Nguy cơ mất nhà vì “sập bẫy” đa cấp
Giữa năm 2015, một công ty đa cấp mở chi nhánh tại quận Long Biên (Hà Nội) đã thu hút sự tham gia của hàng trăm khách hàng, chủ yếu là người già. Công ty này giới thiệu về sản phẩm dưỡng sinh có công dụng thần diệu, có sức tiêu thụ lớn trên thị trường nên huy động người dân góp vốn kinh doanh.
Để dụ các nạn nhân bỏ tiền đầu tư đa cấp, các đối tượng đã móc nối cho người dân đi vay tiền với lời hứa lãi suất thấp, chỉ cần làm một hợp đồng thế chấp nhà, trong đó có điều khoản ghi rõ về việc tạm thời chuyển nhượng nhà. Bị mụ mẫm bởi các lời mời chào, các nạn nhân này sẵn sàng thế chấp tài sản để vay tiền của công ty bên ngoài với lời giới thiệu lãi suất thấp, khoảng 7%/năm.
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Bắc (68 tuổi, trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) - một trong những nạn nhân đã thế chấp ngôi nhà trị giá 7 tỷ đồng của mình cho công ty TNHH đầu tư Thương mại & Dịch vụ TDH chỉ để lấy 600 triệu đồng. Từ nhiều năm nay, cuộc sống gia đình bị đảo lộn, chồng bà Bắc vì quá bức xúc mà đổ bệnh nhập viện. Sống trong những chuỗi ngày bất an vì ngôi nhà của mình nhưng đã bị người khác đứng tên, ngân hàng đã nhiều lần thông báo thu hồi, bà Bắc cảm thấy hối hận.
Tin vào đa cấp trái phép khiến nhiều người đứng trước nguy cơ mất nhà.
“Bản thân không am hiểu pháp luật, cũng chỉ vì lòng tham mà giờ tôi khiến con, cháu mình có nhà cũng như không. Chồng tôi do bức xúc trước sự việc nên đổ bệnh phải nhập viện. Sau khi ra viện thì lại tiếp tục phát bệnh tâm thần, còn bà thì vẫn nhận được thông báo yêu cầu thu nhà với tiền lãi ngày một tăng”, bà Bắc nói.
Tương tự bà Bắc, chỉ vì trót tin vào lời chào mời tham gia kinh doanh đa cấp, bà Nguyễn Thị Tỵ như ngồi trên đống lửa khi ngôi nhà mặt đường số 389 Ngô Gia Tự (phường Đức Giang, Long Biên) cũng bị chuyển nhượng. Lợi tức chưa được lĩnh thì công ty đóng cửa, ngân hàng thông báo thu nhà thì bà mới té ngửa khi biết nhà của mình đã bị người khác đứng tên từ bao giờ. “Tôi già rồi, lại không có hiểu biết nên mới bị họ lừa. Tôi hối hận lắm vì các con đã ngăn cản mà không nghe…”, bà Tỵ uất nghẹn.
“Bánh vẽ lòng tin” từ đa cấp
Những trường hợp như bà Bắc, hay bà Tỵ không phải là hiếm, họ chính là nạn nhân của hình thức kinh doanh đa cấp đã bị biến tướng. Trong những năm gần đây, hàng chục doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa cấp đã bị các cơ quan chức năng điều tra. Trong đó có nhiều vụ đã thu hút sự tham gia của hàng triệu người trên cả nước như: vụ lừa đảo tiền tỷ của các doanh nghiệp đa cấp liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử (iFan, Vncoins, Sky Mining); vụ xử phạt hàng trăm triệu đồng với các công ty Thường Xuân, Thiên Ngọc Minh Uy…
Hay mới đây, vụ lãnh đạo công ty Gold Time bị Cơ quan CSĐT bộ Công an tạm giữ khẩn cấp để điều tra làm rõ hành vi tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thu lợi bất chính lại một lần nữa khiến dư luận xôn xao.
Lãnh đạo công ty Gold Time đã “vẽ” ra rất nhiều dự án để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư.
Trước khi bị bắt, lãnh đạo công ty Gold Time đã “vẽ” ra rất nhiều dự án để tạo lòng tin cho các nhà đầu tư mua “phân quyền” với giá 3 triệu đồng, hưởng cổ tức hàng tháng; được chia thưởng từ 0,5 - 10% khi giới thiệu thành viên mới. Nếu đạt doanh số 1 tỷ đồng được lên tổng đại lý, đạt 5 tỷ đồng lên chức giám đốc kinh doanh… Để thu hút người mua thì công ty này đã cho người tham gia bằng mô hình đa cấp với mức chiết khấu cao, với gần 400.000 người tham gia.
