Phú Bình – Thái Nguyên: Khuất tất quy trình xét nâng lương tại trường THCS Đào Xá!?

Thảo Huyền

Nhiều giáo viên trường THCS Đào Xá (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) yêu cầu làm rõ quy trình việc xét nâng lương trước thời hạn cho giáo viên vì có dấu hiệu trái quy định, pháp luật.

Ngày 11/1/2020, Hội đồng trường THCS Đào Xá tiến hành họp xét về việc phân bố hai chỉ tiêu nâng lương sớm cho công chức, viên chức lập thành tích trong thực hiện nhiệm vụ. Sau khi rà soát, đánh giá tiêu chí, điều kiện phía nhà trường đã bình bầu ra ba người trong khi chỉ tiêu được giao chỉ là hai người.

Trong số ba người được chọn, một người đã được xét nâng lương trước thời hạn 12 tháng, hai người còn lại (bà D.T.L. và V.T.H.) được xét nâng lương trước thời hạn 06 tháng.

Văn bản một đằng, thực hiện một nẻo?

Căn cứ các tiêu chí tại khoản 2, điều 4, Quyết định 30 ngày 13/12/2013 của UBND tỉnh Thái Nguyên, theo lãnh đạo trường Đào Xá hai trường hợp trên có nhiều điểm giống nhau như đều chưa được nâng bậc lương trước thời hạn, thâm niên công tác như nhau, đều là cán bộ nữ… về thành tích khác, dựa trên “bút tích” ghi trong hồ sơ cả hai đều bằng nhau.

Cá nhân bà H. cho biết có nhiều “thành tích khác” hơn bà L. và các thành tích này đều có giấy khen của trường, giấy chứng nhận của Phòng GD&ĐT huyện Phú Bình, cơ sở giáo dục trao tặng. Tuy nhiên, lãnh đạo trường THCS Đào Xá khẳng định những bằng khen mà bà H. đề cập tới không được coi là thành tích để tính làm căn cứ, tiêu chí lựa chọn.

Vì vậy “buộc” phải sử dụng hình thức bỏ phiếu để chọn ra một chỉ tiêu còn lại được xét nâng lương. Tuy nhiên quy trình bỏ phiếu, quy trình… “chọn lọc” đã bị tố thiếu minh bạch, thậm chí có dấu hiệu trái quy định, pháp luật.

Quy trình xét nâng lương tại trường THCS Đào Xá (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) bị tố thiếu minh bạch, trung thực!?(Ảnh minh họa)

Cụ thể, tại buổi bỏ phiếu thành phần xét dự của cơ sở THCS Đào Xá đã “khuyết” thành phần thư ký hội đồng; danh sách thành viên tham gia bỏ phiếu thực tế là 8 thành viên không phù hợp với quy định đã nêu tại khoản 9, Quyết định 2796 của Bộ Tài chính ngày 28/12/2015 về quy trình xét nâng lương trước thời hạn thì hội đồng xét nâng lương sẽ có từ 7 đến 9 thành viên (số lẻ).

Mặt khác, trong Quyết định số 30 của UBND tỉnh Thái Nguyên không đề cập đến hình thức bỏ phiếu để lựa chọn trong trường hợp có từ 2 người trở lên có cấp độ thành tích ngang nhau mà không đủ chỉ tiêu để nâng bậc lương cho tất cả.

Phóng viên thắc mắc, nếu số lượng thành viên tham gia bỏ phiếu không đủ, liệu có ảnh hưởng đến tình khách quan, kết quả của cuộc bỏ phiếu và nếu sai về quy định, quy trình thì có nên xem xét hủy kết quả để bầu lại, đảm bảo tính khách quan, quyền lợi người được bỏ phiếu?

Trả lời báo chí, thầy giáo Dương Như Tới, Hiệu trưởng THCS Đào Xá cho biết, việc thành phần tham dự bị khuyết là do tại thời điểm đó “đồng chí Tr. xin nghỉ vì sức khỏe không đảm bảo do đang mang bầu”.

Bên cạnh đó, thầy giáo Tới cho hay, số phiếu của bà L. là 6/8 còn bà H. là 2/8 phiếu, về số lượng phiếu tín nghiệm bà L. hơn bà H. rất nhiều, thậm chí là áp đảo. Nếu số phiếu của bà L. là 5/8 phiếu; bà H. là 3/8 thì nhà trường sẽ cho bầu lại để lấy phiếu.

Sau đó phòng GD&ĐT huyện Phú Bình, phòng Nội Vụ sau đó đã đề nghị trường THCS Đào Xá xét nâng lương lại, tuy nhiên theo bà H. mọi quy trình và kết quả vẫn không thay đổi so với lần đầu tiên khiến bà H. bức xúc yêu cầu làm rõ.

Phó chủ tịch huyện ra văn bản “lạ”!?

Trước đó, ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình đã ký văn bản thông báo số 47/TB-UBND ngày 16/4/2020 về việc thụ lý tố cáo lãnh đạo và hội đồng xét nâng lương của trường THCS Đào Xá của công dân liên quan đến việc xét nâng lương trước thời hạn có dấu hiệu khuất tất, không đúng quy trình.

Thông báo số 47 của Chủ tịch huyện Phú Bình về việc thụ lý đơn tố cáo của công dân. (Ảnh: Bình An)

Đáng chú ý, sau khi Chủ tịch UBND huyện Phú Bình ký thông báo chưa “ráo mực”, việc xác minh, kiểm tra còn chưa có văn bản kết luận thì ngày 17/4/2020 (tức sau một ngày), bà Kiều Thị Thao, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Bình đã ký thay Chủ tịch văn bản số 475/UBND-NV trả lời kiến nghị cho rằng nội dung trong đơn bà H. đưa ra không đủ căn cứ để giải quyết.

Văn bản số 475 của Phó chủ tịch ký thay Chủ tịch huyện bị phản ánh là thiếu cơ sở kết luận, thiếu thuyết phục. (Ảnh: Bình An)

Văn bản số 475 của bà Phó chủ tịch huyện bị nhận định là văn bản… “lạ” bởi lẽ về nguyên tắc khi việc thụ lý đơn chưa có đơn vị tiếp nhận, kiểm tra, chưa có kết luận thì việc bà Thao ký thay Chủ tịch và ra văn bản khẳng định “không có căn cứ” là nhận định… chủ quan, thiếu cơ sở kết luận, thiếu thuyết phục, đi ngược lại với tinh thần tại thông báo số 47 của Chủ tịch huyện Phú Bình.

Bà H. cho hay “Bà Thao ra văn bản số 475 nội dung không thụ lý vì cho rằng thiếu căn cứ là “ngược” với văn bản thông báo số 47 thụ lý vụ việc của ông Chủ tịch huyện. Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền xác minh làm rõ để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật và có biện pháp kỷ luật nếu những cá nhân, đơn vị cố tình làm sai, bao che cho sai phạm cũng như đòi lại sự công bằng cho tôi.”

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

Bình An