Một điểm đáng chú ý của phần thưởng dành cho người chiến thắng nằm ở chỗ toàn bộ huy chương vàng, bạc, đồng đều được sản xuất từ các thiết bị điện tử tái chế. Vậy còn điều gì đặc biệt ở bộ huy chương Olympic năm nay?
Cận cảnh bộ huy chương tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters.
Huy chương vàng có được làm bằng vàng thật?
Huy chương tại Thế vận hội năm nay được làm từ vật liệu tái chế từ các thiết bị điện tử do người dân Nhật Bản quyên góp. Tuy nhiên, huy chương vàng Olympic được yêu cầu phải làm từ tối thiểu 92,5% bạc và phải chứa ít nhất 6 gram vàng.
Điều này đồng nghĩa huy chương vàng Olympic bao gồm 494 gram bạc và được mạ bởi một lớp khoảng 6 gram vàng. Huy chương bạc được làm từ 100% bạc nguyên khối, trong khi huy chương đồng có thành phần chính là đồng thau đỏ (95% đồng và 5% kẽm hoặc thiếc).
Theo Marca, mỗi chiếc huy chương vàng hiện tại có giá trị khoảng 815 USD, huy chương bạc là 445 USD. Còn huy chương đồng có giá trị rẻ nhất, chỉ 4,7 USD về nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất ra chúng.
Các huy chương vàng Olympic tại Tokyo 2020 nặng khoảng 556 gram, huy chương bạc nặng 550 gram và huy chương đồng nặng 450 gram. Tất cả huy chương Olympic có độ dày ít nhất 3 mm và đường kính ít nhất 60 mm.
Huy chương tại Olympic Tokyo 2020 được làm từ vật liệu tái chế. Ảnh: Reuters.
Nguyên liệu tái chế
Là một phần của dự án, ban tổ chức tạo ra cuộc thi thiết kế cho các tấm huy chương ở Olympic Tokyo 2020. Cuộc thi dành cho các nhà thiết kế chuyên nghiệp và sinh viên thiết kế từ khắp Nhật Bản, vốn thu hút hơn 400 tác phẩm dự thi.
Theo quy định của IOC (Ủy ban Olympic), hai mặt của tấm huy chương Olympic phải có 3 yếu tố cơ bản - Nike, vị nữ thần chiến thắng của Hy Lạp tạo dáng đứng trước SVĐ Panathinaikos, tên chính thức của kỳ Thế vận hội (Thế vận hội lần thứ XXXII Olympiad Tokyo 2020) và biểu tượng 5 vòng tròn của Olympic.
Olympic Tokyo 2020 là Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử những tấm huy chương được làm từ vật liệu điện tử tái chế. Ước tính cho thấy có khoảng 6 triệu xác di động được thu gom để làm ra những chiếc huy chương vàng, bạc và đồng.
Chính vì thế, tất cả tấm huy chương của kỳ Thế vận hội mùa hè và Thế vận hội Paralympic sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn thông qua "Dự án huy chương Tokyo 2020".
Công dân Nhật Bản từ mọi miền của đất nước được khuyến khích gửi cho ban tổ chức thiết bị điện tử không còn sử dụng như điện thoại di động cũ, máy chơi game cầm tay, máy tính...
Những thiết bị này chứa các nguyên tố đất hiếm có thể được lấy lại và tái chế. Một chiếc điện thoại chứa khoảng 0,034 gram vàng, 0,34 gram bạc và khoảng 15 gram đồng - chính xác là thứ kim loại quý cần thiết để sản xuất huy chương Olympic.
Theo ban tổ chức Thế vận hội 2020, khoảng 5.000 tấm huy chương được sản xuất bằng kim loại thu được từ các thiết bị điện tử tái chế, khi họ phát động chiến dịch kéo dài từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2019.
Mỗi huy chương được trao cho các VĐV tại Olympic Tokyo 2020 đều được làm từ kim loại tái chế trong khi các dải ruy băng, được làm từ 50% PET (một loại nhựa nhiệt dẻo - PV) tái chế.
Thực tế Olympic Rio 2016 là kỳ Thế vận hội đầu tiên sử dụng 30% kim loại bạc thu được từ các loại vật liệu tái chế như bộ phận xe hơi cũ, tấm X-quang để làm huy chương. Nhưng Olympic Tokyo 2020 là lần đầu thiết bị điện tử đóng vai trò quan trọng để tạo nên một tấm huy chương.
Hành động thú vị
Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo nhắc các vận động viên rằng tấm huy chương là "thứ không thể ăn được". Thế nhưng, cảnh báo này không ngăn được việc rất nhiều VĐV chụp ảnh với hành động cắn vào chiếc huy chương khi đứng trên bục chiến thắng.
Với người hâm mộ, chắc chắn không ai cảm thấy khó chịu khi chứng kiến các ngôi tạo dáng với tấm huy chương họ giành được. Nhưng có lý do gì đằng sau hành động cắn huy chương này?
Hành động thường thấy của các VĐV trên bục nhận huy chương. Ảnh: Reuters.
VĐV nhảy cầu Tom Daley không kìm được nước mắt khi bài hát quốc ca vang lên, sau khi giành được tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên cùng đồng đội Matty Lee. Dù vậy, cả hai đều nở nụ cười trong lúc tạo dáng ngay sau đó.
Nhiều VĐV có thể phải đeo khẩu trang trong buổi lễ trao huy chương, nhưng họ lập tức tháo ra và có hành động đưa miệng cắn vào tấm huy chương tương đối đặc sắc.
Ngày xưa, truyền thống cắn vàng bắt nguồn từ việc loài người muốn xác định xem vật liệu đó làm từ vàng thật hay giả. Nếu vết cắn xuất hiện trên vàng, thì đó là đồ thật. Ngày nay, điều đó thực tế không liên quan nhưng truyền thống vẫn tiếp diễn trong thi đấu thể thao, đặc biệt là ở các kỳ Thế vận hội.
Một lý do phổ biến hơn cả là bởi phóng viên thường bảo VĐV làm như vậy, để tạo nên một khoảnh khắc tuyệt vời. Bất chấp truyền thống trên, ban tổ chức Olympic Tokyo gần đây vẫn nhắc nhở VĐV tham dự rằng họ không thể "ăn tấm huy chương".
"Huy chương của chúng tôi được làm từ vật liệu tái chế từ các thiết bị điện tử do công chúng Nhật Bản quyên góp. Vì vậy, bạn không cần phải cắn chúng. Tuy nhiên, chúng tôi biết bạn vẫn sẽ làm thế".