Từ gợi mở “xin tiền” nuôi đội bóng
Cụ thể, ngày 23/10 ông Nguyễn Văn Đệ Chủ tịch Công ty TNHH MTV câu lạc bộ bóng đá Thanh hóa, có công văn số 405/CV-CLB BĐ TH gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, về việc: Tình hình tài chính của Câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa. “Bầu” Đệ viện dẫn lý do ảnh hưởng dịch Covid – 19, nhiều cầu thủ có chuyên môn tốt hết hạn hợp đồng đã chuyển đến các câu lạc bộ khác thi đấu, nguồn thu của hoạt động bán vé các trận đấu trên sân nhà giảm sút, công tác vận động tài trợ cũng không thực hiện được…
Hiện tại kinh phí không đủ hoạt động trong mùa giải tới, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính tài trợ và điều hành hoạt động Công ty TNHH MTV câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa
Công văn không quên nêu rõ: Nếu trong trường hợp không tìm được doanh nhân, doanh nghiệp điều hành, thì cần xác định rõ nguồn kinh phí cho mỗi mùa giải, theo kinh nghiệm kinh phí từ 72 tỷ đến 80 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 15569/UBND-VX ngày 06/11/2020, ông Phạm Nguyên Hồng – Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đã ký thư mời số 3829/TM-SVHTTDL với nội dung: Để có nguồn lực về kinh phí đảm bảo cho sự phát triển bền vững của bóng đá Thanh Hóa trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Ngoài số kinh phí được HĐND, UBND tỉnh chi hỗ trợ cho hoạt động phát triển bóng đá hằng năm thì cần phải có một lượng kinh phí huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa trân trọng kính đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp Trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp Nữ, các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh; các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia tài trợ cho Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hoá (có thể tài trợ một phần hoặc nhận tài trợ cho hoạt động cả mùa giải)…
Nỗi lo của người hâm mộ
Từ một đội bóng được xem là hiện tượng của giải, từng là Á quân V-League lẫn Cup Quốc gia lại suýt xuống hạng ở mùa giải vừa qua – 2020. Nhiều cầu thủ xuất sắc, nhiều trụ cột rời đội bóng, những trận thắng hôm nào nay thế bằng những trận thua tan tác… đã khiến cho người hâm mộ xứ Thanh không khỏi buồn rầu, thất vọng.
Chưa dừng ở đó, mới qua “bầu” Đệ lại có công văn đề nghị tỉnh tìm nguồn tài trợ và “gợi ý” xin nguồn kinh phí thể hiện sự khó khăn của đội bóng không khỏi khiến người hâm mộ lo lắng và có phần thất vọng về cái tâm, tầm của người lâu nay được xem là ông “bầu” – là người hùng của bóng đá xứ Thanh.
Một người hâm mộ đội bóng không giấu được sự thất vọng cho rằng: “Một đội bóng không vững về kinh tế, không đảm bảo đồng lương cho cầu thủ… thì khó có thể giữ được những cầu thủ giỏi và có những trần cầu hay. Qua việc “bầu” Đệ có công văn kêu gọi không khỏi khiến người hâm mộ lo lắng về tài chính của đội bóng cũng như nỗi lo trụ hạng ở những mùa giải tới, hơn nữa kiểu làm công văn như vậy khác gì trả lại đội bóng cho tỉnh và tìm bầu mới”.
Trở lại thời điểm cuối năm 2018, sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC xác tín thôi không “rót” tiền tài trợ cho đội bóng xứ Thanh, mặc dù thành tích mùa giải này câu lạc bộ giành Á quân V-League lẫn Cup Quốc gia. Sự quay trở lại với cương vị Chủ tịch CLB Thanh Hóa của “bầu” Đệ bấy giờ được xem là “Cứu cánh” và là người hùng của bóng.
Hẳn nhiên với đó, nhiều người hâm mộ nhầm tưởng với tư cách Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh và khả năng tài chính rồi rào của mình ông Đệ sẽ đứng ra tài trợ, bỏ tiền túi xây dựng đội bóng xứ Thanh như FLC, như các ông bầu khác bầu” Đức, “bầu” Hiển... Thực tế, bấy nay với tư cách Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh chỉ là người tập hợp, kêu gọi các doanh nghiệp chung tay đóng góp cùng với ngân sách của tỉnh, thiếu bao nhiêu ông chủ tịch mới hỗ trợ. Và việc gọi là “bầu” Đệ thực tế là không chính xác.
Được biết, ông Nguyễn Văn Đệ vốn xuất thân là cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát bảo vệ, hậu cần của Công an tỉnh Thanh Hóa. 39 tuổi, ông rời ngành. Với 16 năm lái xe trong quá trình công tác, ông Đệ vào Nam buôn bán đường dài: gạo, trái cây, phân đạm… Nhưng cơ đồ chỉ bắt đầu vào năm 1996, khi ông thành lập và làm Chủ nhiệm HTX Vận tải Hợp Lực. Năm 2003, ông mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khách sạn, nhưng mới xây được 3 tầng thì với chính sách xã hội hóa y tế chuyển hướng sang xây bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực ở Thanh Hóa hiện nay của ông Đệ là tòa nhà 17 tầng trên diện tích 10 ngàn m2, có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có Trường trung cấp Y dược Hợp Lực, Công viên Nghĩa trang Phúc Lạc Viên, Đài hóa thân hoàn vũ Phúc Lạc Viên… Chính ông Đệ là người tích cực vận động thành lập Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam và được bầu làm chủ tịch đầu tiên.