Vì sao người dân các xã sống ven bãi rác Nam Sơn liên tục chặn xe chở rác, và mỗi một lần xảy ra sự việc, các quận của Hà Nội bị ùn ứ hàng ngàn tấn rác thải sinh hoạt vì không có chỗ đổ, khi đó mới giật mình về một điều chưa bao giờ nghĩ nghiêm túc: Cuộc sống sẽ ra sao nếu không có rác?
GS.TS Đặng Kim Chi, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về kỹ thuật bảo vệ môi trường làng nghề Việt Nam chia sẻ những câu chuyện về rác.
Vận chuyển rác có vấn đề, chôn lấp không đúng quy trình
Thưa GS.TS Đặng Kim Chi, câu chuyện người dân sống gần các bãi rác lớn như Nam Sơn thường xuyên ngăn đường, chặn xe rác qua nhiều năm nay vẫn lặp lại. Lời giải của vấn đề này như thế nào, và mấu chốt của nó từ đâu?
Không phải bây giờ mới có chuyện dân tụ tập phản đối xe rác. Tôi nhớ khoảng 20 năm trước, khi còn Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường Hà Nội, chưa sáp nhập với Hà Tây, chính người dân Sóc Sơn đã chặn một loạt xe rác. Giám đốc Sở đã phải trực tiếp lên đó, rồi đưa ra phương án làm một con đường dài 16km trải bê tông để xe chở rác đi đường riêng, từ đó người dân mới đồng ý.
GS.TS Đặng Kim Chi trong chuyến thực tế tại mỏ vàng Phước Sơn
Có một thời kỳ dài, người dân các xã lân cận bãi Nam Sơn mưu sinh từ rác. Họ vào đó nhặt, phân loại rác tại chỗ, loại nào bán được… Nhiều người đã xây được nhà từ việc vào nhặt rác.
Bây giờ, diện tích chôn lấp ngày càng nhiều lên, chiếm rất nhiều diện tích đất của bà con. Nhiều thôn, xóm phải thu hồi đất, tái định cư cho người dân để lấy đất làm bãi chôn lấp rác. Hơn nữa, công nghệ xử lý không hoàn toàn hợp vệ sinh, tuân thủ môi trường. Ví dụ như đường vận chuyển, xe chở rác đi qua thôn xóm mà để mùi hôi thối, để rơi nước rỉ rác… thì thôn xóm nào chịu được.
Cách đây khoảng 5 năm tôi lên vùng Đại Lải (Vĩnh Phúc). Ở đây, người ta định làm bãi chôn lấp mới nhưng tất cả người dân đều phản đối. Họ nói, làm đâu thì làm nhưng không được đi qua đường của họ, mà không đi qua đường làng thì làm sao đến được điểm tập kết rác. Thế là cuối cùng phải chịu.
Như vậy, khâu vận chuyển của chúng ta có vấn đề, và phương pháp chôn lấp rác để lại hậu quả rất nặng nề vì chúng ta chôn không đúng theo quy trình, nước rỉ rác thấm ra qua suối, vào nước sông gây ô nhiễm cả một vùng; sau đó khí rác lại phát tán ra môi trường. Trong quá trình phân hủy toàn là khí có mùi, khí độc lại tỏa ra mà chúng ta không thu hồi được.
Đặc biệt, chúng ta đã không phân loại để làm giảm thiểu chất thải rắn buộc phải chôn lấp. Nếu phân loại cái gì có thể tái chế được, ta lấy ra một phần. Có tới 20 - 30% có thể tái chế được, cái gì có thể tái sử dụng được cũng tới 10 - 15%, cái gì có thể làm vật liệu xây dựng được (như đóng gạch không nung làm hàng rào, làm bờ tường, làm vật liệu san lấp) cũng là 20 - 30%...
Như vậy, nếu phân loại tốt, chúng ta loại trừ được rất nhiều, và tỷ lệ đưa đi chôn lấp cuối cùng chỉ còn khoảng 10 - 30% tổng khối lượng rác thải, thì như thế diện tích chôn lấp sẽ giảm đi rất nhiều, và cuối cùng không dẫn tới những vấn đề chiếm đất để chôn lấp rác.
Người nhặt rác - lực lượng không ngờ
Việt Nam mới tận dụng được bao nhiêu phần trăm rác theo tỷ lệ mà bà vừa phân tích?
