Số ca nhiễm mới trong ngày ở Ấn Độ cao chưa từng thấy, Đông Nam Á trước nguy cơ bùng phát mạnh COVID-19

Thảo Huyền

Đến sáng 26/4, thế giới có trên 147,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,11 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 32,8 triệu ca mắc và hơn 586.100 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 27.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 17,3 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 195.000 trường hợp thiệt mạng. Ngày 25/4, Ấn Độ báo cáo trên 354.500 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất thế giới. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, Ấn Độ ghi nhận những kỷ lục đau buồn vì COVID-19. Hệ thống y tế quốc gia Nam Á này đang chịu áp lực rất lớn. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi, tất cả công dân đi tiêm vaccine COVID-19, đồng thời tuyệt đối tuân thủ các biện pháp chống lây nhiễm.

Thủ đô New Delhi là một trong những khu vực ảnh hưởng tồi tệ nhất. Các bệnh viện quá tải, còn người dân rơi vào tuyệt vọng. Ngày 25/4, Ấn Độ đã quyết định kéo dài các biện pháp phong tỏa ở thủ đô New Delhi thêm một tuần.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân ở đây. Cụ thể, đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức 6 chuyến bay, đưa gần 1.000 bà con người Việt về nước, hiện tại chỉ còn lại gần 100 người. Đại sứ quán duy trì liên hệ với bà con qua đường dây nóng để tư vấn và can thiệp nếu cần, liên tục hỗ trợ về giấy tờ khi bà con có nhu cầu, đồng thời cung cấp những trợ giúp trực tiếp như nhu yếu phẩm, thuốc men, hoặc can thiệp để công dân Việt Nam nhiễm COVID-19 được chữa trị.

Số ca nhiễm mới trong ngày ở Ấn Độ cao chưa từng thấy, Đông Nam Á trước nguy cơ bùng phát mạnh COVID-19 - Ảnh 1.

Ngày 25/4, Ấn Độ tiếp tục báo cáo số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 389.600 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 14,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Đông Nam Á đang có nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh khi số ca mắc mới COVID-19 và tử vong đang ngày một gia tăng. Tại Campuchia, Lào và Thái Lan, những nước có biên giới với Việt Nam, tình hình dịch bệnh rất đáng lo ngại khi số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục.

Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận số người tử vong vì đại dịch COVID-19 theo ngày ở mức hai con số, trong khi số ca mắc mới trong 24 giờ qua vẫn vượt ngưỡng 2.000 người. Cụ thể, ngày 25/4, Thái Lan xác nhận trên 2.400 ca mắc mới và 11 trường hợp thiệt mạng. Đến nay, 140 bệnh nhân đã tử vong trong tổng số trên 55.400 người mắc COVID-19 tại quốc gia này.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giới chức thủ đô Bangkok đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm như công viên, phòng tập thể dục thể thao, rạp chiếu phim trung tâm và nhà trẻ từ ngày 26/4 đến hết ngày 9/5. Các trung tâm thương mại vẫn mở cửa nhưng giờ mở cửa sẽ bị giới hạn. Các trung tâm mua sắm sẽ được phép mở cửa từ 11h đến 21h, trong khi các cửa hàng tiện lợi trên toàn thủ đô sẽ đóng cửa từ 22h đến 5h sáng hôm sau. Ngoài ra, những cuộc tụ tập từ 20 người trở lên sẽ bị cấm.

Tại buổi họp báo diễn ra vào chiều 25/4, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, đã có 9/18 tỉnh thành của Lào ghi nhận ca nhiễm COVID-19. Bộ Y tế Lào cho biết, trong số 76 ca nhiễm mới COVID-19 được ghi nhận trong ngày 25/4, có tới 64 ca ở thủ đô Vientiane và tất cả đều là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Tại buổi họp báo, Bộ Y tế Lào cho biết, tất cả các địa điểm ở thủ đô Vientiane hiện đều có nguy cơ lây nhiễm, kêu gọi người dân chỉ rời khỏi nhà khi có việc thực sự cấp thiết, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định phòng chống COVID-19 của Chính phủ.

Số ca nhiễm mới trong ngày ở Ấn Độ cao chưa từng thấy, Đông Nam Á trước nguy cơ bùng phát mạnh COVID-19 - Ảnh 2.

9/18 tỉnh thành của Lào đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Lào nhấn mạnh, từ tâm điểm Vientiane, dịch COVID-19 nay đã xuất hiện ở nhiều tỉnh khác trên cả nước, mới nhất là tỉnh Luang Namtha ở Bắc Lào với 4 ca nhiễm mới được phát hiện trong 24 giờ qua. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đã có 17 trong tổng số 18 tỉnh thành của Lào thực hiện lệnh phong tỏa hoặc giới nghiêm.

