Một hôm, thủ trưởng Phùng Minh rủ chúng tôi đi ăn hủ tiếu. Cả bọn chúng tôi đều không biết hủ tiếu là cái gì, nên tò mò lắm. Thủ trưởng giới thiệu đây là một món ăn rất ngon, nhưng tôi lại thấy nó chỉ giống như phở ngoài bắc, mà vị của nó ngọt cay khó ăn. Hôm sau, chúng tôi đưa các thủ trưởng vào tổng kho Long Bình để họp với Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2. Trong khi các thủ trưởng họp, tôi tranh thủ đánh xe đi vòng quanh tổng kho. Theo một vài bộ binh canh gác nói kho rất rộng tới 49 km2, mỗi chiều rộng 7km, dưới là những hầm sâu. Tôi đi vào các các kho, lúc ấy chẳng có gì so sánh, cứ nghĩ so với bách hóa Tràng Tiền Hà Nội là lớn nhất ở ngoài Bắc lúc bấy giờ, thì thấy bách hóa Tràng Tiền không là gì so với cái tổng kho vô cùng vĩ đại này. Tôi đánh xe vào giữa các kho lớn, tha hồ ngắm, từ kho để các dụng cụ, máy móc, phương tiện được sắp xếp rất ngay ngắn, thẳng hàng, rất nhiều thiết bị, phụ tùng của xe tăng, ô tô. Tôi tìm đến kho thực phẩm và lấy một thùng laze và một thùng thuốc lá Ruby để hút dần. Trên đường quay về, tôi vừa lái xe, vừa lấy một chai laze uống, thì các thủ trưởng mới hỏi “cậu uống cái gì đấy? Không sợ độc à?”. Tôi bảo mát và ngon lắm và sau khi có một người bật thử uống, các thủ trưởng mới dám uống và khen ngon.
Khi ở trong Sài Gòn, còn có một câu chuyện khác nữa. Đó là chuyện chúng tôi đi mua đồng hồ. Lúc ở Đà Nẵng có tiền nhưng không tiêu được, còn vào đến Sài Gòn thì lại chẳng có tiền mà tiêu. Chúng tôi gặp những thanh niên Sài Gòn suốt ngày đi khắp nơi để đổi tiền. Họ gặp và hỏi chúng tôi: “ Ông có đổi tiền không?”, chính là đổi từ tiền bắc sang tiền Sài Gòn để tiêu. Một đồng tiền Bắc thì được 100 đồng tiền Sài Gòn, thậm chí có khi còn giá trị hơn. Lúc bấy giờ, một số mặt hàng, ví dụ đồng hồ Orien hay Senko, to bằng đít chén bán có 300 -500 đ Sài Gòn hay 3 – 5 đồng tiền Bắc. Toàn bộ số tiền tôi có mười mấy đồng cũng mua được mấy chiếc.
Ở lại Sài Gòn chỉ khoảng 1 tuần thì chúng tôi được lệnh ra Bắc. Hành trình ra Bắc của đoàn Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp chúng tôi không còn nguy hiểm như lúc vào, nhưng cũng khá gian nan. Từ Sài Gòn ra đến Hà Nội chúng tôi cứ đường quốc lộ 1 thẳng tiến nhưng cũng mất 7 ngày 6 đêm. Các xe mang từ Bắc vào thì vẫn mang ra đầy đủ, chỉ khác là xe không còn mới, bóng bẩy nữa mà vết tích chiến tranh đầy mình: Khung sườn móp méo, xe cộ xộc xệch. Xe của Nam bị đạn bắn lỗ chỗ. Xe tôi hai tai bị móp do va trượt vào núi vào cây trên đường 14. Đoàn lại mang thêm thêm hai xe Jeep chiến lợi phẩm nữa. Một chiếc do Điệp lái, chiếc kia do một thủ trưởng biết lái xe lái. Trên đường đi, ngày hai bữa ăn đoàn tổ chức nấu dọc đường, gạo thì thoải mái rồi, song thức ăn thiếu do không có, trong khi đó tiền cũng không. Lãnh đạo đoàn cho phép lấy gạo và xăng đổi lấy thực phẩm. Chúng tôi đổi xăng lấy cá biển, lấy các đặc sản ở biển như tôm cua mực…Có thực phẩm rồi nhưng khâu chế biến kém và thiếu gia vị nên ăn cũng không ngon. Bữa trưa thì vẫn điệp khúc lương khô, thịt hộp, ăn nhanh để còn đi. Tối đoàn tiện đâu ngủ đấy, tôi thì cơ bản ngủ ngoài xe, đa số mắc võng giữa hai xe nối nhau, hay rải võng xuống bãi cỏ ven đường ngủ. Các xe để gần nhau, thường xuyên cắt người canh gác, riêng lái xe bọn tôi vẫn được miễn.
