Tử vong do nghi dùng thuốc gây tê khi 'bắt con'
Mới đây tại Đà Nẵng đã có 2 trường hợp thai phụ tử vong do nghi dùng thuốc gây tê bắt con và một trường hợp nguy kịch. Cụ thể, theo thông tin từ Sở Y tế Đà Nẵng, cách đây vài ngày 2 sản phụ 33 và 34 tuổi vào Bệnh viện Phụ nữ sinh mổ trong tình trạng sức khoẻ bình thường. Khi được tiêm thuốc gây tê tuỷ sống, hai bệnh nhân có biểu hiện tê, đau vùng mông phải, đau vùng cùng cụt, khó chịu, co giật hai chi dưới.
Sau đó, các sản phụ liền được chuyển tuyến trên với chẩn đoán đi kèm là "theo dõi ngộ độc thuốc tê". Sau khi chuyển viện, một sản phụ tử vong. Người còn lại nguy kịch và sau đó có chuyển biến tốt lên.
Tương tự gần một tháng trước, một sản phụ ở Đà Nẵng cũng vào Bệnh viện Phụ nữ sinh con. Cùng được tiêm một loại thuốc gây tê, người này sau đó tử vong.
Thông tin về các trường hợp trên, ông Võ Xuân Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ cho biết, bác sĩ gây tê cho các bệnh nhân có 30 năm kinh nghiệm, 3 ca đều diễn biến rất nhanh. Bệnh viện đã chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên cứu chữa khi có bất thường.
Dùng thuốc gây tê tủy sống để giảm đau khi 'bắt con' có thể gây biến chứng, tử vong
Sau khi xảy ra vụ việc, bệnh viện đã cho niêm phong toàn bộ lô thuốc gây tê, phòng mổ, phòng hồi sức, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, dự kiến có kết quả sau khoảng 7-10 ngày. Trong thời gian này, các bệnh viện và trung tâm y tế được khuyến cáo không sử dụng Bupivacaine gây tê.
Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp dịch vụ sản phụ khoa và sơ sinh nghiêm túc thực hiện công văn số 5069/BYT-BM-TE ngày 29-8-2019 về sử dụng phương pháp vô cảm gây tê vùng trong mổ lấy thai. Trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ, cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn, khẩn trương gửi về Trung tâm DI&ADR quốc gia, đồng gửi Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Tác dụng phụ sau gây tê tủy sống sau khi sinh
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, so với gây mê thì gây tê là biện pháp giảm đau khi sinh mang lại nhiều ưu điểm. Theo đó, gây tê tủy sống là kỹ thuật giảm đau được thực hiện trước khi tiến hành mổ lấy thai nhằm giúp sản phụ vượt cạn dễ dàng, không cảm thấy đau đớn.
Các bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào tủy sống của sản phụ khiến sản phụ bất động, mất cảm giác hoàn toàn ở nửa thân dưới. Sản phụ vẫn tỉnh táo, nhìn thấy, nghe được và cảm nhận các thao tác của bác sĩ nhưng không có cảm giác đau. Tuy nhiên, sau gây tê, sản phụ có thể gặp phải một số tác dụng phụ.
Buồn nôn, nôn ói
Ngay sau khi thuốc tê được tiêm vào cột sống, sản phụ có thể cảm thấy buồn nôn, thậm chí là nôn mửa. Đây là phản ứng khá phổ biến nhưng sẽ nhanh chóng biến mất khi thuốc tê hết tác dụng, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi.
Nhức đầu
Nhiều sản phụ cũng ghi nhận sau khi gây tê tủy sống đều có cảm giác đau đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch não tủy rò rỉ qua lỗ thủng màng cứng, làm giảm lớp rào cản đệm của dây thần kinh cảm giác, tăng áp lực não tùy, khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhức đầu, đặc biệt là vùng xung quanh trán, sau mắt hoặc đáy hộp sọ. Nhiều sản phụ còn đau xuống vùng cổ. Những cơn đau có thể kéo dài hoặc đau từng cơn, đau nhói.
