Sốt xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Hồ Nga

Sốt xuất huyết là một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa và nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại siêu vi trùng có tên là Dengue gây ra. Đây là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu như bị muỗi vằn (có nhiều khoang trắng ở chân và lưng) mang mầm bệnh đốt.

Sốt xuất huyết dengue khi nào cần xét nghiệm?

Bệnh có thể khiến cho cơ thể người nhiễm bệnh trở nên đau nhức, đặc biệt là ở cơ và các khớp. Sốt xuất huyết dạng nhẹ có thể gây phát ban, sốt cao, dạng nặng thì có thể gây chảy máu, giảm huyết áp đột ngột và khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

- Sốt cao: Sốt cao là triệu chứng sốt xuất huyết sớm nhất, người bệnh có thể sốt từ 39 - 40 độ C hoặc cao hơn. Sốt cao do sốt xuất huyết khác với các nguyên nhân bệnh truyền nhiễm khác là thường ít đáp ứng với thuốc hạ sốt thông thường.

- Đau đầu dữ dội: Giống như nhiều bệnh do virus khác, sốt xuất huyết do virus Dengue cũng gây triệu chứng nhức mỏi cơ thể, đau nhức khớp và cơ. Trong đó, bệnh nhân sẽ thấy tình trạng đau vùng trán và nhãn cầu dữ dội hơn.

- Xuất huyết: Sốt xuất huyết có thể gây xuất huyết ở nhiều vị trí và cơ quan trên cơ thể, biểu hiện bằng tình trạng: xuất hiện chấm đỏ ngoài da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen,... 

- Buồn nôn: Rối loạn tiêu hóa cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân sốt xuất huyết, biểu hiện bằng tình trạng đau bụng nhiều, nôn nhiều, kém ăn uống,...

- Triệu chứng khác: Ở thể bệnh nặng, người bệnh có nhiều dấu hiệu nguy hiểm như: cơ thể mệt mỏi, li bì, mất ý thức, chân tay lạnh, nhịp tim bất thường, nôn nhiều,... Tình trạng xuất huyết nặng, tụt huyết áp, tổn thương các cơ quan nội tạng hoàn toàn có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết ở người lớn: Triệu chứng và cách điều trị

Những sai lầm thường gặp khi bị sốt xuất huyết

Nước ta vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó không ít trường hợp bệnh nặng, xuất hiện biến chứng mới nhập viện điều trị.

Cũng có nhiều ca tử vong do biến chứng của sốt xuất huyết do can thiệp điều trị chậm trễ.

Dưới đây là một số sai lầm thường gặp khiến bệnh sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn và có nguy cơ gây tử vong mà bạn cần tránh.

- Chủ quan không đi khám bệnh khi có triệu chứng: Triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết khá giống với sốt do các bệnh truyền nhiễm do virus thông thường, vì thế mà nhiều người chủ quan không điều trị tích cực. Từ triệu chứng bệnh nhẹ, sốt xuất huyết hoàn toàn có thể biến chuyển nặng nhanh chóng trong một vài ngày và gây biến chứng.

- Cho rằng khi hết sốt là bệnh đã được kiểm soát: Sốt cao là triệu chứng điển hình và thường xuất hiện sớm khi mắc sốt xuất huyết, nhiều người cho rằng khi hết sốt nghĩa là bệnh đang khỏi dần. Thông thường sau khoảng 2- 7 ngày, tình trạng sốt cao sẽ thuyên giảm, người bệnh sẽ thấy dễ chịu hơn nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Đây là thời điểm người bệnh dễ bị giảm tiểu cầu nặng và thoát huyết tương rất nguy hiểm, nhận biết bằng triệu chứng xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu tiêu hóa,...

- Cho rằng sốt xuất huyết chỉ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ: Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị tổn thương, chính vì thế người lớn mới chủ quan coi nhẹ việc mắc sốt xuất huyết và để tình trạng trở nên nghiêm trọng, đến khi bệnh biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

- Nhiều người nghĩ rằng sốt xuất huyết chỉ bị 1 lần: Nhiều người đã từng mắc sốt xuất huyết cho rằng bản thân đã có miễn dịch nên không thể mắc bệnh lại. Trên thực tế, có đến 4 type virus Dengue gây sốt xuất huyết, người nhiễm sốt xuất huyết sẽ chỉ hình thành kháng thể với type virus đó. Nếu không may nhiễm phải các type virus Dengue còn lại, bạn vẫn mắc bệnh và gặp biến chứng nguy hiểm nếu chủ quan.

 

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết:

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Hồ Nga (T/H)