Sự thật đằng sau “bảng vàng” thuốc và sản phẩm hỗ trợ điều trị covid của Bộ Y tế: (Bài 3) Vi phạm Luật Cạnh tranh

Thảo Huyền

Công văn 5944 của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, tạo ra tâm lý tích trữ thuốc, mua thuốc, sử dụng thuốc không có chỉ định của bác sĩ, gây ra sự khan hiếm trên thị trường của 12 loại thuốc thuộc danh mục kèm theo công văn. Văn bản này có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng, là cơ hội để một số tổ chức, cá nhân trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

"Độc quyền hành chính" trong kinh doanh...
“Độc quyền hành chính” là một khái niệm gần đây ít được nhắc đến, có thể được hiểu là việc một chủ thể kinh doanh có được vị thế độc quyền nhưng không phải do sức mạnh kinh tế mà do sự tác động của quyền lực nhà nước. “Độc quyền hành chính” xuất hiện khi các cơ quan nhà nước lạm dụng quyền lực của mình thực hiện những hành vi nhằm ngăn cản cạnh tranh một cách bình thường.

Bằng những văn bản pháp quy, các quyết định hành chính và hành vi hành chính, các cơ quan công quyền và công chức nhà nước khi thi hành công vụ đã can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra những lợi thế đặc biệt cho một số doanh nghiệp nhất định về thị trường nhằm tạo ra vị thế độc quyền cho các doanh nghiệp này, đồng thời, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp khác.

Ngày 24/7, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) ban hành Công văn 5944/BYT-YDCT, trong đó liệt kê danh sách 12 loại thuốc, thực phẩm y học cổ truyền có tác dụng hỗ trợ điều trị COVID-19. Ngoài ra, công văn này cũng liệt kê danh mục sản phẩm hỗ trợ điều trị covid-19 như: Sản phẩm sát khuẩn; thuốc xịt họng; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe, trong đó có hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, thành phần, công dụng...

Điều đáng nói là 12 sản phẩm này công dụng chủ yếu là điều trị cảm cúm, viêm đường hô hấp và tăng sức đề kháng, trên thị trường thuốc hiện nay có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất các loại thuốc có thành phần, công dụng tương tự như danh mục 12 sản phẩm thuốc này.

anh-chup-man-hinh-2021-07-29-luc-011925-1627497235.png

Chỉ sau 2 ngày khi Công văn 5944 được ban hành, Bộ Y tế đã có văn bản thu hồi.

Sau 2 ngày, tức ngày 26/7, Bộ Y tế bất ngờ ban hành Công văn số 5967 thu hồi Công văn số 5944, với lý do có “một số nội dung chưa phù hợp”.

Dù bị thu hồi, nhưng công văn của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền cũng đã tạo hiệu ứng tiêu cực, khi hầu hết các loại thuốc trong danh mục đều “cháy hàng” tại các hiệu thuốc. Có những mã thuốc đã tăng giá từ 5 đến 7 lần.

Đặc biệt, viên nang cứng Kovir của Cty CP Sao Thái Dương dù mới được đưa ra thị trường ít ngày, vẫn khiến nhiều người “truy lùng” dù đã được “đội giá” gấp 4-5 lần “người anh em” phiên bản Kovir cũ.

anh-chup-man-hinh-2021-07-29-luc-011401-1627496125.png

Sản phẩm viên nang cứng Kovir mới được đưa ra thị trường ít ngày nhưng vẫn khiến nhiều người “truy lùng” dù đã được “đội giá” gấp 4-5 lần “người anh em” Kovir phiên bản cũ.

Dấu hiệu "lợi dụng chức vụ..."
Công văn của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, muốn tích trữ trong nhà những sản phẩm mà Bộ Y tế đã khuyến cáo để phòng ngừa dịch Covid-19. Đặc biệt trong giai đoạn làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư với biến thể Delta có sức lây lan cường độ mạnh, chu kỳ lây lan ngắn hơn có tính chất hết sức nguy hiểm, nhu cầu tích trữ càng lớn.

Động thái này đã gây ảnh hưởng trực tiếp, tạo ra những thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất thuốc, có lợi cho các hiệu thuốc, đặc biệt đã có những nhà thuốc tăng giá bán gấp nhiều lần để trục lợi, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.

anh-chup-man-hinh-2021-07-29-luc-012405-1627497158.png

Với lời quảng cáo "hỗ trợ điều trị vi-rút" cùng với việc có tên trong "bảng vàng" của Bộ Y tế, sản phẩm Kovir đã tạo cho người dân tâm lý mua thuốc tích trữ để phòng ngừa Covid-19. 

Theo Khoản 1, Điều 8, Luật Cạnh tranh, quy định các hành vi cơ quan nhà nước bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh, gồm:

- Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.

Điều 356 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thể hiện rõ: Nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được hành vi cố ý trực tiếp lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, do người có chức vụ, quyền hạn và đạt độ tuổi luật hình sự quy định thực hiện vì vụ lợi hoặc có động cơ cá nhân khác thì có thể bị phạt tù đến 15 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

(Còn nữa)