông điện thoại vang lên.

Dứt cuộc điện, bác sĩ Thắng nhanh tay lấy bộ đồ bảo hộ khác để thay. “Dịch Covid-19 nên liên tục phải thay đồ bảo hộ. Mình lại có ca rồi”, vừa thay đồ bác sĩ Thắng vừa nói với giọng đầy nhẹ nhàng.

Người xưa nói “sinh được một con mất một hòn máu”, dù sinh mổ hay sinh thường đều có những khó khăn với sản phụ và bác sĩ. Để thực hiện một ca sinh mổ, các y bác sĩ phải tiến hành rất nhiều bước từ quá trình theo dõi trước khi sinh đến khi lên bàn mổ đều được tiến hành tỉ mỉ.

Theo chân bác sĩ Thắng, chúng tôi có mặt ở phòng mổ với đầy đủ trang phục cần thiết. Không khí nơi đây lúc này rất căng thẳng, mỗi người một nhiệm vụ làm sao giúp cho sản phụ sinh con một cách thuận lợi nhất. Bên cạnh các thao tác kỹ thuật, công tác tư tưởng với người mẹ cũng được vị Trưởng khoa và đồng nghiệp chú trọng.

Trong quá trình thực hiện ca mổ, vị bác sĩ này bảo điều quan trọng nhất là phải giữ cho tâm mình thoải mái, đồng thời đòi hỏi độ chính xác cao trong từng thao tác. Ca mổ bắt đầu, thời gian 5 phút rồi 10 phút trôi qua, các y bác sĩ tập trung chuyên môn của mình, vài phút sau “oe oe oe”, bác sĩ Thắng đỡ lấy em bé, “thiên thần nhỏ” cất tiếng khóc chào đời xoá tan đi bầu không khí căng thẳng tại phòng mổ.

Nghe tiếng con khóc, đặc biệt lại sinh con vào đúng mùa dịch nên sản phụ Nguyễn Thị Kim (Văn Lâm - Hưng Yên) càng xúc động hơn bao giờ hết. Chị hạnh phúc nhìn ngắm con yêu không rời mắt dù mới trải qua ca vượt cạn. Bé Gia Khang, cân nặng 3,2kg.

Vừa kết thúc ca sinh mổ, bác sĩ Nguyễn Mạnh Thắng cùng các cộng sự lại tiếp tục xử lý một ca sinh thường. “Hít thở sâu, bình tĩnh nào, cố lên, hít sâu nhé em”, anh Thắng và các nữ hộ sinh liên tục tiếp lời động viện. Sau khoảng 30 phút với cố gắng của sản phụ và sự hỗ trợ của các bác sĩ, bé trai cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vỡ oà của tất cả. Khoảnh khắc bác sĩ đưa cháu bé, đặt cháu áp vào người mẹ trở thành giây phút hạnh phúc khó tả.

Ôm con vào lòng trong niềm hạnh phúc vô bờ, dù còn mệt sau ca mổ nhưng sản phụ Vương Thị Uyên không giấu nổi niềm vui và xúc động. Chị nói: “Tôi rất hạnh phúc vì con chào đời khoẻ mạnh, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ đã giúp tôi được mẹ tròn con vuông”.

Tháo bỏ bộ đồ bảo hộ trong phòng sinh, bác sĩ Thắng quay trở về phòng làm việc, dành thời gian nghỉ ngơi ít ỏi chia sẻ thêm với Người Đưa Tin về công việc của đội ngũ nhân viên y tế sản khoa trong thời gian dịch bệnh.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Tiến sĩ, Giảng viên Nguyễn Mạnh Thắng làm giảng viên tại trường, đồng thời công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ năm 2005. Đến năm 2008 anh thi đỗ học bổng của Chính phủ Nhật Bản và đi học Tiến sĩ 5 năm, từ năm 2013 anh trở về nước và tiếp tục là giảng viên, công tác tại bệnh viện gắn bó với khoa Đẻ đến nay.

Là nam nhưng chọn làm bác sĩ sản khoa, nên bác sĩ Thắng cũng thường hay bị hỏi vì sao lại chọn công việc này. Trả lời câu hỏi đó, bác sĩ Thắng cười vui bảo “có lẽ là nghề chọn mình, vì càng học càng thấy hay và càng làm càng thấy cuốn hút”.

Ông “đỡ” Thắng không nhớ mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu ca, chỉ biết rằng con số lên đến hàng nghìn. Và cứ mỗi khi thực hiện đỡ một ca đẻ là vị bác sĩ sản khoa ấy lại có những cảm xúc khác nhau.

“Tôi cũng làm cha, nên mỗi lần nghe tiếng trẻ khóc chào đời, tôi lại nhớ về khoảnh khắc khi đón con mình chào đời”, anh Thắng tâm sự.

Có lẽ nhờ việc luôn giữ trong mình cảm xúc đó, mà suốt bao năm anh luôn tận tuỵ với nghề. Nghề chọn anh và anh cũng đã chọn đúng nghề.

Là bệnh viện tuyến Trung ương, nên khi sản phụ tìm đến bệnh viện thường là bệnh nhân có bệnh lý nặng. Khi xử lý thành công những ca như vậy đều để lại cho anh những cảm xúc mạnh.

