Sáng ngày 12/9 tại Hà Nội, Báo Đời sống & Pháp luật tổ chức Diễn đàn “Pháp luật Việt Nam và doanh nghiệp trong xu thế hội nhập toàn cầu” nhằm trao đổi về các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, bất cập của pháp luật hiện hành trong hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Diễn đàn sẽ nêu lên những kiến nghị cụ thể, giúp cơ quan quản lý nhà nước có điều chỉnh, ban hành, sửa đổi bổ sung những quy định pháp luật hiện hành, làm cho hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện. Đây là hoạt động nằm trong chương trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật Gia Việt Nam lần thứ XIII (2019 – 2024).
Tham dự diễn đàn có: GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam khóa XI; Bà Phạm Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Luật gia Trần Minh Sơn– Trưởng phòng, vụ Pháp luật Dân sự kinh tế - bộ Tư pháp; Ông Phạm Quốc Huy, Phó Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật, báo điện tử Người Đưa Tin.
Về phía các Hiệp hội Doanh nghiệp và Doanh nghiệp và các luật sư tham gia thảo luận, gồm có: Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistic Việt Nam; Ông Lê Anh Văn- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Pháp luật và Phát triển Nguồn nhân lực - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Ông Nguyễn Xuân Liễn– Trưởng ban Hội viên và Đào tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc; Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Trung tâm Trọng tài TP HCM.
GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam.
Theo thống kê hiện nay, cả nước có gần 630.000 doanh nghiệp đang tồn tại và hoạt động, đây là một con số lớn với một quốc gia đang trên đà phát triển như Việt Nam. Sự lớn mạnh của các doanh nghiệp là một tín hiệu tốt đẹp, cho thấy nền kinh tế của nước ta đang tiến triển rất tốt, tuy nhiên chúng ta cũng cần có các cơ chế, chính sách, nhất là các quy định của pháp luật đúng đắn dành cho doanh nghiệp, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trong nước, đồng thời bắt nhịp cùng xu thế phát triển kinh tế của thế giới, phù hợp các công ước quốc tế, hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên.Cuộc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã tạo nên một làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo to lớn ở đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nhất là hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đang dần hoàn thiện, nhằm tạo môi trường pháp lý, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo nhiều cơ hội việc làm, giải quyết nhiều vấn đề của xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ngày càng một tốt hơn.
Trong bối cảnh như vậy, có thể nói rằng, mối quan hệ giữa pháp luật và hệ thống doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta hiện nay là mối quan hệ khăng khít, có tác động qua lại lẫn nhau, thể hiện trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh để doanh nghiệp có cơ hội, điều kiện phát triển kinh tế, tăng doanh thu, năng suất, lợi nhuận, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Luật Doanh nghiệp (năm 2013), điều chỉnh về vấn đề thành lập, tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan đến doanh nghiệp và mới đây, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 (có hiệu lực ngày 01/1/2018) là đạo luật đầu tiên ở Việt Nam chuyên về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó có hỗ trợ pháp lý cho doan nghiệp, tạo khung pháp lý có hiệu lực cao nhất hiện nay trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có cả hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ về mặt pháp lý cho doanh nghiệp trong nước.
Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo để tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp. Như giai đoạn 2010 – 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp; giai đoạn 2015 -2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2319/QĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014.
Theo đó, nhiều chương trình hành động, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cơ quan, từ trung ương đến địa phương, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Với vị trí vai trò của mình, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, sự tạo điều kiện của Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ ngành, các cơ quan và tổ chức hữu quan, Hội Luật gia Việt Nam cũng có nhiều hoạt động đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong bước đường hội nhập, cũng như tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và góp ý xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp hoạt động hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: vấn đề huy động vốn; khó khăn trong việc sử dụng tư vấn pháp luật; khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật nhất là đối với các đối tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Về phía cơ quan nhà nước, vẫn còn tình trạng, doanh nghiệp hỏi, tuy nhiên cơ quan nhà nước trả lời nhưng không cụ thể, doanh nghiệp không có cơ sở thực hiện được trên cơ sở giải thích và hướng dẫn thực hiện của cơ quan nhà nước.
Từ những bất cập thực tiễn đó, dẫn đến công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp còn kém hiệu quả và pháp luật được ban hành nhưng thực thi chưa tốt, môi trường kinh doanh, đầu tư chưa thực sự thuận lợi, đã tạo nên rào cản cho doanh nghiệp phát triển.
Chính vì vậy, Diễn đàn “Pháp luật Việt Nam và doanh nghiệp trong xu thế hội nhập toàn cầu” do Báo Đời sống & Pháp luật, cơ quan ngôn luận của Hội Luật gia Việt Nam tổ chức nhằm kịp thời đánh giá thực trạng và đề ra những giải pháp, kiến nghị với các cơ quan chức năng hoàn thiện môi trường pháp lý để cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư theo thông báo tại văn bản số 10061-CV/VPTW ngày 16/7/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng và được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019 -2024 sẽ được tổ chức vào ngày 12-13 tháng 9 năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 450 đại biểu đại diện 63 Hội Luật gia tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị và 52 Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội, khách mời từ các cơ quan, Bộ ngành ở Trung ương, nguyên lãnh đạo và cán bộ Hội Luật gia Việt Nam qua các thời kỳ. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2019 - 2024) sẽ gồm các nội dung chính: (1) Thảo luận và thông qua các văn kiện: Báo cáo tổng kết công tác Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2019 và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2019 - 2024; Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Trung ương Hội khóa XII; Dự thảo Điều lệ mới; (2) Bầu Ban chấp hành Trung ương Hội khóa XIII; (3) Thảo luận về một số lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Hội. |
Quyết Tuấn