ĐẢO SINH TỒN
Đảo Sinh Tồn nằm ở tọa độ 9053’7” vĩ độ Bắc; 114019’47” kinh độ Đông. Đảo này cùng với các đảo, đá, bãi phụ cận thuộc xã Sinh Tồn, H.Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đảo Sinh Tồn cách đất liền 320 hải lý, cách Sinh Tồn Đông 15 hải lý về phía Đông và chỉ cách đảo Gạc Ma 11 hải lý. Đảo chạy dài theo hướng Đông Tây, rợp bóng mát những loại cây đặc thù của Trường Sa như bàng trái vuông, phong ba, bão táp.
Nhà văn hoá trên đảo Sinh Tồn được Quân chủng Hải quân phê duyệt chính thức ngày 26/4/2011. Sau hơn 270 ngày thi công, công trình chính thức hoàn thành và bàn giao cho quân, dân xã đảo đưa vào sử dụng vào ngày 15/1/2013. Công trình có quy mô 2 tầng, diện tích sàn 740m2, có kết cấu bền vững, bố trí các phòng hài hòa từ phòng nghỉ cho đến phòng sinh hoạt tập trung.
45 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước đã kế tiếp nhau thực hiện nhiệm vụ giữ đảo. Với tinh thần “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, quân và dân trên đảo luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Với những thành tích và kết quả đạt được, quân dân xã đảo Sinh Tồn vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân cả nước với tinh thần “tất cả vì Trường Sa thân yêu”, diện mạo của quần đảo Trường Sa nói chung, xã đảo Sinh Tồn nói riêng đang có sự đổi thay rõ rệt, cơ sở vật chất ngày càng khang trang hơn.
Tại tất cả các đảo đã được lắp đặt và khai thác hiệu quả hệ thống năng lượng sạch. Quan sát thấy, mỗi đảo đều có hệ thống tua-bin gió hiện đại, cao hàng chục mét, được bố trí xây dựng xung quanh đảo để đón gió từ nhiều hướng.
Trên các mái nhà ngói đỏ cũng được phủ thêm một màu xanh bóng loáng của những tấm pin mặt trời để khai thác tối đa nguồn năng lượng sạch từ mẹ thiên nhiên.
Chùa trên đảo Sinh Tồn được cải tạo khang trang để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân và cán bộ chiến sĩ trên đảo.
Đời sống văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của cán bộ chiến sĩ và người dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn cũng được nâng cao. Sân bóng đá, bóng chuyền, bể bơi... được đầu tư xây dựng, phục vụ nhu cầu vui chơi, tập thể dục của quân và dân trên đảo.
Đây là trận đấu bóng đá nữ diễn ra trên đảo Sinh Tồn nhân dịp đoàn công tác Vùng 4 Hải quân ra làm nhiệm vụ thay thu quân, trao quà Tết cuối năm 2019.
Chuyến đi đó, đoàn công t có một số phóng viên, nhà báo là nữ. Trận giao hữu bóng đá với nhân dân trên đảo được tổ chức nhằm lưu lại những kỷ niệm về chuyến công tác đặc biệt.
Trường Tiểu học xã Sinh Tồn có tổng diện tích hơn 300m2, được xây dựng vào năm 2013 và khánh thành vào năm 2014.
Trường tiểu học xã Sinh Tồn đơn sơ, giản dị nằm ở một góc trên đảo Sinh Tồn, hiên ngang ở giữa Trường Sa đầy nắng gió. Ngôi trường tổ chức 5 lớp nhưng sĩ số khiêm tốn vỏn vẹn chỉ khoảng 10 em học sinh. Không khí giảng dạy, học tập của thầy trò nơi đảo xa chưa bao giờ vì thế mà kém đi phần hào hứng, sôi nổi.
Cả trường chỉ có hai thầy giáo quán xuyến đủ 5 lớp bậc tiểu học. Khi học hết lớp 5, các em sẽ vào đất liền để tiếp tục theo học các cấp cao hơn. Lớp học được tổ chức thời gian học tập không khác gì trong đất liền, các em học từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Những thế hệ học sinh ở Trường tiểu học xã Sinh Tồn cứ thế lớn lên trong vòng tay yêu thương, che chở của gia đình, thầy giáo, cán bộ chiến sĩ hải quân trên hòn đảo địa đầu của Tổ quốc.
HÒN ĐẢO MANG TÊN NGƯỜI ANH HÙNG PHAN VINH
Đảo Phan Vinh trước đây có tên gọi là Hòn Sập, nằm cách bãi Tốc Tan 12 hải lý về phía Tây, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 430 hải lý, cách cảng Cam Ranh 300 hải lý (khoảng gần 600km) về phía đông.
Tháng 5/1978, trong 1 lần đi kiểm tra công tác tại đây, Thiếu tướng Giáp Văn Cương, Tư lệnh quân chủng Hải quân đã đề nghị đổi tên đảo Hòn Sập thành hòn đảo mang tên người thuyền trưởng anh hùng của Đoàn tàu không số, đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đảo nằm trên nền san hô hình vành khuyên. Phía bắc và đông bắc cách đảo khoảng 7.000m có bãi san hô, khi thủy triều xuống thấp san hô nổi lên. Đảo gồm 2 điểm đảo: Phan Vinh A và Phan Vinh B. Đảo Phan Vinh A nằm trên nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý theo hướng đông bắc, còn Phan Vinh B nằm ở phía tây. Phan Vinh là một trong những hòn đảo có vị trí quan trọng trong vành đai thế trận đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa.