Nhức đầu khiến sản phụ mệt mỏi, có thể buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng. Tác dụng phụ này thường xuất hiện sau vài ngày kể từ khi sinh mổ, cũng có trường hợp xuất hiện ngay sau khi sinh và sẽ biến mất sau khoảng vài ngày. Hầu hết các trường hợp sinh mổ đều ghi nhận sản phụ bị đau đầu do tác dụng phụ của gây tê tủy sống.
Ớn lạnh
Cũng theo các bác sĩ, ngay sau khi mổ lấy thai, vẫn nằm trên giường mổ, sản phụ có thể bị ớn lạnh. Khi trở về phòng hậu phẫu hoặc giường bệnh thường, sản phụ nên đắp chăn, mặc quần áo kín, đi tất để tránh bị nhiễm lạnh. Lúc này, cơ thể sản phụ đang rất yếu nên rất dễ có tác động xấu đến sức khỏe
Ngứa
Thuốc gây tê có thể khiến sản phụ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu do tác dụng của thuốc giảm đau được thêm vào trong thuốc tê. Tình trạng ngứa sẽ giảm dần và hết sau khoảng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp sản phụ ngứa nghiêm trọng và kéo dài.
Suy hô hấp và tuần hoàn nhẹ
Nếu thuốc gây tê di chuyển cao hơn trong tủy sống so với dự định thì bệnh nhân có thể bị phong tỏa thần kinh hay còn gọi là phong tỏa cột sống. Trường hợp này thường xảy ra với các bệnh nhân béo phì, có tiền sử dị ứng thuốc gây mê.
Khi bị tác dụng phụ này, sản phụ sẽ có biểu hiện khó thở, tê cánh tay, cử động cánh tay, vai và thân yếu. Kèm với đó là cảm giác buồn nôn, nôn mửa. Nếu được cho thở oxy và tiêm tĩnh mạch để điều chỉnh nhịp tim và huyết áp thì tình trạng này cũng sẽ ổn định và không đáng lo ngại.
Đau lưng
Hầu hết các sản phụ sau sinh đều có cảm giác đau lưng, kể cả sinh mổ hay sinh thường không phải gây tê tủy sống. Nên vẫn không xác định chính xác được liệu gây tê tủy sống có phải là nguyên nhân gây đau lưng hay không. Ngoài các tác dụng phụ kể trên, sản phụ còn có thể gặp phải một vài triệu chứng khác như: tê bì chân tay, bí tiểu...
Cách hạn chế tác dụng phụ của gây tê tủy sống sau sinh mổ
Trong quá trình gây tê tủy sống, nếu cảm thấy khó chịu hay đau ở bất cứ đâu nên nói ngay với bác sĩ để được kiểm tra các thiết bị, ống truyền thuốc hoặc các vấn đề khác liên quan đến thuốc tê. Để hạn chế việc rò rỉ dịch não tủy, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Khi bác sĩ tiêm tê tủy sống, sản phụ nên nằm yên, không dịch chuyển, có thể làm lệch mũi tiêm.
Sau khi sinh, sản phụ nên nghỉ ngơi nhiều, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bồi bổ để hồi phục sức khỏe. Không nên ngồi hoặc đứng quá lâu vì xương khớp vẫn còn yếu, chưa hồi phục hoàn toàn sau gây tê. Có thể tập luyện thể dục nhẹ nhàng.
Cần massage nhẹ nhàng nếu thấy tê mỏi chân tay. Nếu tình trạng này kéo dài không đỡ thì nên khám hoặc sử dụng một vài liệu pháp vật lý trị liệu để tránh ảnh hưởng đến cơ xương và khiến mẹ sau sinh cảm thấy mệt mỏi.
Đặc biệt, các bác sĩ còn lưu ý, khi thấy các dấu hiệu bất thường như: khó thở, đau hoặc sưng đỏ ở vị trí tiêm tê, nhức đầu dữ dội, người yếu và mệt mỏi, có các vấn đề về bàng quang và ruột thì nên đến báo cho bác sĩ ngay lập tức, nếu đã xuất viện về nhà thì nên quay lại bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.