Sốt xuất huyết thường xuất hiện vào khoảng thời gian giao mùa, vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, tạo điều kiện bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue.
Đặc biệt, các triệu chứng ban đầu của bệnh khá giống với COVID-19, cộng với tâm lý lo ngại đi bệnh viện của nhiều người dân, nên nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra.
1. Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Những dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết khá tương đồng với cúm nên dễ gây nhầm lẫn, triệu chứng thường kéo dài khoảng 2-7 ngày sau một khoảng thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày do vết đốt của muỗi mang mầm bệnh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại bệnh thành 2 loại chính, bao gồm: Sốt xuất huyết (có/không có dấu hiệu cảnh báo) và sốt xuất huyết thể nặng.
Đa phần các trường hợp sốt xuất huyết đều có khả năng tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân có nguy cơ tiến triển thành thể nặng, gây nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Việc chia nhóm bệnh có và không có dấu hiệu cảnh báo giúp bác sĩ dễ dàng phân loại bệnh nhân nhập viện, đảm bảo theo dõi chặt chẽ và giảm nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn.
2. Điều trị sốt xuất huyết như thế nào?
Hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu dành cho bệnh sốt xuất huyết, phương pháp chủ yếu sử dụng là điều trị triệu chứng.
- Dùng thuốc hạ sốt khi sốt xuất huyết
Thuốc giảm đau, hạ sốt thường được dùng để kiểm soát các triệu chứng đau nhức cơ và sốt cao (trên 38.5 độ C).
Lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng này là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần còn người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h.
Đồng thời, có thể kết hợp với các phương pháp hạ sốt vật lý như chườm mát ở vị trí nách, bẹn, các nếp gấp, còn lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để hạ nhiệt. Khi toàn thân được lau bằng nước ấm thì nhiệt độ cơ thể tỏa ra sẽ nhanh hơn.
Uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ C.
Ngoài ra, cần chú ý cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng, nghỉ ngơi tuyệt đối ở môi trường thoáng mát. Bởi khi người bệnh sốt cao, cơ thể có cảm giác ớn lạnh thì nhiều người không biết lại đắp chăn hoặc mặc nhiều quần áo, càng làm hạn chế quá trình tỏa nhiệt của cơ thể.
Lưu ý:
+ Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.
+ Sốt là phản ứng tốt của cơ thể chống lại virus. Nhưng nhiều bệnh nhân có biểu hiện sốt cao lại tìm mọi cách hạ sốt cấp tốc về nhiệt độ bình thường, đặc biệt là trẻ em. Do đó, tình trạng lạm dụng paracetamol, dùng quá liều thuốc liên tục sẽ dẫn tới ngộ độc gan và làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, kể cả khi dùng dạng thuốc đặt hậu môn ở trẻ em.
Lời khuyên là bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, dùng thuốc hạ thuốc đúng liều theo đơn, thường uống 4-5 lần/ngày, mỗi 4-6 giờ.
+ Ngoài ra, nhiều người cứ thấy sốt là tự ý mua thuốc kháng sinh sử dụng, nhưng đối với bệnh sốt do virus gây ra như sốt xuất huyết, dùng kháng sinh không có ý nghĩa và không giúp lành bệnh.
- Bù dịch đúng cách
Một nhầm lẫn mà nhiều người mắc phải đó là tư duy sốt xuất huyết Dengue gây ra mất nước. Tuy nhiên, sự thật là đa phần bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đủ hoặc thừa nước ngay từ lúc mới bắt đầu truyền dịch cấp cứu.
Vậy tại sao phải truyền dịch cấp cứu trong trường hợp sốc Dengue? Câu trả lời nằm ở chỗ sốt xuất huyết gây thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạnh sốc. Vì vậy, phải bù dịch ngay để tránh sự nguy hiểm có thể xảy ra cho người bệnh bằng đường uống và đường tĩnh mạch.
+ Đường uống:
Trong sốt xuất huyết Dengue thể nhẹ phải bù dịch sớm bằng đường uống, khuyến khích người bệnh uống nhiều dung dịch oresol hoặc nước sôi để nguội; nước trái cây như nước dừa, nước cam, nước chanh... hoặc nước cháo loãng pha với muối.
