Phà Ghép – Những tháng ngày lịch sử

Thảo Huyền

Sự nỗ lực, anh dũng, kiên gan và đoàn kết của quân và dân hai bờ sông Yên trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã làm nên một Phà ghép anh hùng, vang vọng đến ngày hôm nay.

Hòa chúng trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi lại tìm về dòng sông Yên trên bến phà Ghép. Phà Ghép là một địa danh, ở nơi cửa sông Yên đổ ra biển, nằm trên tuyến quốc lộ 1A, nối hai huyện Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Trong chiến tranh, đây là tuyến đường huyết mạch, là con đường vận chuyển tiếp tế cho miền Nam.

pha1-1651139256.png

Cầu Ghép trên tuyến quốc lộ 1A- chứng tích lịch sử trên dòng sông Yên

 (ảnh: Lâm Ngọc)

Được giới thiệu và gặp gỡ những cựu dân quân - những người thầm lặng đã làm nên phà Ghép Anh hùng, tôi ngỡ ngàng, xúc động bởi các bác, các chú bình dị quá, hiền hòa quá… Nghe tôi đề cập đến chuyện chiến đấu, bảo vệ phà Ghép, quyết giữ liền huyết mạch Việt Nam, ông Lê Văn Huyên xúc động, câu chuyện gần sáu mươi năm về trước hiện lên trong ký ức của người cựu binh già.

“Năm 1965, chúng tôi còn rất trẻ, mới 16 - 17 tuổi. Lúc bấy giờ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Đặc biệt năm 1965, giặc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá ném bom miền Bắc, mục đích nhằm cắt đứt các tuyến đường giúp lực lượng miền Bắc Việt Nam chuyển viện trợ cho miền Nam.

Phà Ghép là một phần của Quốc lộ 1A, nối đôi bờ sông Yên - giữa xã Quảng Trung (Quảng Xương) với phường Hải Châu (TX Nghi Sơn). Cùng với Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép có vị trí chiến lược là “mạch máu” giao thông kết nối hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam. Vì thế, trong những năm tháng đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ xác định đấy là những vị trí chiến lược.

Từ năm 1965 đến năm 1972, Phà Ghép trở thành là “tọa độ lửa”, “túi bom” và pháo tầm xa của không quân Mỹ. Tuy nhiên, với tinh thần “một tấc không đi, một li không rời”, quân và dân hai bờ sông Yên cùng sát cánh chiến đấu, thậm chí người dân sẵn sàng dỡ nhà để sửa cầu phao giữ thông huyết mạch giao thông”, ông Huyên hồi tưởng.

Nói về sự ác liệt của những tháng ngày đó, ông Huyên vẫn còn nhớ: “Sáng ngày 4/4/1965, hàng chục tốp máy bay Mỹ bất ngờ đánh phá khu vực bến phà Ghép. Bến phà Ghép - sông Yên phút chốc đã trở thành chiến trường mịt mù khói lửa bom đạn.

Ngay lập tức cuộc chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ đã diễn ra trên bầu trời phà Ghép - sông Yên hết sức quyết liệt. Dân quân phối hợp cùng bộ đội chủ lực và công nhân bến phà chiến đấu kiên cường, góp phần bảo đảm giao thông thông suốt. Trong cuộc chiến đấu ngày 4/4/1965 đã có 5 máy bay Mỹ đã bị bắn rơi trên bầu trời bến phà Ghép.

Ác liệt lắm! Với âm mưu cắt đứt huyết mạch chi viện cho miền Nam nên chúng rải bom như rải thảm. Thời gian sau đó, gần như ngày nào máy bay Mỹ cũng quần trên bầu trời phà Ghép, ngoài biển thì Hạm đội 7 nã pháo vào.

Tuy nhiên, Quân dân hai bên bờ sông rất gan lỳ, kiên quyết bám trụ. Giặc phá đứt cầu phao thì chúng ta nối lại, ngày thì tháo cầu phao mang giấu, tối lại kéo ra nối lại cho xe qua. Cùng với anh em chiến đấu tại phà Ghép đến năm 1967 thì tôi nhập ngũ, trở thành người lính biệt động thành. Giai đoạn sau này còn ác liệt hơn…”

pha2-1651139437.png
Với tinh thần chiến đấu quả cảm, quân và dân hai bờ sông Yên quyết tâm giữ liền huyết mạch giao thông trên bến phà Ghép (Ảnh tư liệu).

Cũng là người đã từng tham gia chiến đấu tại phà Ghép, Ông Lê Ngọc Vinh bồi hồi kể lại: “Ngày đó, quân dân Hải Châu đã trực tiếp bắn rơi 3 máy bay Mỹ, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Để giành thế chủ động trên bàn đàm phán Pari, Mỹ ném bom miền Bắc lần 2. Đầu năm 1971, hoạt động phá hoại miền Bắc của Mỹ được tăng cường, Đò Lèn - Hàm Rồng - Phà Ghép là mục tiêu đánh phá dữ dội của không quân Mỹ.

Không những vậy, tàu chiến của Mỹ pháo kích vào làng mạc các xã ven biển. Những xóm, làng ở hai bên bờ sông Yên thuộc phường Hải Châu và xã Quảng Trung (Quảng Xương) không còn mấy nóc nhà nguyên vẹn. Nhiều người dân bị thương, hoặc thiệt mạng vì bom đạn Mỹ. Còn trên trục đường giao thông từ Phà Ghép đến khe nước Lạnh không lúc nào ngớt tiếng bom.

