Tại sao bạn nên rửa thực phẩm tươi sống?
Đại dịch toàn cầu hay không thì rửa trái cây và rau quả tươi đúng cách là một thói quen tốt cần thực hiện để giảm thiểu việc ăn phải các chất cặn bã và vi trùng có hại.
Trước khi bạn mua thực phẩm từ chợ, siêu thị, chúng đã qua khâu xử lý từ nhiều người: thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, bày hàng… Tốt nhất, bạn hãy mặc định mọi bàn tay chạm vào sản phẩm tươi đều không sạch. Tiếp theo, rau quả “mình trần” trong siêu thị, trong chợ có thể “hứng trọn” virus khi người bán hoặc khách mua bị ho, hắt hơi… Đấy là chưa kể bụi bẩn từ môi trường xung quanh. Ý thức rõ ràng điều này sẽ giúp chúng ta bớt chủ quan khi rửa thực phẩm qua loa dưới vòi nước vài giây và tin rằng đã sạch.
Rửa trái cây và rau quả tươi cẩn thận trước khi ăn có thể làm giảm đáng kể các chất cặn bã còn sót lại trước khi chúng “hạ cánh nơi bếp” nhà bạn.
Ngoài các bệnh do thực phẩm gây ra, các loại thuốc trừ sâu được sử dụng để ngăn bọ và côn trùng cũng có thể gây hại theo cách riêng của chúng. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thuốc trừ sâu có thể liên quan đến ung thư. Do đó, rửa thực phẩm tươi không bao giờ thừa cả!
Rửa thực phẩm như thế nào là đúng nhất?
Rửa thực phẩm thật ra không khác gì quy trình rửa tay cả. Bạn có thể rửa kỹ thực phẩm giống như cách chính phủ khuyến nghị người dân rửa tay (với thời gian tối thiểu là 20 giây).
Nhiều người sử dụng nước rửa rau, nước muối hay thuốc tím ngâm rau quả để có thể yên tâm hơn, nhưng các chuyên gia cho rằng không cần thiết. Chỉ cần dùng vòi nước đang chảy là đủ.
Dưới đây là một số mẹo làm sạch thực phẩm:
- Trước tiên hãy rửa tay: Điều quan trọng là phải đảm bảo tay của bạn sạch sẽ trước khi chạm vào thực phẩm tươi. Trước khi rửa thực phẩm, hãy rửa tay sạch bằng xà phòng và nước.
- Loại bỏ các phần thực phẩm bị thâm hoặc bị hư: Đôi khi bạn đã chọn rau củ quả thật kỹ, nhưng vẫn sót vài quả bị thâm đen, úng, thủng, mốc… Hãy cắt bỏ những phần hư trước khi rửa và sơ chế.
- Xem kỹ các thực phẩm đóng gói: Mặc dù hầu hết các sản phẩm đóng gói sẵn thường sạch sẽ, nhưng vấn đề là bạn khó kiểm tra xem bên trong có nấm mốc hay không. Vì vậy, bạn nên xem ngày sản xuất/đóng gói và cố gắng kiểm thật kỹ hoặc chọn mặt hàng nào mà bạn chắc chắn vẫn tươi ngon khi mua.
- Rửa thực phẩm thật kỹ: Để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua thực phẩm do vi khuẩn, chúng ta nên rửa và chà sạch rau củ quả dưới vòi nước chảy trước khi ăn hoặc nấu.
Lưu ý rằng, nếu bạn rửa thực phẩm rồi bảo quản ngay trong tủ mát, rau củ quả ẩm ướt rất nhanh hỏng, đồng thời môi trường ẩm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Tốt nhất, bạn hãy rửa và để thật ráo hoặc thấm khô trước khi bảo quản trong hộp kín.
Đối với các loại trái cây có vỏ không ăn được, bạn cần chà rửa sạch trước khi gọt, để chất bản và vi khuẩn trên vỏ không bám vào thịt trái cây trong quá trình bạn gọt.
- Cho thực phẩm “tắm” dưới vòi nước: Thay vì xả nước đầy bồn rửa hoặc thau rồi ngâm rau củ quả, trước tiên bạn cần rửa thực phẩm tươi dưới vòi nước chảy. Sau đó, nếu cẩn thận hơn, bạn có thể ngâm rau củ quả với thuốc tím, nước muối, dung dịch rửa rau (chọn nhãn hiệu uy tín, hữu cơ, thân thiện môi trường).
