Nhiều tuần qua, chị P.T.T., có con học mầm non ở Q.7, TPHCM băn khoăn mãi đợt rồi mình không tặng quà nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Từ hôm giờ, con đi học về khóc hay có chuyện gì là người mẹ lại nghĩ ngay đến việc, có lẽ nào vì mẹ quên quà?
Chị dự định sẽ tặng bù quà cho cô giáo vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới. Và giờ chị đang "đau đầu" nghĩ nên tặng cô món quà gì "nhìn được được", kèm với bì thư.
Không nói ra nhưng cũng có thể hiểu, chị mong qua món quà "tri ân" của mình, cô giáo sẽ quan tâm, chăm chút con mình hơn.
Tình thầy trò giá trị hơn bất kỳ món quà tặng nào (Ảnh minh họa)
Không ít phụ huynh tặng quà cho giáo viên dịp lễ chung tâm trạng như chị T. Những người này đặt mong muốn, kỳ vọng của mình bên cạnh sự tri ân và cao hơn cả sự tri ân.
Vậy nên mới có chuyện phụ huynh nặng lòng, "đau đầu" nghĩ xem tặng quà thầy cô bao nhiêu là vừa, có bị "nhẹ" không, liệu cô thầy có hài lòng không. Giá trị lớn nhất của quà tặng là sự tri ân dường như đã bị biến tướng.
Nhiều người khi chọn trường cho con, chọn trường tư, mô hình quốc tế với lý do "tế nhị nhưng có thật": để khỏi lo chuyện quà cáp, phong bì cho thầy cô!
Trong một tọa đàm về nghề giáo mới đây, một chuyên gia giáo dục ở TPHCM đặt ngược lại vấn đề khiến nhiều người suy ngẫm. Việt Nam luôn tự hào mình có tinh thần tôn sư trọng đạo, nhưng thật sự hiện tại, chúng ta có tôn sư trọng đạo hay không? Hay chúng ta học vì bằng cấp, công danh, xem người thầy là "công cụ", là viên gạch để cho những cánh cửa mà mình cần bước đi.
Một ý kiến khác bày tỏ, hiện có sự đổ gãy trong quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên. Khi đối diện với giáo viên, phụ huynh không xem người thầy là người dẫn dắt con mình, họ xem đó là cuộc đấu tranh giữa công dân và người đại diện cho quyền lực.
Có lẽ với mối tương quan như vậy đã dẫn đến hai cách ứng xử từ phụ huynh: hoặc là phản ứng, tấn công rất gay gắt, hoặc là tìm mọi cách "mua chuộc".
Cần sự công tâm từ người thầy
Quà tặng tri ân nhưng giờ đây, đó là vật chứng cho sự mất niềm tin giữa mối quan hệ giữa hai chủ thể được xem là chủ chốt trong giáo dục.
Thực tế, không phải không có những nhà giáo "bên nặng bên nhẹ", có cách hành xử thiếu công tâm với học sinh xuất phát từ những vấn đề như học sinh có đi học thêm không, bố mẹ có quà cáp ra sao...
Chính điều này góp phần khoét sâu vào tâm lý lo lắng của phụ huynh, khoét sâu vào niềm tin giữa hai bên dành cho nhau.
Cô Tô Thụy Diễm Quyên, cựu giáo viên Trường THCS Minh Đức, Q.1, TPHCM, người được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, tâm tư tất cả mọi người trên Trái đầy này đều cần cố gắng nhất có thể để tạo ra sự công bằng.
Vậy nhưng, thật buồn lòng khi vẫn có những thầy cô giáo kỳ thị với gia thế của học sinh. Họ đối xử trân trọng với những đứa trẻ mà bố mẹ là quan chức hoặc giàu có lắm tiền nhiều của và tặng cho thầy cô những món đồ đắt đỏ, phong bì nặng trịch.
Nhiều người quên mất một điều rằng chính chúng ta phải dạy cho trẻ không được kỳ thị, phải công bằng, phải nhân ái.
Theo cô Diễm Quyên, sự công bằng và tình yêu thương của thầy cô rất quan trọng với học trò. Những khoảnh khắc yêu thương và được yêu thương ấy chính là năng lượng của sự tử tế và dẫn dắt bọn trẻ luôn hướng đến giá trị của tinh thần. Càng cho đi thì chúng ta càng giàu có...
Trước sự đổ vỡ của quà tặng tri ân, hiện nay không ít trường học có quy định giáo viên không được phép nhận quà của phụ huynh, học sinh; yêu cầu phụ huynh không tặng quà cho thầy cô giáo.
Một mối quan hệ thiêng liêng bị đổ vỡ niềm tin, phải dùng đến những biện pháp "cứng", công khai. Đó hẳn là một dấu nặng lòng trong mỗi người...
Quà tặng có mang ý nghĩa trân trọng, tri ân hay không là vấn đề không cần phải tranh cãi. Bởi nó nằm ngay trong lòng của chính người tặng và người nhận.