Trạm rada 44 (T44) thuộc Trung đoàn 292, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không Không quân đóng quân trên đảo Phan Vinh A thuộc huyện đảo Trường Sa được ví như “mắt thần” trên Biển Đông, đang ngày đêm canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Trạm rada T44 có nhiệm vụ quan sát toàn bộ vùng trời Quần đảo Trường Sa trên biển Đông. Tất cả các phiên trực của đơn vị, toàn bộ cán bộ chiến sĩ luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu để không bị bất ngờ trước mọi tình huống.
Bệnh xá trên đảo Phan Vinh không chỉ làm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ chiến sĩ đang công tác trên đảo mà còn là nơi cứu chữa cho nhiều ngư dân gặp nặn trong quá trình vươn khơi bám biển trên vùng biển Trường Sa.
ĐẢO ĐÁ LỚN
Đảo Đá Lớn thuộc xã đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) nằm trên bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước, cách bán đảo Cam Ranh 286 hải lý, cách đảo Nam Yết về phía Đông Đông Bắc khoảng 32 hải lý, cách đảo Sinh Tồn về phía Đông Nam khoảng 30 hải lý.
Bãi Đá Lớn nằm chạy dài theo hướng Bắc - Nam, chiều dài nhất của bãi khoảng 15km và chiều rộng trung bình 2km, diện tích ước chừng khoảng 28,5 km2. Thềm san hô của đảo khép kín, ở bên trong bãi có 1 hồ, lòng hồ có chiều dài khoảng 10km, chiều rộng khoảng 1km. Khi thủy triều lên cao toàn bãi ngập nước, khi thủy triều xuống còn 0,5m trên bãi có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.
Đời sống của chiến sĩ đảo Đá Lớn từng bước được cải thiện rõ rệt. Nguồn điện sinh hoạt, phục vụ chiến đấu được cung cấp từ hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, học tập công tác trên đảo.
Nếu rau xanh trước đây là một loại thực phẩm thuộc diện "xa xỉ phẩm" thì nay với sự cố gắng của cán bộ chiến sĩ trên đảo, rau xanh được trồng khắp nơi với đủ chủng loại. Ngoài hệ thống tích trữ nước ngọt thì trên đảo còn có máy lọc nước mặt thành nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, nhờ đó rau xanh cũng phát triển tốt hơn.
Đảo Đá Lớn cũng là nơi trú ngụ của các tàu thuyền đánh bắt thủy sản xa bờ những lúc gặp khó khăn về lương thực, nước ngọt, ốm đau bệnh tật bất ngờ hay gió bão thời tiết xấu.
Chiến sĩ Nguyễn Viết Tưởng (Chương Mỹ, Hà Nội) công tác trên đảo Đá Lớn A cho biết: "Trước đây tôi có chú ruột công tác ở Trường Sa, từ những câu chuyện của chú, tôi đã rất muốn đến công tác ở Trường Sa. Khi đến với Trường Sa, ai cũng có quyết tâm, cố gắng đó là một động lực rất lớn đề dành tình cảm, tình yêu cho biển đảo. Đến với Trường Sa thực hiện nhiệm vụ, tôi cảm thấy rất tự hào khi cống hiến một phần sức trẻ của mình với nơi đây. Cuộc sống ở Trường Sa còn nhiều khó khăn, xa cách về địa lý, thiếu thốn tình cảm, vật chất nhưng được sự động viên của gia đình, đồng đội trên đảo, những khó khăn đó biến thành động lực để tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình".
ĐẢO TIÊN NỮ, NƠI ĐÓN BÌNH MINH ĐẦU TIÊN Ở TRƯỜNG SA
Đảo Tiên Nữ nằm ở vĩ độ 08051’00’’ Bắc, kinh độ 114038’20’’ Đông, là đảo ở xa nhất về phía Đông trong số các đảo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tiên Nữ là đảo nằm cực Đông trong số các đảo ở quần đảo Trường Sa, cách xa đất liền khoảng 374 hải lý (khoảng 750 km). Đảo có chiều dài khoảng 6,7 km, chiều rộng nhất khoảng 3km.
Đảo có vành đai san hô khép kín gắn với câu chuyện huyền thoại về một người con gái xuất hiện giữa biển khơi mang bình yên cho vùng đảo này. Trên đảo có trạm hải đăng nằm ở rìa phía đông, cách đảo khoảng 5 hải lý. Khu vực quanh đảo là ngư trường lớn với nhiều loài hải sản quý hiếm.
Điều kiện thời tiết, thủy văn của đảo Tiên Nữ khá mát về mùa hè, ấm về mùa đông; có hai mùa mưa và khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4.
Có một điều khá đặc biệt trên đảo Tiên Nữ, chó được cán bộ chiến sĩ đảo nuôi rất nhiều. Bên cạnh nhiệm vụ canh gác đảo, chó nơi đây được anh em cán bộ, chiến sĩ coi như bạn, hết lòng chăm sóc.
“Khi bãi cạn, cán bộ, chiến sĩ đi đánh bắt, huấn luyện thì chó cũng đi theo. Chúng cảnh giác ban đêm cùng chúng tôi, phát hiện các vật dụng trôi nổi trên biển. Chó rất thính nên thường phát hiện sớm”, một chiến sĩ tại đây cho biết thêm.