Khi uống oresol cần:
Đọc kỹ hướng dẫn cách pha oresol, tuân thủ liều lượng trên bao bì của nhà sản xuất. Do nhiều người vẫn nghĩ oresol là thuốc nên chỉ pha với một ít nước. Một số trường hợp trẻ em không chịu uống nên người lớn pha đặc với ít nước hơn. Tình trạng này dẫn đến rối loạn nước điện giải do hàm lượng muối vào máu tăng cao gây mất nước các tế bào có thể gây co giật, hôn mê, tổn tương não không hồi phục nếu không được xử trí kịp thời. Còn nếu pha quá loãng thì lượng muối được bù lại ít hơn so với nước, do đó không đạt được hiệu quả bù muối và dịch.
Dung dịch sau khi pha nên uống rải rác trong vòng 24 giờ, nếu không dùng hết sau 24h thì bỏ đi và pha gói mới, không bảo quản dung dịch trong tủ lạnh rồi uống tiếp.
Không được đun sôi dung dịch đã pha vì có thể làm bay hơi nước, tăng nồng độ thẩm thấu của dung dịch; không pha oresol với sữa, nước trái cây, nước ngọt… mà nên pha với nước lọc hoặc nước sôi để nguội.
+ Đường tĩnh mạch:
Đối với thể bệnh sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo nặng nên xem xét truyền dịch Ringer lactat, NaCl 0,9% nếu người bệnh không uống được, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, lừ đừ, hematocrit tăng cao mặc dù huyết áp vẫn ổn định. Thời gian truyền dịch không quá 24 – 48 giờ.
Ngừng truyền dịch bằng đường tĩnh mạch khi bệnh nhân có huyết áp và mạch trở về bình thường, đi tiểu nhiều. Không cần thiết phải bù dịch nữa sau khi người bệnh hết sốc trong 24 giờ.
Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo nặng nên xem xét truyền dịch Ringer lactat…
Nhiều người lại có suy nghĩ cần phải truyền dung dịch muối hay truyền đạm tại nhà sau khi người bệnh ra viện để bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, điều này là không nên vì trong giai đoạn này, cơ thể đang tái hấp thu dịch, nguy cơ thừa dịch là rất cao, có nguy cơ dẫn đến phù nề, phù phổi cấp, suy hô hấp, sốc dị ứng, nguy hiểm đến tính mạng.
3. Lưu ý trong chế độ ăn uống, nghỉ ngơi
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sốt xuất huyết:
- Nên:
- Ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng dạng lỏng như cháo, súp hoặc cơm nát, mỗi lần ăn một ít.
- Tăng cường uống nhiều nước, bù điện giải bằng dung dịch oresol hằng ngày.
- Không nên:
- Ăn những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu, đầy bụng.
- Tránh các thức ăn, nước uống có màu đỏ sẫm: Huyết (heo, bò, gà…), củ dền, xá xị, socola… để hạn chế gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.
- Không uống rượu bia, chất kích thích.
Chế độ nghỉ ngơi:
- Nghỉ ngơi tại giường, tránh căng thẳng hay vận động mạnh.
- Uống thuốc hạ sốt theo đơn, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ.
- Súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc họng sát khuẩn, không dùng bàn chải đánh răng cho đến khi có hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Báo cho nhân viên y tế khi có các dấu hiệu cháy máu như: Chảy máu mũi, chân răng, đi cầu phân đen, tri giác lơ mơ… để có hướng xử trí kịp thời.
4. Phòng ngừa sốt xuất huyết như thế nào?
Dengvaxia (CYD-TDV) là vaccine phòng chống sốt xuất huyết dengue đầu tiên được cấp phép vào tháng 12/2015 nhằm sử dụng cho người từ 9-45 tuổi sống trong vùng lưu hành dịch. Đây là vaccine dengue tứ giá sống, tái tổ hợp do Sanofi Pasteur (CYD-TDV) nghiên cứu và sản xuất, lịch tiêm 3 liều vào tháng 0, 6 và 12 hằng năm.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh rằng, vaccine tự thân nó không phải là công cụ hữu hiệu để giảm sốt xuất huyết ở những khu vực có dịch bệnh phổ biến. Phòng chống muỗi đốt và diệt muỗi vẫn là phương pháp chính để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Do đó, cần tránh muỗi đốt bằng cách:
- Ngủ màn, bôi kem chống muỗi.
- Bên cạnh đó cần diệt muỗi và loăng quăng: Dọn dẹp nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ, ngăn nắp.
- Không để các dụng cụ chứa nước hoặc nếu có phải đậy nắp và thường xuyên thay rửa, loại bỏ các ổ nước đọng.
- Đồng thời cần phối hợp với chính quyền trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.