Lễ Vu Lan là ngày kính hiếu cha mẹ và tổ tiên
Theo nguồn gốc ra đời, lễ Vu Lan gắn liền với tích đạo hiếu của Bồ Tác Mục Kiền Liên. Xuất phát từ mong muốn cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói), Mục Kiền Liên đã dùng mọi phép thần thông của mình nhưng đều không được.
Sau khi cầu xin và làm theo lời truyền của Phật tổ, Mục Kiền Liên đã làm mâm lễ cúng đúng ngày rằm tháng 7. Cuối cùng, mẹ của Mục Kiền Liên đã thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ câu chuyện này, Phật cũng dạy luôn chúng sinh ai muốn báo hiếu cha mẹ thì nên làm theo cách này.
Lễ Vu Lan là một ngày lễ để những người con bày tỏ tấm lòng thảo kính đối với cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời
Theo ông Lê Tân Việt - đại diện thương hiệu Royal Gift chia sẻ: “Xét về mặt ý nghĩa, lễ Vu Lan thực sự là một nét văn hoá đậm chất nhân văn và đóng vai trò quan trọng khi nó trở thành mối dây gắn kết tình cảm gia đình, giữa cha mẹ và con cái. Đây là một phong tục phù hợp với truyền thống đạo đức thờ cha kính mẹ của người Việt”.
Lễ cúng cô hồn với ý nghĩa bố thí làm phúc
Theo truyền thống tín ngưỡng dân gian, người Việt tin rằng con người có hai phần gồm hồn và xác. Khi qua đời, hồn lìa khỏi xác, thân xác được chôn cất hoặc hỏa táng và dần dần phân hủy. Nhưng phần hồn vẫn còn tiếp tục tồn tại, trong đó, có những vong hồn vì nhiều lý do mà không thể đi về cõi thuộc về, vương vấn trần thế, mang kiếp quỷ đói, lang thang quấy rối người sống.
Bởi thế mới có lễ cúng cô hồn, cúng thí thực (tặng thức ăn), mang ý nghĩa nhân đạo, để “cứu giúp” những vong hồn khốn khổ, bơ vơ, không được ai thờ cúng. Cũng theo truyền thuyết dân gian, từ mùng 2/7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ trở lại cõi trần và đến rằm thì cửa địa ngục đóng lại, tất cả phải trở về. Theo đó, các gia đình thường cúng cô hồn từ ngày mùng 2 đến hết ngày 14/7 âm lịch.
Điểm khác biệt trong hình thức thể hiện hai mâm cúng
“Tuy cùng ngày, nhưng theo thứ tự cúng bái, lễ cúng cô hồn chỉ được diễn ra sau khi đã thực hiện các nghi thức cúng rằm, cúng Phật và cúng gia tiên. Xuất phát từ hai ý nghĩa khác nhau, chính vì vậy, mâm cúng giữa hai lễ này cũng khác nhau”, ông Việt cho biết.
Về mặt ý nghĩa và hình thức, mâm cúng bàn thờ tổ tiên lễ Vu Lan mang sự trang trọng, chu đáo và lòng thành tâm hướng về ông bà
Trong mâm cúng lễ Vu Lan, thường đòi hỏi sự cầu kỳ, chỉn chu hơn và đầy đủ những lễ vật theo truyền thống, có thể là một mâm cơm chay hoặc mặn tuỳ hoàn cảnh và căn cơ người đang sống. Bên cạnh đó, mâm cúng gia tiên phải có tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy như: quần áo, giày dép, nhà cửa, xe hơi, các vật dụng trang sức…
Trong khi đó, mâm cúng cô hồn với ý nghĩa làm phúc, bố thí thì lễ vật cúng sẽ đơn giản hơn, không quá cầu kỳ như mâm cũng gia tiên. Thông thường, mâm cúng cô hồn sẽ có: hương, hoa đèn, xôi chè, kẹo bánh, bỏng ngô, cóc ổi mía ghim, vàng mã tiền giấy.
Nghi thức phong tục cúng lễ mang nhiều nét khác biệt
Ngoài mâm cúng, trong nghi thức lễ Vu Lan, nhiều người thường đi viếng lễ chùa cầu kinh, thắp hương, hình ảnh bông hồng cài áo khiến cho ngày lễ trở nên trang trọng và mang đến nhiều cảm xúc cho người tham dự.
Mâm cúng cô hồn thường đơn giản và gắn với tục giật cô hồn
Còn lễ cúng cô hồn thường gắn với tục giật cô hồn. Trước kia, giật cô hồn là trò chơi của trẻ con. Nhiều người quan niệm rằng, trẻ con càng tranh giành và giật sạch mâm cúng sẽ là điều may mắn cho gia chủ. Tuy nhiên, theo thời gian, mâm cúng cô hồn ngày càng xuất hiện nhiều vật phẩm có giá trị hơn, khiến cho phong tục giật cô hồn đang trở nên xấu xí và bị biến tướng nghiêm trọng.
Mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và đầy tính nhân văn nên Rằm Tháng Bảy âm lịch hàng năm luôn là dịp đặc biệt để các thành viên trong gia đình quây quần, gắn bó với nhau thông qua những phong tục truyền thống. Đặc biệt, để đón mừng ngày lễ Vu Lan, nhiều người con còn chu đáo chuẩn bị những món quà mang ý nghĩa tinh thần và thiết thực để tặng đến cha mẹ và cùng họ tận hưởng không khí đoàn viên bên mâm cơm ấm cúng.