Theo ước tính ban đầu của các chuyên gia Lào và Tổ chức Y tế Thế giới, thủ đô Vientiane, tâm dịch của làn sóng COVID-19 thứ 2 tại Lào, có thể có tới 2.000 ca nhiễm. Như vậy, đến nay, Lào đã có 323 ca mắc COVID-19, trong đó phần lớn là các ca nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Vientiane được phát hiện trong 6 ngày qua và chưa có trường hợp tử vong. Trong số 9 tỉnh của Lào đã có ca dương tính với virus SARS-CoV 2, có 4 tỉnh, thành phố có chung đường biên giới với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Campuchia đang tăng cường kiểm soát và siết chặt biên giới để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, mục tiêu là nhằm chặn đà lây lan dịch bệnh COVID-19. Nhiều biện pháp mạnh đang được nước này triển khai.

Hiện nay, có nhiều người Việt và một số người nước khác ở Campuchia đang tìm cách sang Việt Nam trong lúc Campuchia đang xảy ra lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 khá phức tạp. Cách đây vài ngày, một vị tướng 2 sao Quân đội Hoàng gia Campuchia đã bị bắt khi đưa 28 người Trung Quốc trái phép từ Phnom Penh đến cửa khẩu Bavet thuộc tỉnh Svay Rieng giáp với cửa khẩu Mộc Bài của tỉnh Tây Ninh. Tại tỉnh Kep giáp với tỉnh Kiên Giang, cảnh sát Campuchia đã bắt 7 người Việt Nam và 1 người Campuchia đi từ Preah Sihanouk bằng đường biển, đến Kep để tìm cách đi về Việt Nam bằng đường bộ.

Các lực lượng an ninh và quân đội Campuchia liên tục tuần tra canh gác theo các tuyến biên giới để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép khi nhiều địa phương của Campuchia giáp với biên giới Việt Nam và Thái Lan đang xảy ra lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. 

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch, Chính phủ Campuchia đã quyết định phong tỏa thủ đô và 3 tỉnh, thành phố của nước này. 11 tỉnh của Campuchia có biên giới với Việt Nam đều đã ghi nhận ca mắc COVID-19. Trong đó, 3 địa phương có tình hình dịch bệnh rất phức tạp gồm các tỉnh Preah Sihanouk, Kandal và Svay Rieng. Cả 3 địa phương này đều là những nơi có hoạt động dịch vụ casino rất nhộn nhịp và có khá nhiều người Việt Nam sang làm việc. Trong những ngày qua, vì không còn nguồn thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh, rất nhiều người đã tìm cách trở về Việt Nam. Đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh sang Việt Nam nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Số ca nhiễm mới trong ngày ở Ấn Độ cao chưa từng thấy, Đông Nam Á trước nguy cơ bùng phát mạnh COVID-19 - Ảnh 3.

11 tỉnh của Campuchia có biên giới với Việt Nam đều đã ghi nhận ca mắc COVID-19. (Ảnh: AP)

Theo thông báo, ngày 25/4, Campuchia ghi nhận thêm 616 ca lây nhiễm COVID-19 mới, trong đó có đến 546 người tại thủ đô Phnom Penh, 24 trường hợp tại tỉnh Kandal và 20 ca tại tỉnh Preah Sihanouk.

Nhật Bản đang ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh. Ngày 25/4, lệnh tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 bắt đầu có hiệu lực ở Tokyo và 3 tỉnh phía Tây, với dân số ở các khu vực này chiếm tới 1/4 tổng dân số cả nước.

Số ca nhiễm mới, nhất là số ca nhiễm các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, ở các tỉnh, thành này đã tăng mạnh trong những tuần qua, khiến hệ thống y tế ở nhiều địa phương rơi vào tình trạng căng thẳng, trong khi kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng ở Nhật Bản đang tới gần. Lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng trong 17 ngày.

Hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu tính tới ngày 24/4, mang lại hy vọng cho cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm này trong bối cảnh số ca mắc trên thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh, chủ yếu do sự gia tăng tại Ấn Độ.

Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp) dựa trên các nguồn tin chính thức, đã có ít nhất hơn 1 tỷ liều vaccine đã được sử dụng tại 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn một nửa trong số đó đã được sử dụng tại 3 nước là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ dân số, Israel vẫn dẫn đầu khi cứ mỗi 10 người lại có gần 6 người được tiêm chủng đủ liều vaccine. Tiếp đến là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Anh, Mỹ. Mặc dù chương trình tiêm chủng đã đạt được một số bước tiến tích cực nhưng số ca mắc mới trên thế giới vẫn tăng mạnh, trong đó riêng Ấn Độ chiếm đến 1/3.