- Cẩn thận với bồn rửa: Nơi thoát nước của bồn rửa tập trung nhiều vi khuẩn, cho dù bạn vệ sinh hàng ngày. Do đó, bạn nên dùng thau để ngâm rửa thực phẩm, thay vì ngâm trực tiếp trong bồn. Nếu muốn dùng bồn, bạn cần đảm bảo đấy là bồn dành riêng để rửa rau củ quả.
Một số loại trái cây và rau có cần được rửa khác hoặc kỹ hơn những loại khác không?
Nói chung, rửa tất cả thực phẩm rau củ quả theo gợi ý như trên là đủ an toàn cho chúng ta. Dưới đây là một số lưu ý khi rửa các loại rau củ quả phổ biến nhất.
Táo và các loại trái cây có thể ăn cả vỏ hoặc gọt vỏ tương tự (ổi, mận Hà Nội…): rửa dưới vòi nước mạnh, dùng tay sạch chà lớp vỏ. Nếu kỹ hơn, bạn có thể ngâm trái cây với thuốc tím, nước muối, dung dịch rửa hoa quả organic trong 10 phút.
Thảo mộc tươi: Rừa nhẹ nhàng dưới vòi nước để tránh bị dập nát. Sau đó bạn để ráo nước, dùng khăn giấy thấm khô, bọc trong khăn giấy và trữ ở tủ mát nếu không dùng ngay.
Nho và dâu tây: Đối với những loại quả nhỏ, mềm, dễ dập nát như dâu tây hoặc nho, hãy đặt quả mọng vào một cái rổ inox và rửa sạch dưới vòi nước, sau đó để ráo. Dùng khăn giấy hoặc khăn vải sạch thấm khô trái cây trước khi bảo quản.
Rửa nho
Rửa dâu tây
Các loại rau búp: Đối với các loại rau như bắp cải có lá bên ngoài, bạn nên bỏ lớp lá bám bẩn bên ngoài và ngâm rau cải trong nước mát, sau đó rửa sạch.
Cà chua, dưa leo: Cà chua rửa dưới vòi nước, dùng tay sạch chà lớp vỏ bám bẩn. Bạn cũng có thể dùng nước rửa chén để rửa cà chua, mục đích cho chất bẩn và các vi sinh vật trôi theo dòng nước. Dưa leo cũng rửa tương tự và bào vỏ.
Rửa cà chua
Rửa dưa leo
Các loại dưa, dưa lưới, dứa (thơm), khổ qua: Đối với những loại trái cây, quả có vỏ cứng, xù xì, bạn nên dùng bàn chải chà rửa lớp vỏ ngoài cho thật sạch.
Rửa bắp
Các loại củ: Đối với khoai tây và các loại củ khác, bạn có thể sử dụng bàn chải chuyên dùng cho thực phẩm để giúp loại bỏ đất cát dưới vòi nước.
Rau ăn lá: Những loại rau này rất dễ bị úng nếu bạn mua số lượng nhiều, rửa một lượt rồi trữ trong tủ lạnh. Vì thế, bạn nên chế biến ngay sau khi mua. Rau nhặt sạch lá, bỏ gốc già, rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước. Quá trình chế biến dưới nhiệt độ cao có thể giúp loại bỏ vi khuẩn còn sót lại. Với rau thơm (ăn lá không qua chế biến), tốt nhất bạn nên ngâm qua thuốc tím, nước muối hoặc dung dịch rửa rau.
Rửa rau ăn lá
Còn các thực phẩm khác thì sao?
Thịt, cá, trứng, nấm, đậu hũ, các loại đậu, đồ khô có bao bì, thực phẩm đóng hộp… cần được khử trùng như thế nào trước khi dùng?
