Tân Sơn - Phú Thọ: Các đơn vị chức năng đã vào cuộc sau thông tin lạm dụng thuốc diệt cỏ trên địa bàn

Ngọc Anh

Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn, do một số hộ được Công ty khoán sản lượng nên đã lạm dụng thuốc trừ cỏ để phun, thay vì làm cỏ thủ công.

Trước đó Tạp chí Đời sống & Pháp luật đã nêu về tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan trên nhiều diện tích chè do Xí nghiệp chè Phú Đa (thuộc Công ty chè Phú Đa, địa chỉ xã Tân Phú, huyện Tân Sơn) quản lý. Việc lạm dụng thuốc trừ cỏ diện rộng không chỉ gây ô nhiễm, nguy hiểm hơn rất khó kiểm soát thời gian để thu hái chè. Không thể làm ngơ trước thực trạng này một số người dân xã Mỹ Thuận đã làm đơn, phản ánh trực tiếp tới cơ quan báo chí.

Liên quan tới sự việc này, sáng ngày 25/4, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn cho biết, ngay sau khi Đời sống & Pháp luật có thông tin phản ánh lãnh đạo huyện đã giao phòng kiểm tra, rà soát thông tin.

sv

Cỏ bên dưới rãnh chè chết cháy vì phun thuốc (ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp).

“Sau khi có phản ánh, chúng tôi đã làm việc với UBND xã Mỹ Thuận và Công ty chè Phú Đa. Công ty cũng đã có báo cáo về sự việc này, Công ty cho rằng họ đã yêu cầu các hộ làm đúng quy trình R/A (quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững – PV), tuy nhiên một số hộ khoán theo sản lượng đã lạm dụng thuốc trừ cỏ để phun. Công ty cũng đã động thái chấn chỉnh, chúng tôi cũng có văn bản yêu cầu Công ty thực hiện nghiêm đồng thời tuyên truyền cho người dân tránh lạm dụng thuốc trừ cỏ”, ông Việt nói.

Về thuốc sử dụng phun tại các lô chè, ông Việt cho hay đã kiểm tra các loại thuốc mà người dân đã phun nằm trong danh sách được phép sử dụng. “Diện tích chè nào đã phun thuốc Công ty sẽ cách ly đảm bảo theo quy định, có quy định thời gian cách ly đối với mỗi loại thuốc. Tuy nhiên cũng phải khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ”, ông Việt cho biết thêm.

Cũng liên quan tới sự việc này, ông Hà Văn Vận, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận cho biết, chiều qua 24/4, chính quyền xã này đã làm việc với Công ty chè Phú Đa.

“Sáng nay (25/4) chúng tôi đã có văn bản báo cáo UBND huyện về việc này. Chúng tôi đề nghị Công ty kiểm tra có hướng khắc phục, hạn chế gây ô nhiễm môi trường”, ông Vận cho hay. Cũng theo ông Vận, UBND xã cũng yêu cầu Công ty có văn bản trả lời về vấn đề này và sẽ thông tin cho phóng viên sau.

sv1

Các loại bao bì thuốc mang nhãn hiệu trừ cỏ, thuốc trừ sâu, phân bón lá mà người dân sử dụng để phun (ảnh cắt từ clip).

Tìm hiểu thêm được biết, sau khi thông tin được đăng tải, sáng 22/4 ban lãnh đạo Xí nghiệp chè Phú Đa có chỉ đạo các đội sản xuất kiểm tra các lô chè đã phun thuốc trừ cỏ. Việc kiểm tra có lập biên bản, đồng thời yêu công nhân thu dọn bao bì thuốc vứt bỏ bừa bãi trên đường.

Theo khảo sát và thông tin người dân cung cấp, các nhãn hiệu thuốc trừ cỏ được người dân sử phun cho chè gồm nhiều loại khác nhau, nhưng chủ yếu các nhãn hiệu: Tiguan 150 SL, thành phần hoạt chất: Glufosinate ammonium 150SL; Nimasinat 150SL, thành phần hoạt chất: Glufosinate ammonium 150SL; Trâu Đen, thành phần hoạt chất: Glufosinate ammonium 150g/l... Ngoài ra còn một số loại thuốc trừ sâu, phân bón lá.

Thông tin giới thiệu trên bao bì sản phẩm, đây là “thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm có tính tiếp xúc qua lá, không chọn lọc. Thuốc diệt cỏ phổ rộng, thuốc có hiệu quả đối với các loại cỏ khó trị như cỏ tranh, cỏ gấu, cỏ đuôi chồn và hiệu lực thuốc kéo dài”.

sv2

Nhà máy chè Phú Đa.

Theo Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT ngày 2/12/2022 về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, hoạt chất Glufosinate ammonium có trong thuốc dùng để phòng trừ cỏ cho cây cao su và cà phê.

Ngoài ra, Thông tư 07/2023TT-BNNPTNT Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong qua trình sản xuất và sơ chế quy định: Nơi bảo quản, xử lý phân bón, tàn dư thực vật và nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ pha, bình bơm được che nắng mưa, cách ly với khu vực chứa sản phẩm, nguồn nước tưới. Đối với nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật phải được khoá cẩn thận, không để thuốc bảo vệ thực vật dạng lỏng phía trên thuốc dạng bột. Có bể hoặc dụng cụ chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Bể hoặc dụng cụ chứa phải có đáy, mái che, đảm bảo không cho thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư phát tán ra bên ngoài.

Chúng tôi tiếp tục thông tin tới bạn đọc.