Sunhouse hàng Việt Nam ghi xuất xứ Trung Quốc và lời lý giải của Shark Phú

Biên tập viên

Theo lý giải của Tập đoàn Sunhouse, sản phẩm Sunhouse được sản xuất trên dây chuyền của Công ty TNHH Sản xuất Đồ gia dụng Sunhouse nhưng kệ hàng lại ghi xuất xứ Trung Quốc là do siêu thị ghi nhầm.

Vừa qua, trên mạng xã hội đang lan truyền các thông tin hình ảnh về sản phẩm nồi cơm điện SHD8602 của Công ty CP Tập đoàn Sunhouse có tem hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng ở dưới kệ bán hàng lại ghi xuất xứ Trung Quốc khiến dư luận xôn xao.

noi com dien sunhouse hang viet nam ghi xuat xu trung quoc la do nham lan

Ngày 24/6, Công ty cổ phần tập đoàn SunHouse đã phát đi thông báo lý giải về hình ảnh sản phẩm nồi cơm điện SHD8602 của công ty này có tem hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng lại ghi xuất xứ Trung Quốc.

Cụ thể, Tập đoàn SunHouse cho biết, hình ảnh sản phẩm được đặt tại bảng giá của siêu thị Co.op Mart ghi xuất xứ Trung Quốc dẫn đến hiểu lầm sản phẩm SHD8602 nhập khẩu Trung Quốc. Trong khi đó sản phẩm này được sản xuất tại nhà máy SunHouse Việt Nam.

SunHouse nói gì  về nghi vấn nồi cơm điện  xuất xứ Trung Quốc dán bùa
SunHouse phát đi thông báo tới NTD gây hiểu lầm về nguyền gốc sản phẩm

Theo lý giải của Tập đoàn SunHouse, nồi cơm điện Sunhouse SHD8602 là một sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền của Công ty TNHH Sản xuất Đồ gia dụng SunHouse – Sở hữu 100% vốn bởi Công ty Cổ phần Tập đoàn SunHouse theo giấy phép đăng ký kinh doanh MST 0107252232, đăng ký cấp phép lần 2 ngày 24/4/2018.

Đồng thời sản phẩm nồi cơm điện SunHouse SHD8602 được Quatest 1 - Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 1 trực thuộc Bộ khoa học công nghệ đánh giá chứng nhận theo Phương thức 5, quy định tại Phụ lục 2 thông tư 28/2012/TT-BKHCN.

Như vậy, Tập đoàn SunHouse khẳng định sản phẩm nồi cơm điện SunHouse SHD8602 được sản xuất tại Việt Nam và được kiểm soát theo quy chuẩn kỹ thuật số 4:2009/BKHCN. Về việc siêu thị ghi nhầm xuất xứ trên bảng giá, Tập đoàn này đã có công văn chính thức gửi sang đối tác kinh doanh yêu cầu đính chính thông tin về xuất xứ sản phẩm.

Sau khi thông báo này phát đi, Ông chủ SunHouse đã có buổi trả lời phỏng vấn đối với báo chí về nội dung liên quan. Trả lời Tạp chí điện tử Gia Đình Mới, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SunHouse - Ông Nguyễn Xuân Phú (người vẫn được quen gọi là Shark Phú) cho biết: "Ban đầu tôi không quan tâm tới danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao” nhưng bộ phận trong Nam nói thị trường quan tâm thì anh em mới làm hồ sơ xin cấp chứng nhận và được cấp cho hàng gia dụng. Tuy nhiên, do lỗi truyền thông nội bộ nên SunHouse dán tem cả lên sản phẩm xuất xứ Trung Quốc. Việc sai này chỉ ở trong nhóm hàng nồi cơm điện. Thực ra, việc dán tem Hàng Việt Nam chất lượng cao không thuộc danh mục cơ quan nhà nước nào quản lý cả. Nếu sai thì là cái sai của SunHouse với người dùng. Những gì sai với người dùng thì tôi chịu trách nhiệm trước người dùng".

Thực trạng người tiêu dùng thấy

Tuy nhiên nếu khảo sát thị trường trên các siêu thị lớn ở Hà Nội, hàng loạt sản phẩm từ nồi cơm điện, máy làm mát không khí, máy xay sinh tố, ấm siêu tốc, bàn là hơi… của Sunhouse đều ghi xuất xứ từ các nước bên ngoài Việt Nam.