Theo tôi thì rất thấp. Tỷ lệ tái sử dụng chỉ được đến 20%. Ngày trước tôi tham gia một dự án, làm việc với một giáo sư người Canada. Bà nói với tôi, Việt Nam có một lực lượng không ai ngờ tới, đó là những người nhặt rác - họ đã làm nhiệm vụ phân loại rác rất tốt: cái gì có thể tái chế, tái sử dụng được họ đều nhặt ra hết.
Rác thải sinh hoạt ngập đường phố Hà Nội tháng 10 vừa qua sau khi người dân ven bãi rác Nam Sơn chặn đường xe chở rác. Ảnh: Kiên Trung
Ở các nước không có lực lượng đi nhặt rác như thế đâu. Họ đã làm nhiệm vụ phân loại rác ngay tại điểm cuối cùng, lao động thủ công thu hồi lại những vật liệu có thể tái chế. Nhưng lực lượng này sẽ không duy trì được lâu bởi nó tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro về bệnh tật, truyền nhiễm…
Tại Hà Nội, mật độ các tòa nhà chung cư rất lớn. Nhiều tòa chung cư sử dụng đường ống thu gom rác, điểm tập kết cuối cùng là tầng hầm của tòa nhà. Như thế, luật Bảo vệ Môi trường đang được sửa đổi, nếu có đưa thành chế tài thì cũng không bao giờ áp dụng được?
Tôi biết. Ngay như trong trường hợp này, đã có gì đó không thuận cho tất cả nếu như chúng ta áp dụng luật. Cho nên, ngay khi đóng góp ý kiến xây dựng luật, tôi cho là luật không cần cụ thể quá, luật chỉ cần nêu người dân có trách nhiệm phân loại rác từ đầu nguồn.
Ở đây, có thể đưa ra quy định, người dân phân loại rác thải nhưng không cần áp buộc phải đựng trong các túi chia theo màu sắc cụ thể. Tôi lấy ví dụ, luật BVMT đưa ra việc phải tuân thủ phân loại rác, mỗi loại đựng trong một túi nilon có màu sắc khác nhau, và mẫu túi đó do một đơn vị được chỉ định làm. Như thế rõ ràng sẽ phát sinh tiêu cực.
Những túi chứa rác này thả xuống theo đường ống gom rác, người tiếp nhận sẽ có trách nhiệm đưa mỗi loại rác thải (theo màu túi đựng) chia vào các xe chứa rác, nếu như vậy mới có thể khả thi được.
Rác là tài nguyên
Như bà phân tích ở trên, có thể hiểu rác là một loại tài nguyên. Khi phân loại, tái chế, tái sử dụng, rác sẽ là một nguồn nguyên liệu quý, các đơn vị tham gia xử lý rác thải cũng nhận được nguồn lợi lớn?
Đó là một trong những miếng bánh mà các đơn vị muốn được làm, có những việc cạnh tranh, phải "chạy" để có giấy phép thu gom, xử lý rác… Lợi nhuận mang lại từ rác cực kỳ lớn, được hưởng những ưu đãi trong thuê đất, được hỗ trợ vay vốn dài hạn…
Ví dụ thu gom rác tại một quận của Hà Nội, ngày hôm nay là công ty A, nhưng nếu công ty này không chăm sóc, không này kia thì chỉ vài tháng sau, sẽ lại là một công ty B đi thu gom rác. Nếu không có rác, thì nhà máy xử lý không đủ công suất sẽ phải đóng cửa, không vận hành được, và đồng nghĩa với việc không có tiền.
Có những lĩnh vực xử lý rác thải nguy hại, độc hại, không phải ai cũng được làm, rất kinh khủng, rất khốc liệt, nó là một chiến trường chứ không phải dễ dàng.
Thực ra, không phải các nhà máy rác không muốn phân loại rác. Phân loại là ra tiền. Nếu đem chôn lấp, anh được 350 ngàn/tấn; nhưng nếu anh nhặt, phân loại được bao nhiêu nhựa, bao nhiêu sắt thép, đồ nhựa…, nếu bán đi thì lợi nhuận lớn hơn rất nhiều. Tiền bán đi, là tiền của anh, mà vẫn được nhà nước trả tiền xử lý, chôn lấp rác thải.