Thăm làng Chuông, nơi cội nguồn của những chiếc nón Việt

Thảo Huyền

Những chiếc nón đã đi vào kinh điển của văn hóa Việt. Hình ảnh người con gái Việt Nam mặc áo dài đội nón lá đã đi vào biết bao áng văn thơ, làm mê mẩn biết bao con mắt của bạn bè quốc tế. Những chiếc nón tuy nhìn mộc mạc và đơn giản, nhưng lại ẩn giấu phía sau nó cả một nghệ thuật chế tác. Mong muốn tìm hiểu về nghề này, tôi tìm đến nơi làm nón làng Chuông, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Những chiếc nón đã đi vào kinh điển của văn hóa Việt.

Thế hệ người Hà Nội cũ không ai là không biết đến làng Chuông, một trong những làng nghề làm nón cổ truyền đã tồn tại từ rất lâu đời. Nón làng Chuông được nhiều thế hệ người Việt tin dùng vì sự chắc chắn, bền bỉ với thời gian và kiểu dáng đẹp. Nhiều sản phẩm của làng cũng đã bay ra thế giới và được bạn bè quốc tế gọi bằng một cái tên trìu mến: conical hat (một cái mũ có chóp). Ngoài mục đích che mưa che nắng, nón còn là một phụ kiện làm đẹp, có thể kết hợp được với nhiều loại trang phục nhưng đẹp nhất vẫn là với tà áo dài truyền thống.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Rộn ràng làng nón.

Nhằm một ngày mùng 10 âm lịch, tôi đi thăm chợ nón làng Chuông. Được nhắc nhở là chợ nón họp từ rất sớm nên tôi khởi hành từ 4 giờ sáng, lúc trời còn tối thui. Sau một tiếng chạy xe, tôi đã có mặt ở địa phận huyện Thanh Oai. Băng qua con đường làng quanh co bên những thửa ruộng ngút tầm mắt, khu vực chợ nón làng Chuông đã hiện ra trước mắt. Chợ nằm dưới một triền đê bên bờ sông Đáy. Là một trong những phiên họp chính, nên từ tờ mờ sáng con đường đê đã đông đúc nhộn nhịp người mua kẻ bán.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Khu vực chợ làng nón tấp nập, ồn ã.

Sau khi gửi xe, tôi đi bộ xuống chợ chính. Khu chợ nón nổi bật giữa những gian hàng rau củ, gà, vịt. Người bán hàng đa phần là phụ nữ, các bà, các mẹ. Đầu tiên là khu bán lá non (hay còn gọi là lá lụi), dùng để làm các lớp lót trong nón. Kế đó là khu bán nón thành phẩm, khung làm nón, vòng cái, mo cau và nan tre để làm vòng con.

Cảnh mua bán tuy tấp nập nhưng không hề cảm thấy quá ồn ào và náo nhiệt, chuyện mặc cả, ra giá cũng rất nhẹ nhàng, thuận mua vừa bán chứ chẳng kì kèo quá mức. Người thì mua nón, người mua lá, người mua khung, mua nan tre, cảm giác ai ai cũng hài lòng với thành quả của mình khi dắt xe ngược lên dốc chợ để đi về.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Cảnh mua bán tấp nập nhưng không khí thoải mái, nhẹ nhàng.

Hình ảnh những cụ bà răng đen nhai trầu ngồi bán hàng thật thú vị. Sự thong thả của họ khiến thời gian như chậm lại. Người làng Chuông vừa bán hàng vừa chuyện trò rôm rả bên chén nước chè xanh, ai ai nói cười khiến một người khách đường xa như tôi cũng cảm thấy thoải mái. Tôi trò chuyện với vài cô bán hàng, được biết thêm khá nhiều về nghề làm nón và cảm nhận được sự thân thiện cũng như mộc mạc, chân tình của họ. Chợ họp tương đối nhanh, đến khoảng gần 8 giờ sáng đã bắt đầu vãn.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Các cụ ngồi xếp nón chuẩn bị giao hàng.

Rất muốn chứng kiến thêm quy trình làm nón cổ truyền, tôi đã hỏi thăm và được chỉ xuống một nhà dân ở ngay gần chợ. Gần như hộ gia đình nào ở làng Chuông cũng biết làm nón, “sinh ra đã biết làm” – như lời nói vui của một người dân nơi đây. Đây là công việc rất hợp lý cho buổi nông nhàn, vừa duy trì nét truyền thống của ông cha để lại, vừa tạo ra thu nhập, thậm chí là khá ổn định cho những người khéo tay, chăm chỉ. Nón lá giờ là sản phẩm chính của làng, dù trước đó làng còn làm nón quai thao, nón ba tầm.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Khung nón với những miếng tre được khứa để đặt vòng.

Về cơ bản, để làm một chiếc nón, đầu tiên cần một khung nón. Sau đó, đặt vòng cái vào khung (vòng cái là vòng to nhất sau vòng khung). Rồi đến các vòng con. Càng lên cao, vòng con càng nhỏ và vòng trên cùng làm bằng kim loại. Các vòng con bằng tre đều được uốn tròn và buộc bằng sợi cước. Sau đó đặt một lớp lá lụi, một lớp mo cau, rồi lại một lớp lá lụi. Trong quá trình đặt các lớp lá này cần cố định nón bằng cách buộc chéo những sợi dây dù. Sau đó là khâu và đan sợi. Một người lành nghề có thể làm 2 chiếc hoàn chỉnh/ ngày.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Khung nón.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Lá lụi để làm lớp lót trong nón.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Nan tre làm vòng con.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Vòng con.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Dùng nan tre ấy tạo từng vòng con.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Khâu lá lên khung nón.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Đặt lớp lót đầu tiên.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Đặt lớp mo tre.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Đặt lớp lót thứ hai.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Phần lên khung hoàn thành, chờ phần hoàn thiện.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Tada… thành phẩm cuối cùng hoàn thành rồi đây.

Nón làm càng cầu kỳ thì càng được giá. Một chiếc nón cho dân lao động được bán với giá khoảng 30.000 VND – 40.000 VND. Chiếc nón được bán với giá cao nhất tại làng Chuông đạt mức 150.000 VND với nhiều họa tiết cầu kỳ. Tuy vậy, đầu ra sản phẩm của nón làng Chuông vẫn chủ yếu chỉ ở những buổi họp chợ.

Nơi đây cũng chưa có hoạch định để phát triển về mảng du lịch cộng đồng, dù trong làng có những di tích chùa, nhà thờ cổ rất đẹp mắt. Nón làng Chuông thật cần thiết có một thương hiệu để nhận diện, một kế hoạch phát triển thật rõ ràng để lưu giữ và duy trì nghề truyền thống đáng tự hào này.

Nón làng chuông - Traveloka Golocal

Ở đây còn nhừng nghệ nhân đang hằng ngày lưu giữ và duy trì nghề truyền thống đáng tự hào này.

– Nón làng Chuông họp vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch hàng tháng. Phiên chính vào các ngày 4 và 10. Chợ họp từ rất sớm và kết thúc sau đó vài giờ đồng hồ trong buổi sáng, nên phương tiện hợp lý hơn cả là xe máy và phải xuất phát sớm.

Minh Đức