“Có ca mắc bệnh về tim, có trường hợp phải ghép thận…Nhìn những cặp vợ chồng khao khát có con, chúng tôi nhủ phải cố gắng hết mình giúp họ mẹ tròn con vuông. Đến khi tiếng khóc oe của đứa trẻ, tiếng khóc oà vì hạnh phúc của bố mẹ vang lên, trở thành niềm cảm xúc không bao giờ quên”, anh Thắng tâm sự.

Anh cũng cho biết, nhiều khi bất ngờ nhận được những bức ảnh từ bệnh nhân chụp gia đình với lời nhắn “chào bác sĩ, năm nay cháu đã được 5 tuổi…” đủ khiến anh thực sự xúc động.

Chia sẻ về khối lượng công việc của đội ngũ y bác sĩ trong thời điểm dịch bệnh, bác sĩ Thắng cho biết, khối lượng công việc giảm đi do giãn cách xã hội. Tuy nhiên, khi bệnh nhân đến với Bệnh viện Phụ sản Trung ương thường đã vào giai đoạn nặng, nên tỉ lệ bệnh nhân nặng tăng lên. Bên cạnh đó, nhân lực của bệnh viện cũng phải chi viện cho TP.HCM nên nhân lực tại khoa Đẻ cũng mỏng.

Mặc dù vậy, công việc chuyên môn vẫn được đảm bảo, đội ngũ y, bác sĩ tại bệnh viện cũng thực hiện chia ca, kíp đề phòng trường hợp xuất hiện F0 tại bệnh viện, tại khoa thì sẽ có nhân lực thay thế.

Trong mùa dịch, để đảm bảo an toàn cho sản phụ khi vào sinh tại khoa Đẻ, anh Thắng cũng cho hay: “Ngoài cổng bệnh viện đi vào là bệnh nhân đã phải khai báo y tế, sàng lọc phân luồng bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ và có yếu tố dịch tễ. Nếu bệnh nhân nào có yếu tố dịch tễ thì sẽ được chuyển sang khoa Sản nhiễm khuẩn. Còn lại chuyển lên khoa Đẻ là đã phân luồng “bệnh nhân xanh”, không có yếu tố dịch tễ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn cảnh giác, thực hiện nghiêm 5K, khoa chúng tôi cũng bố trí các phòng nếu cần sẽ biến thành phòng cách ly khi xuất hiện ca F0, F1 và tuyệt đối không bao giờ bỏ bệnh nhân. Ngoài ra, khoa cũng bố trí quần áo bảo hộ để điều trị bệnh nhân Covid, luôn luôn sẵn sàng khi có ca là có đủ đồ”.

“Với những bệnh nhân ở khoa Sản nhiễm khuẩn, thì chúng tôi phải mặc quần áo bảo hộ chống dịch vào mổ. Quần áo phải mặc hai bộ, khẩu trang, kính chắn giọt bắn kín mít nên rất mờ, nhưng dặn lòng phải cố gắng làm sao cho cuộc phẫu thuật an toàn, nhiều khi em bé chào đời thì mình cũng trào nước mắt”, anh Thắng vừa kể vừa khẽ lau giọt mồ hôi trên trán.

“Tại khoa Đẻ của chúng tôi, bệnh nhân vào khoa là đã được sàng lọc, nhưng cũng có trường hợp cả chồng, cả gia đình bị đi cách ly từ trước, vợ ở nhà chuyển dạ thì hàng xóm đưa đi. Vào viện không có ai ký giấy tờ hộ, điều này chúng tôi cũng phải giải quyết. Cảm xúc của tôi thì hỗn độn, thương bệnh nhân nhiều bởi trong lúc bụng mang dạ chửa mà lại không có người thân ở bên.

Hay, theo quy định thì sản phụ đi sinh chỉ được một người chăm sóc và không được đổi vì liên quan đến quy trình khám sàng lọc Covid-19. Có những người chồng mệt mỏi, chăm vợ con cả tuần không được ngủ đòi đổi cho bà vào chăm, thậm chí nằng nặc đòi đổi kêu ốm, mệt, ở ngoài nhân viên đang chờ xử lý việc… khi đó, chúng tôi ngồi lại, giải thích, thấu hiểu từng trường hợp làm sao giải quyết ổn thoả, có những trường hợp cũng phải linh động đổi người chứ không thể cứng nhắc”, anh Thắng kể thêm về những tình huống phát sinh trong mùa dịch.

Bác sĩ Thắng cũng luôn nhắc nhở nhân viên phải ân cần quan tâm chăm sóc bệnh nhân, động viên họ, thậm chí nhân viên y tế đút cháo cho bệnh nhân… Đối với bác sĩ Thắng, những hình ảnh đó anh gọi là tình người.

Đối với riêng cá nhân anh Thắng, thời gian này anh dành 100% sức lực, thời gian cho công việc. Bởi, hai con nhỏ của anh đang được gửi ở quê nhà Hải Phòng cho ông bà chăm sóc. Cứ thời gian rảnh là anh lại tranh thủ gọi điện “face time” về cho các con. Nhiều lúc cũng rất nhớ con nhưng anh bảo đã mang nghiệp vào thân thì gia đình, các con cũng thấu hiểu nghĩa vụ thiêng liêng của người thầy thuốc. Trong trái tim nhiệt huyết của nam bác sĩ sản khoa ấy luôn sẵn sàng tinh thần: “Khi tổ chức cần thì tôi luôn sẵn sàng”.