Số lượng người mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục gia tăng. Ảnh: Trương Hiếu. |
Theo báo cáo của CDC Hà Nội mới đây, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 13.437 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, từ tuần 40 (tháng 10), Hà Nội ghi nhận số ca mắc lên tới trên 1.000 ca/tuần, cao hơn nhiều so với năm 2021 và trung bình 3 năm từ 2019 đến 2021.
Cộng dồn đến nay, thành phố cũng xác định được 1.043 ổ dịch tại toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện nay, còn 127 ổ dịch vẫn tiếp tục hoạt động tại 21 quận, huyện.
Một số ổ dịch đang hoạt động và có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài là Phùng Xá, Thạch Thất; Hồng Dương, Thanh Oai; thị trấn Phú Xuyên; Tam Hiệp, Phúc Thọ.
Trong bối cảnh đó, toàn thành phố đã thực hiện 1.408 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, 174 chiến dịch phun hóa chất diện rộng.
Nhân viên y tế tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho người dân trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: DT. |
Ngoài ra, đối với một số dịch bệnh khác, thành phố vẫn đang được kiểm soát tốt. Cộng dồn năm 2022, Hà Nội ghi nhận tình hình các dịch gồm bệnh sởi (một ca); rubella (một ca); uốn ván (11 ca); liên cầu lợn (3 ca); viêm não Nhật Bản (4 ca) và dại (2 ca).
Mặt khác, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân vẫn được các quận, huyện tiếp tục triển khai, vận động người dân đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tuy nhiên, CDC Hà Nội xác nhận một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn tỷ lệ tiêm chủng của thành phố.
Về công tác tiêm chủng mở rộng, 4/8 chỉ tiêu đạt tiến độ bao gồm: Tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh; tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ dưới một tuổi; tiêm vaccine bại liệt cho trẻ đủ 5 tháng tuổi và tiêm vaccine phòng uốn ván cho phụ nữ có thai.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, vị lãnh đạo nhận định việc chủ động phòng, chống dịch là rất quan trọng.
"Tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến kéo dài, nguyên nhân là công tác phát hiện bệnh nhân muộn, còn bỏ sót bệnh nhân, xử lý ổ dịch vẫn chưa đạt hiệu quả cao", phó giám đốc CDC Hà Nội thừa nhận.
Từ đây, ông nhấn mạnh các địa phương cần tăng cường vệ sinh môi trường tại khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch, “làm đến đâu sạch đến đó”, từ đây, việc phòng dịch mới đạt hiệu quả cao.
Ông Tuấn cũng lưu ý trước khi phun hóa chất, các địa phương phải xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường trước. Qua đó, việc phun hóa chất mới tăng hiệu quả diệt muỗi.
“Đồng thời, các quận, huyện cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng vaccine Covid-19, đặc biệt là đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi", vị lãnh đạo nói thêm.
Song song với đó, ông Tuấn cho rằng cần đảm bảo an toàn công tác bảo quản, vận chuyển vaccine Covid-19 theo quy định. Đối với vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng còn thiếu, các quận, huyện cần tuyên truyền, vận động người dân sử dụng vaccine dịch vụ thay thế để đảm bảo miễn dịch cần thiết cho trẻ.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cũng nhấn mạnh thời gian tới, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, các địa phương cần tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm bệnh nhân mắc tại cộng đồng, giám sát ổ dịch, giám sát vector… để có những biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bùng phát lây lan ra cộng đồng.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý CDC cần nghiên cứu hệ thống phần mềm khai báo sốt xuất huyết để tăng hiệu quả quản lý, phát hiện sớm bệnh nhân mắc tại cộng đồng.
“Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai hệ thống tin nhắn thông điệp truyền thông về sốt xuất huyết đến các thuê bao di động của người dân”, ông Cương cho biết.