Theo khảo sát của PV thì tại các bệnh viện tuyến 2 của tỉnh Thanh Hóa vấn đề này dường như không được chú trọng và việc quản lý của các cơ quan chức năng cũng bị “bỏ ngỏ”.
Bệnh viện đa khoa huyện Yên Định
Tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Định, theo những gì PV tiếp cận được thì quan trắc môi trường chỉ được thực hiện một năm 2 lần, các kết quả chất thải không đầy đủ, nước xả thải y tế cũng không thường xuyên kiểm tra và đánh giá tác động môi trường cũng không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Ông Hà Minh Tuấn, giám độc bệnh viện cho biết: “Mỗi năm chúng tôi làm 2 lần. Tôi biết việc đó là sai nhưng đây là tình trạng chung tại các bệnh viện tuyến 2 của tỉnh. Việc này cũng đã được báo cáo với Sở y tế nhưng chưa bao giờ bị phạt cả. Bệnh viện Yên Định bên trong sổ sách chỉ có vậy thôi, cái gì sai chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”.
Chính vị giám đốc bệnh viện cũng nhận thức được rằng quan trắc môi trường tại cơ sở còn thiếu sót, nhưng có vẻ coi đó như một việc khá bình thường vì theo như ông cho biết thì các bệnh viện tuyến 2 trên địa bản tỉnh Thanh Hóa cũng đều thực hiện như vậy và đã báo cáo lên Sở y tế.
Cho dù sai sót nhưng ông Tuấn vẫn tự hào rằng Bệnh viện Yên Định là một trong nhưng bệnh viện thực hiện tốt nhất toàn tỉnh trong vấn đề môi trường. Vậy thì câu hỏi về vấn đề trách nhiệm trong công tác quản lý ngành y tại tỉnh Thanh Hóa được đánh giá ra sao?
Ông Hà Minh Tuấn giám đốc bệnh viện huyện Yên Định
Khảo sát tại bệnh viện đã khoa Vĩnh Lộc cũng giống như Bệnh viện Yên Định, báo cáo định kỳ quan trắc môi trường đối với chất thải rắn nguy hại, rác thải y tế, nước xả thải, không khí xung quanh… đánh giá tác động môi trường cũng không đầy đủ.
Ông Lê Văn Thắng, Giám đốc bệnh viện cũng nhận thức được rằng việc này còn thiếu sót nhưng ông cho đó là việc bình thường và hiển nhiên và đây cũng là tình trạng chung đối với các bệnh viện tuyến 2.
Đặc biệt Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Lộc còn có khu giặt là tập trung, theo quy định thì phải có giấy phép xả thải ra môi trường. Tuy khu giặt là này đã hoạt động rất nhiều năm nay nhưng các quy định về môi trường như xả nước thải trong quá trình giặt giũ các loại đồ dùng của bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân vẫn đang bị bỏ ngỏ. Theo lời cán bộ của bệnh viện cho biết thì trước đây vẫn xả thẳng trực tiếp ra ao của bệnh viện. Cho dù biết điều đó là sai nhưng ông Thắng vẫn thờ ơ và cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ hoàn thiện và xin cấp phép khu xả thải này”.
Ông Lê Văn Thắng, giám đốc bệnh viện huyện Vĩnh Lộc
Quan trắc môi trường y tế (bệnh viện) là hoạt động quan trắc môi trường trong các cơ sở y tế, bệnh viện. Đây là hoạt động theo dõi có hệ thống về thành phần, số lượng, mức độ nguy hại của các chất thải nguy hại y tế, các khí thải trong lò đốt chất thải y tế, nước thải và quan trắc khí thải trong bệnh viện, trong và ngoài khuôn viên bệnh viện. Quan trắc môi trường y tế, bệnh viện được áp dụng theo Thông tư 31/2013-TT-BYT.
Việc phải lập báo cáo quan trắc môi trường sẽ giúp cho các bệnh viện dự báo được các ô nhiễm, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục và xử lý hiệu quả, đảm bảo luôn đạt tiêu chuẩn môi trường của ngành. Giúp các bệnh viện theo dõi được các số liệu về môi trường của mình qua hàng năm. Từ đó đưa ra các biện pháp quản lý, đầu tư nâng cao chất lượng môi trường tạo không gian làm việc hiệu quả.
Mẫu báo cáo kết quả quan trắc môi trường phải được thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 43/2015/TB-BTNMT về báo cáo hiện trạng môi trường và quản lý số liệu quan trắc.
Theo quy định của Thông tư, tần suất quan trắc chất thải rắn y tế, khí thải lò đốt, nước thải y tế phải đối với bệnh viện, phòng khám y tế phải tiến hành quan trắc định kỳ 3 tháng một lần. Quan trắc môi trường không khí xung quanh với tần suất 6 tháng một lần. Nếu đơn vị nào không thực hiện đúng và đủ sẽ bị áp dụng xử phạt theo khoản 7, Điều 12, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.