Phú Quốc – Kiên Giang: Nghịch lý bản án có hiệu lực pháp luật bị “vô hiệu hóa”

Thảo Huyền

Hiện người khởi kiện và nhiều người dân tại xã Dương Tơ (Phú Quốc, Kiên Giang) đang cảm thấy bất bình vì bản án hành chính số 47/2017 của TAND tỉnh Kiên Giang có hiệu lực pháp luật đang bị một số kẻ tìm cách “vô hiệu hóa”.

Bản án thấu tình đạt lý

Ngày 29/8/2017, TAND tỉnh Kiên Giang ra bản án số 47/2017/HC-ST vụ “Khiếu kiện quyết định thu hồi đất, quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định cưỡng chế thu hồi đất” xảy ra tại huyện Phú Quốc.

Người khởi kiện là bà Lưu Thị Lúa (Ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang); Người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Phúc Quốc và UBND huyện Phú Quốc.

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Ngày 18/1/2011, UBND huyện Phú Quốc ban hành Quyết định số 861/QĐ-UBND thu hồi diện tích 23.163,2 m2 đất của gia đình bà Lúa để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch ven biển Bắc Bãi Trường tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Tại Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 21/1/2011 của UBND huyện Phú Quốc, gia đình bà Lúa chỉ được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư diện tích 10.576,2 m2; diện tích 12.587 m2 đất còn lại không được bồi thường vì chính quyền cho rằng đấy là đất rừng phòng hộ?!

Gia đình bà Lúa có đơn khiếu nại, yêu cầu được bồi thường quyền sử dụng đất diện tích 12.587 m2 nhưng không thành và đã làm đơn khởi kiện ra TAND tỉnh Kiên Giang.

Tại bản án số 47/2017/HC-ST, HĐXX tuyên: “Hủy một phần quyết định số 861/QĐ-UBND ngày 18/1/2011 của UBND huyện Phú Quốc về việc “thu hồi đất đối với bà Lưu Thị Lúa để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch ven biển Bắc Bãi Trường tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang” và một phần Quyết định 2337/QĐ-UBND ngày 24/5/2016 của UBND huyện Phú Quốc về việc “điều chỉnh quyết định 861/QĐ-UBND ngày 18/1/2011 của UBND huyện Phú Quốc để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch ven biển Bắc Bãi Trường tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang” về nội dung: Thu hồi diện tích đất chưa sử dụng 12.587 m2 tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đối với bà Lưu Thị Lúa.

Hủy một phần quyết định 1020/QĐ-UBND ngày 21/3/2015 của chủ tịch UBND huyện Phú Quốc về việc “giải quyết khiếu nại của bà Lưu Thị Lúa” về nội dung: Không thừa nhận khiếu nại yêu cầu bồi thường diện tích 12.587 m2 đất tại phương án quy hoạch khu du lịch ven biển Bắc Bãi Trường do công ty Cổ phần Chín Chín Núi làm chủ đầu tư tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đối với bà Lưu Thị Lúa.

Hủy toàn bộ quyết định 3886/QĐ-CC ngày 1/6/2016 của chủ tịch UBND huyện Phú Quốc về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với bà Lưu Thị Lúa.

Kiến nghị UBND huyện Phú Quốc phải ban hành quyết định thu hồi đất đối với diện tích 12.587 m2 của bà Lưu Thị Lúa và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho bà Lúa nếu thu hồi phần đất này để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật…”.

Nhiều cơ quan chức năng vào cuộc

Sau khi bản án số 47/2017 của TAND tỉnh Kiên Giang có hiệu lực pháp luật, ngày 20/11/2017, Cục thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang ra văn bản số 13 thông báo về việc tự nguyện thi hành án hành chính gửi đến UBND huyện Phú Quốc, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc.

Theo đó, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản án số 47/2017 ngày 29/8/2017 của TAND tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc, chủ tịch huyện Phú Quốc phải thi hành đúng nội dung bản án đã tuyên…

Liên quan đến việc bà Lưu Thị Lúa yêu cầu bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi diện tích 12.587 m2 đất nói trên, Ban dân nguyện - Ủy ban thường vụ Quốc hội;Văn phòng Chính phủ, Thanh tra bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã vào cuộc.

Trong khi bà Lúa chờ quyền lợi được đáp ứng thì ngày 13/8/2020, UBND huyện Phú Quốc tổ chức cưỡng chế thu hồi 10.576,2 m2 đất của gia đình.

Để có thông tin đa chiều, PV đến trụ sở UBND huyện Phú Quốc để làm việc. Thông tin từ UBND huyện Phú Quốc cho hay: Ngày 7/8/2018, Hội đồng tư vấn xã Dương Tơ có biên bản số 65 về xét duyệt nguồn gốc đất cho các hộ dân thuộc dự án. Trong đó, nội dung xét duyệt nguồn gốc đất cho bà Lưu Thị Lúa đối với phần diện tích đất 12.587 m2, cụ thể: “Vào năm 1976- 1977 gia đình bà Lúa có khai phá trồng lúa được khoảng 3 năm thì không canh tác nữa. Đến khi quy hoạch, hiện trạng là tràm tự nhiên (tràm nước), bưng nước”.

Từ kết quả xét duyệt, đối chiếu chính sách pháp luật, UBND huyện Phú Quốc thấy chưa đủ cơ sở để lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho bà Lúa.

Nhiều chuyên gia pháp lý và dư luận cho rằng, cách làm việc của chính quyền UBND huyện Phú Quốc có dấu hiệu không bình thường với mục đích nhằm “vô hiệu hóa” Bản án số 47/2017 của TAND tỉnh Kiên Giang đã có hiệu lực pháp luật.

Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

PV