Tôi còn nhớ một tối khi đến Nha Trang, đoàn dừng ở gần khu làng chài ven biển. Tôi gặp một thanh niên rất vui tính cởi mở. Anh ta ra chơi và kể chuyện về sỹ quan ngụy. Anh ấy bảo khi đang là sinh viên văn khoa Sài Gòn bị bắt đi lính, rồi đưa đi học sỹ quan tâm lý chiến (như sỹ quan chính trị của ta) ở trường sỹ quan Đà Lạt. Học rất vất vả, thường thằng lớp trước hành hạ thằng lớp sau, hành nhau càng nhiều càng được khen vì ra trường hành lính tốt. Học chưa xong thì ta đánh vào anh ta bỏ chạy. Rồi cũng ra trình diện, xong được về quê. Gia đình anh ta gốc Hưng Yên cùng quê với tôi, là dân công giáo di cư vào nam năm 1954. Hôm sau anh ta đưa cho tôi một tập thư của nhiều người trong xóm để nhờ tôi mang ra bắc gửi. Tập thư này ra đến bưu điện Bờ Hồ, tôi bỏ ra một số tiền mua tem để chuyển. Nhớ nhất là lúc đoàn qua Huế được nghỉ lại một buổi chiều và vào Đại Nội thăm quan. Tôi lái xe hơi mệt, định lười không vào, nhưng thủ trưởng Tam bảo đây là cơ hội hiếm các cậu đừng lười, nên đi vào mà tham quan. Thế là mọi người đi theo ông vào trong thành nội. Ông kể đã từng sống ở Huế trước 1945. Ông đã học ở đây, học ở quốc học Huế, nên ngõ ngách nào ông cũng biết. Khi vào trong đại nội, ông giới thiệu không khác một thuyết minh viên chuyên nghiệp. Như ông kể về hai hàng cửu phẩm ra sao, tại sao có vạc dầu ở đó…cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ.
Thế rồi đoàn ra đến cầu Hiền Lương, cây cầu chia cắt hai miền nam bắc bao năm. Tại đây có trạm kiểm soát quân sự rất nghiêm. Các chiến lợi phẩm trên các xe cơ bản bị tịch thu hết kể cả tiền vàng. Mấy chiếc đồng hồ tôi mua được ở Sài Gòn phải gửi sắc cốt của một anh cơ yếu cùng đoàn. Chờ đợi làm các thủ tục khám xét không khác ta đi qua cửa khẩu quốc tế hiện nay. Vài ngày sau chúng tôi có mặt tại Hà Nội và trở về cơ quan Bộ tư lệnh tăng thiết giáp ở chân núi Đinh. Vậy là kết thúc hành trình đi B dài của tôi.
Xuất phát từ Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp, điểm cuối cùng là Dinh Độc Lập Sài Gòn rồi lại trở về. Hình như tôi đang nằm mơ chứ không phải sự thật. Thế rồi chúng tôi lần lượt được về phép thăm gia đình. Tôi về đến nhà trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Lao vào ôm bố tôi, bố ơi con sống rồi và về đây. Nước mắt tuôn trào, hạnh phúc đoàn tụ như bao gia đình người Việt khác lúc bấy giờ….
PGS.TS Đàm Khải Hoàn nguyên trung sỹ lái xe BTL Thiết giáp