Thanh Hóa: Cần công khai, minh bạch công tác thu chi ở trường tiểu học An Nông

Biên tập viên

Cho rằng công tác thu chi không minh bạch, Ban chấp hành Hội Phụ huynh trường Tiểu Học An Nông (Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã nhiều lần kiến nghị nhà trường công khai các khoản thu chi, trong đó có khoản quỹ xã hội hóa giáo dục được vận động liên tục trong nhiều năm với định mức tối thiểu 350 nghìn đồng/1 học sinh.

Theo phản ánh của Ban chấp hành (BCH) hội phụ huynh (PH) học sinh trường tiểu học An Nông, công tác thu chi và quản lý tài chính của nhà trường chưa thể hiện tính công khai minh bạch. Cụ thể, đối với ông Đào Hùng Tiến - Hiệu trưởng nhà trường, BCH hội phụ huynh phản ánh ông Tiến đã không minh bạch trong công tác thu chi các nguồn quỹ xã hội hóa giáo dục, quỹ phụ huynh, tiền phí sổ liên lạc điện tử và một số khoản thu khác.

 

f-1712705291.jpg
Trường tiểu học An Nông (Triệu Sơn, Thanh Hóa)

Theo đó, BCH hội phụ huynh nhà trường nêu rõ: Từ năm học 2021 đến 2024, trong vòng 04 năm học nhà trường liên tục kêu gọi xã hội hóa với mức 350.000/1 học sinh nhưng lại không thực hiện thu chi thiếu công khai minh bạch, không quyết toán hằng năm, ban đại diện hội cha mẹ học sinh không được bàn, không được theo dõi, giám sát. Vì thế số tiền hơn 600 triệu đồng quỹ xã hội hóa trong vòng 4 năm nhà trường đã chi như thế nào, ban đại diện cha mẹ học sinh không được biết.

Tiền quỹ phụ huynh, tiền sổ liên lạc điện tử (tin nhắn Edu) nhà trường đều triển khai hằng năm nhưng cũng không thực hiện việc quyết toán sau mỗi năm học, trong vòng 4 năm học không thực hiện sổ liên lạc điện tử nhưng nhà trường vẫn thu mỗi học sinh 60.000 đồng/1 năm.

Đối với cá nhân bà Lê Thị Tuyết - giáo viên công tác tại trường tiểu học An Nông, BCH hội PH nhà trường phản ánh trong vòng 4 năm liên tục, cô Tuyết đã lợi dụng danh nghĩa giáo viên chủ nhiệm 5 lớp, thực hiện việc thu hộ các khoản thu theo kế hoạch nhưng không quyết toán về nhà trường hằng năm.

Trao đổi với ông Đào Hùng Tiến - Hiệu trưởng nhà trường về những phản ánh trên, ông Tiến khẳng định: Hằng năm, nhà trường có triển khai vận động xã hội hóa giáo dục theo kế hoạch và dự toán đã được phê duyệt nhưng không thực hiện việc cào bằng. Việc phụ huynh đóng góp 350.000 đồng/1 học sinh là do “nhìn nhau mà đóng góp”. Nhà trường vẫn có báo cáo quyết toán cuối năm về phòng giáo dục, nhưng không báo cáo quyết toán về xã do không có hướng dẫn nào phải báo cáo quyết toán xã hội hóa giáo dục về chính quyền địa phương... Tuy nhiên khi PV đề cập đến việc tiếp cận hồ sơ quyết toán thì ông Tiến lại trả lời hiện hồ sơ không có ở đây, do kế toán đang giữ.

Theo xác nhận của ông Đào Hùng Tiến, trong vòng 4 năm học, trường tiểu học An Nông đã huy động được khoảng hơn 600 triệu tiền xã hội hóa giáo dục. Từ nguồn huy động này, nhà trường đã thực hiện các hạng mục công trình cụ thể: 1 nhà để xe học sinh có kết cấu nhà cột thép, mái tôn rộng khoảng hơn 80m2; lối đi có mái che ra khu nhà vệ sinh; hai dãy bồn hoa trước nhà học 2 tầng; tu sửa bàn ghế và một phần gạch lát nền lớp học.

