Để đến bản Sậy, từ trung tâm TP Thanh Hóa phải đi xe mất chừng 4 giờ đồng hồ. Mỗi khi có việc cần xuống trung tâm huyện Quan Hóa, người dân xã Trung Thành, Thành Sơn lại phải đánh vật với con đường trơn trượt đầy hố voi, ổ gà để đi vòng qua Vạn Mai (tỉnh Hòa Bình).
Trên hành trình tìm đến bản Sậy, cơn mưa rừng đầu tháng 4 bất ngờ đổ xuống khiến trời nhanh tối và đường trơn hơn. May mắn, chúng tôi vẫn kịp tới nơi và được già làng Hà Văn Quynh dẫn đi thăm bà con trong bản.
Theo lời già Quynh, bản Sậy có khoảng gần 80 hộ dân, cuộc sống nơi đây chủ yếu dựa vào đánh bắt cá trên sông Mã, trồng ngô, sắn, làm nông theo phương thức từ ngàn đời trước. Chính vì thế cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
Khi nghe tin địa phương có dự án nhà máy thủy điện, lại đặt gần bản nên người dân ai cũng vui mừng. “Khi thấy cán bộ về đo, vẽ, kháo sát, ai cũng khấp khởi mừng. Đến khi họ mang thiết bị, máy móc về thi công thì cả bản ăn mừng. Khi ấy chúng tôi nghĩ bản chúng tôi nằm bên cạnh bờ sông Mã, giữa 2 nhà máy thủy điện lớn Thành Sơn và Trung Sơn thì chắc chắn không sớm thì muộn điện sáng sẽ phủ khắp nơi này”, cụ Quynh hào hứng kể.
Nhà máy thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa.
Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, bao nhiêu mơ ước và chờ đợi một ngày ánh sáng văn minh sẽ đến với vùng đất khó này cứ lụi tàn theo thời gian. Hai nhà máy thủy điện hoàn thành xây dựng, phát điện hòa vào điện lưới quốc gia từ lâu nhưng bản Sậy vẫn phải nuôi tiếp khao khát thoát khỏi ánh đèn dầu leo lắt.
“Chúng tôi sống ngần này tuổi, gần đất xa trời tới nơi rồi, lay lắt với ánh đèn dầu cũng thành quen. Nhưng con cháu chúng tôi lớn lên, không có điện đêm hôm phải học bài cùng mùi dầu, mùi xăng với ánh sáng chập chờn rất tội. Gia đình tôi muốn phát triển kinh tế, chạy máy xay sát mà không có điện cũng bó tay. Không có điện cuộc sống nơi này bị ghì chặt vào đói nghèo, lạc hậu”, một người dân than thở.
Khi chúng tôi tới được nhà ông Hà Văn Lân, Trưởng bản Sậy cũng là lúc trời chập tối. Thấy có khách, nên gia chủ mới thắp thêm một ngon đèn dầu, tôi bấm bụng, chắc là họ đang muốn tận dụng ánh sáng trong bếp lửa.
Ông Lân cho biết: "Kể từ khi bản được thành lập (năm 1935) đến nay, bản Sậy có 78 hộ dân, khoảng 400 nhân khẩu sinh sống. Chuyện bà con mong có điện sáng đã được kiến nghị tại các cuộc họp, cuộc tiếp xúc cử tri không phải một lần mà rất nhiều lần. Niềm vui đến với bà con khi năm 2010, bản đã có quy hoạch để kéo điện lưới, nhưng không hiểu lý do gì, đến nay vẫn chưa được cấp điện và không có hồi âm. Nhất là vào thời điểm dịch Covid, mà dân chúng tôi không có cái tivi để theo dõi thông tin, cứ mù tịt cả anh ạ”.
Ông Hà Văn Lân, Trưởng bản Sậy trao đổi với PV.
Không có điện đồng nghĩa với việc không có các kênh thông tin để khai phá tư duy, cách làm của người dân nơi đây. Chính vì thế vòng tròn đói, nghèo, thất học cứ kìm chặt họ chưa biết khi nào mới thoát ra được.
Một số hộ gia đình buộc phải thích ứng để thay thế chiếc đèn dầu. Hộ có điều kiện thì mua ắc quy, khi nào dùng hết điện lại mang đi sạc hoặc đổi. Một số người như trường hợp của anh Hà Văn Thiệp thì tự tạo điện để dùng.
Theo đó, họ mua Tuabin cùng với hàng trăm mét dây dẫn về đặt ở suối Cú. Lợi dụng dòng nước để phát điện. Tuy nhiên, điện chập chờn và rất yếu, chỉ thắp sáng được bóng đèn, ngoài ra, không sử dụng được bất kỳ thiết bị điện nào nữa cả.
Thêm một điểm bất tiện là Tuabin dễ bị nước lớn cuốn trôi hoặc cây cối làm hỏng. Những hôm như vậy, dân lại phải “chung thủy” với chiếc đèn dầu từ xa xưa.
Tuabin lợi dụng sức nước do người dân tự chế.
Hơn lúc nào hết, người dân bản Sậy mong ngóng các cấp xem xét để sớm đưa điện về với bà con. Có điện sáng sẽ mang ánh sáng văn minh, kênh thông tin khác nhau để người dân phát triển kinh tế, xua đi cái đói, cái lạc hậu bủa vây bao năm qua. Để những đứa trẻ ê a học bài với ước mơ rộng mở.