Tuy nhiên, điều khó hiểu là, trên hầu hết sản phẩm dù có ghi rõ xuất xứ từ Trung Quốc nhưng kèm thêm dòng chữ “Sản phẩm được kiểm soát chất lượng bởi chuyên gia Sunhouse Hàn Quốc” hoặc “Sunhouse thương hiệu gia dụng, nhà bếp hàng đầu Việt Nam” hoặc “Sunhouse thương hiệu hàng đầu đến từ Hàn Quốc”.

Cách ghi nhãn quá ôm đồm của thương hiệu này khiến người tiêu dùng cũng bị "rối loạn" không hiểu thực chất đây là sản phẩm của quốc gia nào?

Những hình ảnh thực tế các sản phẩm của Sunhouse được bày bán trên thị trường:

Các sản phẩm máy làm mát của Sunhouse được bày bán ở siêu thị. Ảnh: Minh Thư

Máy làm mát Sunhouse mã SHD-7724 được ghi xuất xứ từ Thái Lan....Ảnh: Minh Thư

... nhưng máy làm mát không khí có mã SHD-7710 cũng được ghi sản xuất tại Thái Lan nhưng "Sản phẩm được kiểm soát bởi chuyên gia Sunhouse Hàn Quốc" và "Sunhouse thương hiệu gia dụng nhà bếp hàng đầu Việt Nam". Ảnh: Minh Thư
Còn chiếc máy làm mát Sunhouse SHD 7738 này lại có xuất xứ từ Trung Quốc và cũng có dòng chữ "Sản phẩm được kiểm soát bởi chuyên gia Sunhouse Hàn Quốc". Ảnh: Minh Thư

Một sản phẩm lại ghi "xuất xứ TQ, được kiểm soát bởi chuyên gia Hàn Quốc" và là "thương hiệu Việt Nam". 

Chiếc ấm siêu tốc được giới thiệu nhà sản xuất là Sunhouse có xuất xứ từ Trung Quốc... Ảnh: Minh Thư
Máy xay sinh tố cũng có sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Minh Thư

Hệ lụy từ lừa dối khách hàng

Ông Trần Hùng, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho rằng việc các doanh nghiệp sử dụng những chiêu thức quảng cáo gây nhầm lẫn , mù mờ về thông tin là sai quy định.

Dẫn chứng cụ thể trường hợp của Sunhouse, ông Hùng cho rằng sản phẩm của hãng này được sản xuất tại Việt Nam song lại gắn với "mác" ngoại khiến người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ Hàn Quốc.

"Nếu Sunhouse sản xuất sản phẩm theo dây chuyền của Hàn Quốc, hãng này cần phải nói rõ cho người tiêu dùng biết sản phẩm Việt Nam được sản xuất theo công nghệ Hàn Quốc, nhưng có nguồn gốc của Việt Nam. Bởi nếu quảng cáo với các nội dung như trên, Sunhouse đang khiến cho người tiêu dùng hiểu nhầm rằng sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài. Còn nếu bán sản phẩm từ Hàn Quốc, hãng này phải có chứng nhận nhập khẩu, hóa đơn chứng từ rõ ràng", ông Hùng nói.

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, khẳng định: "Sản phẩm của công ty sản xuất tại Việt Nam mà quảng cáo như vậy dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là sản phẩm được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Việc quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là hành vi bị cấm theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong trường hợp một số sản phẩm, hàng hóa bán ra của công ty là nhập khẩu từ Hàn Quốc thì cũng chỉ được phép ghi nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc cho những sản phẩm, hàng hóa đó".

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược và thương hiệu Trịnh Đình Long, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp Phát triển doanh nghiệp Amica, hành vi quảng cáo của Sunhouse hay nhiều doanh nghiệp khác đang thực hiện là lừa dối khách hàng. Với các chiêu thức này, doanh nghiệp có thể bán được hàng với giá cao khi sản phẩm gắn với "mác" ngoại.

Đặt trong bối cảnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đang được đẩy mạnh nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, các doanh nghiệp sản xuất cần quảng cáo những thế mạnh của mình, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm nói riêng và hàng Việt Nam nói chung.

Đừng vì "tham bát, bỏ mâm", đưa ra những chương trình quảng cáo gây nhầm lẫn, đánh vào tâm lý tiêu dùng của khách hàng, mà đánh mất đi những giá trị của chính mình!

Hà Anh (t/h)