 

f1-1712705318.jpg
Công trình nhà để xe học sinh được thực hiện từ nguồn quỹ xã hội hóa giáo dục

Trao đổi với ông Lê Đức Hùng - Chủ tịch UBND xã An Nông Về nội dung thu chi quỹ xã hội hóa giáo dục tại trường Tiểu Học An Nông, ông Hùng khẳng định, đúng là nhà trường chưa thực hiện việc báo cáo quyết toán về quỹ xã hội hóa giáo dục mấy năm qua. “Chúng tôi có yêu cầu nhà trường thực hiện báo cáo nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa có câu trả lời. Xã cũng đã nhận được thông tin liên quan đến các kiến nghị của BCH hội phụ huynh nhà trường, sáng 01/4, sẽ có cuộc họp với Thanh tra huyện để xác minh về các nội dung liên quan”- ông Hùng chia sẻ thêm.

f2-1712705318.jpg
Dù đã đóng tiền xã hội hóa mỗi năm 350.000 đồng nhưng nhiều học sinh vẫn phải để xe phơi mưa phơi nắng (ảnh cắt từ video do phụ huynh cung cấp).

 

Đối với khoản quỹ phụ huynh nhà trường, ông Tiến thông tin, đây là khoản thu do hội phụ huynh lập kế hoạch thu, nhà trường không có chủ trương về khoản thu này. Những năm trước quỹ phụ huynh được vận động 100 nghìn/1 học sinh, riêng năm 2023- 2024 thu 20 nghìn/1 học sinh. Như vậy không tính năm học đang triển khai, những năm trước (2021, 2022, 2023), nguồn quỹ phụ huynh cũng vận động được đâu đó hơn 40 triệu 1 năm, tất cả đều giao cho nhà trường quản lý (!?). Ông Tiến cũng cho rằng: “Giao quỹ hội PH cho ban thường trực hội PH quản sẽ không đảm bảo an toàn, chẳng may người ta cờ bạc, rượu chè thì không biết thế nào! Vì thế về quan điểm, quỹ là do nhà trường giữ hộ, chi tiêu như thế nào là do PH đề xuất”.

Đối với khoản tiền 60.000 đồng phí sổ liên lạc điện tử, ông Tiến lý giải: Thực ra các năm trước vẫn có tin nhắn thông qua dịch vụ Edu tới nhà phụ huynh, nhưng năm nay (năm học 2023- 2024) do trục trặc kỹ thuật nên từ đầu năm học tới giờ chỉ mới có một vài tin nhắn.

Theo cách trả lời của Hiệu trưởng nhà trường thì chưa kể các năm trước, riêng năm học này đã gần kết thúc nhưng nhà mạng chỉ thực hiện một hai tin nhắn cho dịch vụ Edu. Vậy 60.000 nghìn đồng hằng năm của hơn 400 học sinh phải trả cho dịch vụ sổ liên lạc điện đã làm lợi cho ai? Câu hỏi này đặt ra cho các nhà quản lý giáo dụ huyện triệu Sơn và Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa.

Về vấn đề liên quan đến cô Lê Thị Tuyết, ông Đào Hùng Tiến xác nhận là có việc cô Tuyết đang nợ sau quyết toán với nhà trường. Nhà trường cũng đã đôn đốc nhắc nhở nhưng cho đến thời điểm hiện tại (trưa ngày 02/4/2024) cô Tuyết vẫn chưa quyết toán tiền thu hộ của hai năm học (năm học 2022 và năm học 2023). Khi PV đặt câu hỏi về việc chậm quyết toán trong nhiều năm của cô Tuyết có ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của nhà trường hay không thì ông Tiến khẳng định: Nếu cô Tuyết không nộp tiền về tài vụ thì nhà trường sẽ đưa khoản tiền cô Tuyết còn nợ vào khoản thất thu (!?).

Như vậy, theo cách quản lý tài chính của vị Hiệu trưởng trường tiểu học An Nông, giáo viên Thu tiền của phụ huynh học sinh nhưng không nộp về tài vụ thì nhà trường sẽ đưa vào khoản thất thu liệu đã hợp lý và đúng quy định?

Mỗi năm, trường tiểu học An Nông đều vận động được 350.000 đồng/1 học sinh đóng góp cho xã hội hóa. Thế nhưng theo quan sát của PV và hình ảnh PH cung cấp thì học sinh vẫn phải để xe đạp ngoài sân trường, phơi mưa, phơi nắng; gạch lát nền bong tróc vẫn chưa được tu sửa. Vậy nguồn quỹ xã hội hóa giáo dục được sử dụng vào những việc gì? Tại sao lại không có tin nhắn Edu nhưng phụ huynh vẫn phải nộp tiền sổ liên lạc điện tử hằng năm? Tiền quỹ phụ huynh nhà trường hằng năm được sử dụng như thế nào? Phòng Giáo dục huyện triệu Sơn có trách nhiệm như thế nào trong những vấn đề này? Tất cả những câu hỏi này cần được trả lời đến phụ huynh một cách chính xác và minh bạch.

Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

PV