Nguyên tắc chung của khử trùng thực phẩm (hoặc bất cứ món đồ nào khác) là để tránh hai con đường nhiễm khuẩn:
- Nhiễm từ tay bạn (do tiếp xúc với nguồn virus từ nơi khác) sang thực phẩm sạch
- Nhiễm từ thực phẩm có virus sang tay bạn, từ đó truyền bệnh cho bạn
Đây là cách vệ sinh thực phẩm mà bạn có thể tham khảo:
Rửa tất cả những gì có thể rửa: Khi bạn mua thực phẩm về, hãy xếp chúng vào một khu vực tránh xa nhà bếp, phòng ăn và trẻ nhỏ. Dùng cồn lau rửa tất cả bao bì thực phẩm, để riêng một nơi sạch sẽ cho khô ráo, sau đó mới xếp vào tủ lạnh, tủ thức ăn.
Với thực phẩm tươi như thịt, cá, nấm, trứng…, bạn rửa kỹ dưới vòi nước (trừ trứng), để ráo, sau đó sơ chế rồi chế biến hoặc trữ trong tủ đông.
Trứng gà có thể lau sạch, vì rửa sẽ làm hỏng trứng.
Cất vào hộp kín những thực phẩm không thể rửa: Các loại gạo, nếp, đậu, hạt, gia vị… nên cho vào hộp riêng nếu bạn chưa thể nấu chín ngay. Khi cần dùng, bạn đừng quên vo sạch trước khi nấu.
Các biện pháp phòng ngừa bổ sung trong mùa đại dịch
Nếu bạn vẫn cảm thấy lo lắng về mức độ lây lan của đại dịch trên toàn cầu hiện nay, một số mẹo bổ sung có thể hữu ích cho bạn.
Sử dụng găng tay: Một trong những điều an toàn nhất bạn có thể làm trong thời đại coronavirus là sử dụng găng tay để mở và vứt bỏ bao bì ngay lập tức. Tỷ lệ nhiễm COVID-19 từ thực phẩm là rất thấp – cho đến lúc này, nhưng rửa sạch mọi thứ là cách tốt để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Ngoài ra, bạn cũng có thể mang găng tay khi đi chợ, siêu thị, để tránh chạm trực tiếp vào những món hàng in dấu biết bao người.
Làm sạch nhà bếp: Việc dọn dẹp nhà bếp và các khu vực sơ chế thực phẩm (ngoài bàn tay của chính bạn) cũng là chìa khóa để tránh bất kỳ loại vi trùng, vi khuẩn, virus không mong muốn nào. Bạn đừng quên dùng cồn 70 – 90 độ khử trùng mặt bàn trước khi đặt thực phẩm lên, và sau khi sơ chế xong, bạn sẽ khử trùng lần nữa.
Ngoài ra, hãy thận trọng với vòi nước và đảm bảo khử trùng các núm/vòi. Bạn có thể mở vòi khi tay bẩn và sau đó tắt vòi bằng tay sạch sau khi rửa. Sau đó, bạn vặn lại vòi để rửa thực phẩm, và có khả năng tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus trên vòi.
Rửa tay: Rửa sạch thực phẩm quan trọng đấy, nhưng rửa tay khi xử lý thực phẩm còn quan trọng hơn. Đối với coronavirus, hãy đảm bảo rằng bạn rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi xử lý thực phẩm.
Ăn chín uống sôi: Nếu bạn lo xa hơn, hãy chế biến rau củ quả thay vì ăn sống. Một số món có thể giảm vị ngon nếu không ăn tươi, nhưng bù lại, bạn cảm thấy yên tâm hơn.
Tuyệt đối không trữ thực phẩm chưa khử trùng cùng với thực phẩm sạch: Thực phẩm nào chưa qua xử lý, bạn hãy xếp riêng một góc và tránh chạm vào. Không trữ rau củ quả mới mua ở chợ/siêu thị vào tủ lạnh để tránh nhiễm khuẩn các thức ăn khác.
Khử trùng thực phẩm không bao giờ là việc thừa thãi, bởi ngoài coronavirus, thế giới còn có hàng triệu loài virus gây bệnh khác cho con người. Chúng ta có thể hạn chế tối da tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nhưng ăn uống là nhu cầu tối thiểu, khó tránh việc nấu nướng, tiếp xúc với thực phẩm hàng ngày.
Khi khử trùng thực phẩm dần trở thành thói quen, bạn sẽ không còn cảm thấy “quá phiền” nữa. Ít nhất, sự cẩn trọng này sẽ bảo vệ bạn và gia đình trong thời COVID.