Tựu chung, những vụ án lừa đảo có cùng một hình thức là tạo ra lợi nhuận cao và mô hình đa cấp để thu hút các nhà đầu tư, cá nhân tham gia. Những doanh nhân “nổ” đều cùng chung một phương thức hoạt động, đánh vào lòng tham người dân và ít hiểu biết về công nghệ, tài chính. Để thu hút người dùng thì những “ông thần” này cũng sử dụng các chiêu thức trong marketing như tổ chức sự kiện rầm rộ, tặng quà, thưởng lớn cho người tham gia…
Siết chặt quản lý, giám sát
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) – nhìn nhận, nhiều công ty kinh doanh đa cấp có các mánh lới lách luật để lừa người tiêu dùng, cũng bởi quy định pháp luật còn chưa chặt chẽ, rõ ràng, chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, cho nên các đối tượng sẵn sàng vì lợi nhuận mà chịu phạt để được tồn tại.
“Cụ thể, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm về bán hàng đa cấp là 200 triệu đồng, theo Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh là còn quá ít so với mức lợi nhuận thu về từ các hoạt động bất hợp pháp. Trong khi đó, khoản 1 Điều 23 luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định mức phạt tiền đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Hơn nữa, theo Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh bán hàng đa cấp thì chỉ có cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (bộ Công Thương) là có thẩm quyền. Vì vậy, dù phát hiện ra sai phạm, đơn vị cũng phải chờ quyết định xử phạt từ Cục này, thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian”, luật sư Hiệp phân tích.
Theo bộ Công Thương, chỉ còn có 20 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hợp pháp.
Cũng theo luật sư Hiệp, mẫu thông báo tiếp nhận doanh nghiệp bán hàng đa cấp được thống nhất từ Trung ương, trong đó không có quy định rõ doanh nghiệp phải ghi địa chỉ hoạt động cụ thể, thế nên nhiều doanh nghiệp “cố tình” bỏ trống mục này, thậm chí phần ghi “người liên hệ tại địa phương” cũng bị để trống. Đây chính là một trong những kẽ hở dẫn đến tình trạng lừa đảo trong kinh doanh bán hàng đa cấp mà nhiều địa phương không thể kiểm soát được. Chính sự lỏng lẻo trong các quy định về bán hàng đa cấp đã khiến cho các doanh nghiệp lợi dụng khe hở trục lợi bất chính, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý ở các địa phương.
Mới đây, cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (bộ Công Thương) cho biết, hiện chỉ còn 20 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hợp pháp. Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, có 12 doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Trong số đó, có 5 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận do không đáp ứng điều kiện mới; 1 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận do vi phạm điều cấm của Nghị định 40/2018/NĐ-CP; 2 doanh nghiệp không được gia hạn giấy chứng nhận do không duy trì các điều kiện theo quy định; 2 doanh nghiệp hết hạn giấy chứng nhận và không làm thủ tục gia hạn và 2 doanh nghiệp tự nguyện chấm dứt hoạt động. |
Nhận diện tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia Tội phạm học (bộ Công an) - cho hay, tội phạm lừa đảo trong kinh doanh đa cấp được thực hiện thông qua “mô hình kim tự tháp” - một hiện tượng biến tướng của phương thức kinh doanh đa cấp xuất hiện vào cuối những năm 1960 tại Mỹ. Hậu quả của tội phạm này là một mạng lưới người (gồm nhiều cấp, nhiều nhánh) tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp bị chiếm đoạt tài sản. Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia Tội phạm học (bộ Công an). Nghiên cứu về những đặc điểm pháp lý để nhận diện tội phạm trong kinh doanh đa cấp, ông có đánh giá như thế nào về loại hình tội phạm này? Ở Việt Nam, kinh doanh theo “mô hình kim tự tháp” đã được nhận diện và là hành vi bị cấm trong kinh doanh đa cấp. Đây là hoạt động huy động tài chính trái phép. Theo đó, doanh nghiệp yêu cầu người muốn tham gia mạng lưới kinh doanh phải đóng một khoản tiền nhất định (dưới nhiều danh nghĩa, hình thức khác nhau). Về bản chất là hoạt động huy động tài chính, gây quỹ trong một nhóm người được tổ chức thành nhiều cấp, nhiều nhánh. Số tiền người tham gia đóng vào doanh nghiệp, bị cấp trên của họ chiếm đoạt hoàn toàn. Để thu hồi vốn và được hưởng lợi nhuận từ mô hình này, người tham gia buộc phải tìm kiếm, dụ dỗ, lôi kéo thêm những người mới trở thành thành viên cấp dưới để đóng tiền cho họ. Những đối tượng ở trên đỉnh tháp (thuộc tầng cao nhất) nắm giữ các khoản tiền do thành viên mới đóng vào hệ thống, chi trả một phần chi phí vận hành hệ thống, trả thù lao cho tuyến dưới theo những tỷ lệ nhất định, số tiền còn lại thì bị các đối tượng chiếm hưởng. Khi không thể tìm được thêm người mới tham gia vào hệ thống, tức là không còn lượng tiền mới đóng vào, mạng lưới tất yếu sẽ đổ sập. Nạn nhân sẽ là những người ở cấp đáy tháp. Còn về thủ đoạn để cách chiếm đoạt tiền của người tham gia thì sao, thưa ông? Hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép vận hành trên sự lừa dối. Vì không có mục tiêu thúc đẩy hoạt động bán lẻ hàng hóa thực sự, nên để tạo lòng tin và đánh vào tính hám lợi nhằm lôi kéo người dân tham gia, doanh nghiệp đa cấp luôn cung cấp những thông tin sai sự thật về lợi ích của việc tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp, về tính chất, công dụng của hàng hóa, đặc biệt là tuyên truyền sai về thu nhập, tiền thưởng, lợi nhuận, hoa hồng mà những người đang hoặc sẽ tham gia vào hệ thống được hưởng, hoặc “vẽ” ra viễn cảnh giàu sang, không cần làm gì cũng có thu nhập cao. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong “mô hình kim tự tháp” được ẩn chứa dưới dạng các hợp đồng dân sự như: Thỏa thuận hợp tác kinh doanh đa cấp, hợp đồng đặt cọc mua hàng hóa, các biên bản thỏa thuận đóng phí, lệ phí, phiếu thu tiền dự hội thảo, hóa đơn mua tài liệu... Người tham gia do tin vào lời quảng cáo, tuyên truyền của doanh nghiệp hay của nhân viên tuyến trên, tưởng giả là thật, nên tự nguyện giao kết các hợp đồng dân sự, tự nguyện đóng tiền, phí, hoặc mua hàng hóa, dịch vụ, mua gói đầu tư của doanh nghiệp. Với đặc thù của hoạt động kinh doanh đa cấp này, mạng lưới người tham gia luôn vận động theo hướng mở rộng, phát triển thêm các tuyến, các nhánh, các tầng... cùng với nó là quá trình chiếm đoạt tài sản của người tham gia diễn ra liên tục, thông qua việc huy động tài chính trái phép, dồn hàng trái pháp luật, trao đổi hàng hóa không ngang giá, áp dụng chế độ trả thưởng nhị phân, chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn. Về hoạt động thu hút tài chính theo kiểu đa cấp vào các dự án bất động sản, tiền ảo, sản phẩm thông tin số hiện nay, ông đánh giá như thế nào? Hoạt động thu hút tài chính theo kiểu đa cấp vào các dự án bất động sản, dịch vụ du lịch, tiền ảo, sản phẩm thông tin số đang diễn ra rất phức tạp. Nhiều tổ chức, cá nhân hứa hẹn trả cho nhà đầu tư tiền lãi, tiền thưởng hay hoa hồng cao bất thường so với số tiền vốn bỏ ra ban đầu. Thực chất, các dự án hay sản phẩm này chỉ là vỏ bọc, là cái cớ để che đậy hoạt động huy động tiền. Bản chất của hành vi này vẫn là lấy tiền của người vào sau trả cho người vào trước, tuyến trên trong mạng lưới. Khi không còn người đóng tiền vào hệ thống thì tức khắc sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ mất tiền đã đầu tư. Về phương thức kinh doanh đa cấp thời 4.0, ông có đề xuất gì về giải pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo theo phương thức này? Hiện nay, khung pháp lý về tiền ảo vẫn chưa hoàn thiện. Một số đề xuất tôi cũng đã đưa ra phòng ngừa tình hình tội phạm lừa đảo theo phương thức đa cấp núp bóng kinh doanh tiền ảo như: Bộ Công an cần tăng cường công tác nắm tình hình trên không gian mạng để kịp thời phát hiện các hoạt động huy động vốn trái phép dưới danh nghĩa kinh doanh, ngăn chặn những hoạt động lừa đảo đa cấp liên quan đến tiền ảo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần siết chặt kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán. Đồng thời, cần tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo. Xin cảm ơn ông! |