Khoảng giữa năm 1972, Mỹ dùng thủ đoạn mới thâm hiểm hơn là thả hàng chùm thủy lôi, bom nổ chậm xuống sông Yên, hòng phong tỏa, cắt đứt “mạch máu” giao thông chi viện chiến trường miền Nam. Thời điểm ấy, bầu trời khu vực phà Ghép, trên mặt nước sông Yên mịt mù khói lửa bom đạn.

Với tinh thần “mở đường mà tiến”, quân và dân Hải Châu, phía bên kia cầu là quân dân xã Quảng Trung kiên cường bám làng, bám trận địa. Cùng bộ đội pháo cao xạ họ tham gia chiến đấu bảo vệ phà, để “mạch máu” giao thông không bị cắt đứt, bảo đảm cho từng đoàn xe qua sông kịp thời vận chuyển vũ khí, quân nhu phục vụ chiến trường miền Nam.

pha3-1651139437.png
Bảo vệ bầu trời phà ghép (Ảnh tư liệu).

Do địch thả thủy lôi dày đặc mặt nước sông Yên, buộc chúng ta phải tìm cách mở đường để thông tuyến. Đồng chí Vũ Hồng Út lúc bấy giờ bến phó bến Phà Ghép - người đầu tiên xung phong điều khiển ca nô phá thủy lôi của Mỹ. “Trước khi làm nhiệm vụ cao cả điều khiển ca nô quét thủy lôi để thông dòng cho phà qua, đồng chí Út đã được làm lễ truy điệu sống, nhưng thật kỳ diệu, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Vũ Hồng Út không bị thương và bước lên bờ an toàn trong niềm vui tột cùng của anh chị em trên bờ. Với thành tích lớn lao đó, đồng chí Vũ Hồng Út được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động” - ông Vinh nhớ lại.

Theo dòng ký ức của người cựu dân quân già, từng trận đánh, từng chiến công cứ lần lượt hiện ra mắt chúng tôi. Sự kiện đáng nhớ nhất những năm 1972 với ông Vinh chính là ngày 5/7/1972, một ca nô làm nhiệm vụ đẩy phà chở 5 ô tô khách qua bến Hải Châu bị trúng thủy lôi của giặc. Ca nô hỏng, phà trôi, tính mạng của hàng trăm người bị đe doạ.

Để ứng cứu, Đảng uỷ phường Hải Châu lúc bấy giờ đã huy động gần 100 người xuống sông kéo phà vào bến, cấp cứu người bị thương, giải quyết tử sĩ và bảo đảm cho xe tiếp tục hành trình. Thời gian ấy, ông Vinh đã trực tiếp chiến đấu trong Trung đội trực chiến xã Hải Châu, góp phần làm nên chiến công bắn rơi 1 máy bay H7 của Mỹ vào ngày 23/8/1972.

Ngoài nhiệm vụ chiến đấu bảo đảm giao thông, quân dân Hải Châu còn có nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển hàng chục ngàn tấn lương thực từ biển vào đất liền để chuyển vào Nam. Với ý chí quyết tâm cao, quân dân Hải Châu đã góp phần cùng Nhân dân miền Bắc đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội đánh bại không lực Hoa Kỳ, góp phần để Chính phủ Việt Nam giành thế chủ động trên bàn đàm phán Pari năm 1973.

Sau hơn 8 năm Mỹ đánh phá miền Bắc, bến Phà Ghép đã chứng kiến bao trận mưa bom, pháo kích của máy bay và từ chiến hạm của đế quốc Mỹ. Trong 8 năm đó, Mỹ đã thả 38.000 quả bom các loại xuống bến Phà Ghép nhằm chặn đứng con đường chiến lược của chúng ta.

Tuy nhiên, âm mưu của Mỹ đã thất bại trước lòng quả cảm và ý chí của quân dân hai bờ sông Yên, tinh thần đó đã giữ cho “mạch máu” giao thông trên tuyến quốc lộ 1A luôn được thông suốt. Cuộc chiến đấu bảo vệ Phà Ghép đã ghi dấu biết bao tập thể, cá nhân anh hùng. Đó là Đại đội dân quân C94, đơn vị nữ dân quân Thanh Thủy, anh hùng Vũ Hồng Út, liệt sĩ Nguyễn Bá Ngọc là các đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân ở hai bờ sông Yên.

Trung đội dân quân và những người đã chiến đấu trên bến Phà Ghép, giữa hai bờ sông Yên giờ đây người còn người mất. Bến Phà Ghép cũng không còn cây cầu phao huyền thoại nữa mà thay vào đó là một cây cầu vững chãi kiên cố, nối liền hai bờ sông Yên hiền hòa, bình lặng.

Không còn nữa tiếng bom, tiếng pháo, không còn nữa tiếng dô huầy kéo phao bắc cầu cho xe thông tuyến. Bến Ghép giờ đây đã thay da đổi thịt, những cánh đồng ngao, những trại tôm công nghệ đã thay thế cho bom bi, thủy lôi, tạo ra một bến Ghép mang dáng dấp hình hài của thời đại mới.

Lâm Ngọc