Bỏ nhà, bỏ làng vì ... "hà bá"
Dọc theo tuyến đường ĐT609 ngang qua 2 thôn vốn nhà cửa san sát, hàng quán sầm uất. Nhưng, bây giờ, hiện diện dọc theo tuyến đường đắc địa ấy chỉ là vết tích của những ngôi nhà hoang, vô chủ. Trải nắng mưa, chúng xuống cấp xập xệ. Trên từng vách tường vẫn còn dấu hằn gãy nứt, đổ vỡ. Vì sao nên nỗi?!
“Mấy năm trước, nhà cửa người dân chúng tôi mặt nhìn ra đường ĐT609, lưng về phía bờ sông Vu Gia. Nhưng khoảng 3 – 4 năm qua, khúc sông sạt lở nghiêm trọng, mép sông ăn vào sát nhà. Nhà cửa bắt đầu sụt lún, móng nhà hỏng chân, tường xây nứt toác. Lo lắng an nguy nên mọi người bỏ nhà cửa dời đi nơi khác.”, một người dân ngậm ngùi chia sẻ.
Cùng chung viễn cảnh như thôn Đông Lâm, người dân thôn Trường An (xã Đại Quang) ngày đêm "khóc ròng" vì hàng chục, hàng trăm ha đất nông nghiệp phì nhiêu bị "hà bá" nuốt chửng.
Những ngôi nhà hoang hóa, vô chủ bên đường ĐT609.
Ông Nguyễn Minh, trú thôn Trường An nói rằng, sông Vu Gia bao đời nay bồi lắng phu sa nuôi lớn bao thế hệ người làng. Thế nhưng, chẳng rõ vì sao, độ ít năm trở lại đây, con sông hóa "tử thần" gây ra sạt lở trầm trọng. Có những đoạn sạt sâu vào bờ đến 20, 30m, trôi rất nhiều đất nông nghiệp màu mỡ của người dân đang canh tác. “Hướng chảy của khúc sông đột ngột thay đổi đâm thẳng vào làng Trường An. Hệ lụy cũng từ đó mà ra”, ông Minh nói.
Trong ký ức của lão niên Nguyễn Thành Công, nhiều năm trước, con sông Vu Gia ở tít ngoài xa. Để ra đến mép sông, người làng phải qua bãi bồi, chui qua những rặng tre. Nhưng rồi sông "ăn mòn", nước vào đến tận móng nhà dân. Mỗi lần lụt về là vợ chồng ông bồng bế con cái chạy vào trong làng tránh. Năm nào lụt cũng bị trôi đồ đạc. Năm ngoái sạt lở khiến nhà ông bị sụt nứt
Người thân vận động ông bỏ nhà đi kẻo nguy hiểm. Nhưng đi thì cũng chẳng biết đi đâu. Thế là ban ngày ông bám trụ lại nhà, còn đêm đến thì tá túc hàng xóm, người thân ở vùng an toàn bên trong làng.
“Dọc theo tuyến này có đến gần 50 hộ bị ảnh hưởng. Đất sạt, móng nhà nghiên, tường thì nứt toác, cột nhà cũng xiêu vẹo. Người ta bỏ đi hết vì sợ, chỉ còn độ 10 hộ bám trụ lại vì chẳng biết đi đâu. Tôi mua bao tải về đổ đất, đổ đá kè chắn ngay móng nhà nhưng thực sự như muối bỏ bể”, ông Công phân trần.
Nhà cửa nghiên ngã, nứt hỏng vì sạt lở
Theo UBND xã Đại Quang, có nhiều thời điểm, hiện tượng sạt lở diễn ra nghiêm trọng. Thời điểm đó, lực lượng quân đội phải có mặt giúp dân sơ tán, bảo vệ nhà cửa nằm trong vùng sạt lở nặng. Sạt lở không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng nhiều diện tích đất hoa màu, tình trạng sạt lở còn đe dọa nhiều nhà dân lân cận. Hiện nhiều nhà dân chỉ còn cách khu vực đang sạt lở nặng chừng một vài mét, khiến người dân bất an khi tình hình mưa lũ có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Ông Đoàn Tám, Chủ tịch UBND xã Đại Quang nói thêm rằng, dọc tuyến đường ĐT609 vốn bà con sống 2 bên đường, phía bên sát bờ sông cũng có rất nhiều nhà cửa. Sau đó sông gây sạt lớn nên bà con bỏ đi. Người về ở con cái, người đi nơi khác. Còn một số hộ khó khăn thì vẫn đang bám víu lại cùng nỗi lo nơm nớp sống bên "miệng hà bá".
Giải pháp nào
Nói về giải pháp cho cuộc sống, mưu sinh của hàng chục hộ dân cũng như hàng trăm ha đất nông nghiệp màu mỡ, Chủ tịch UBND xã Đại Quang Đoàn Tám cho hay, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho địa phương vận động số bà con sinh sống dọc tuyến ĐT609 (phía sạt lở) tìm nơi ở khác. Cùng với đó, chính quyền cùng người dân nỗ lực trồng tre chống sạt lở nhưng đều không thành công.
"Việc vận động người dân di dời chỉ là giải pháp tạm, trước mắt. Giải pháp trồng tre che chắn cũng không thành. Bà con di dời chủ yếu đến sống chung với con cái, người thân. Mấy thế hệ chui rúc trong nhà chật hẹp. Xã thì không có quỹ đất để bố trí dù bà con kiến nghị nhiều lần. Việc di dời dân chỉ là giải pháp tình thế, đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con", ông Tám nói.
Chèo chống, chắp vá... Những biện pháp hiện tại đều không mang lại hiệu quả
Về lâu dài, địa phương này cho rằng, cần có bờ kè kiên cố hóa 2 điểm sạt lở trên. Bởi nếu có lũ lụt lớn thì độ một vài năm nữa, sạt lở không những ăn hết nhà cửa người dân mà cả tuyến đường ĐT609 nguy cơ cũng bị cuốn trôi.
Trong khi đó, với kinh nghiệm mưu sinh bao đời bên dòng Vu Gia, nhiều cao niên Đại Quang cho rằng, ngoài thực hiện kè sông, làm đê chắn thì có thể nạo vét các khúc sông bồi lắng, đưa hướng chảy dòng sông về hướng nguyên thủy.
“Hướng nước chảy nguyên thủy không hướng trực tiếp vào làng. Nếu vét những đoạn bồi lắng ở phía trên đi thì có thể đổi hướng nước chảy, không nhằm trực tiếp vào làng. Từ đó, không gây sạt lở nữa mà khiến dòng đưa phù sa về bồi đắp lại. Kinh nghiệm dân gian này từng được cha ông thực hiện và rất hiệu quả”, một cao niên nói.
Trả lời PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng NNPTNT huyện Đại Lộc cho biết, thực trạng sạt lở ở xã Đại Lộc là rất đáng báo động. Vừa qua, UBND huyện Đại Lộc giao phòng NNPTNT huyện Đại Lộc chủ trì phối hợp các ban ngành liên quan khảo sát mức độ sạt lở sông Vu Gia đoạn qua xã Đại Quang. UBND huyện Đại Lộc cũng có báo cáo lên cấp tỉnh tìm giải pháp xử lý hiện tượng sạt lở này.